Liên quan việc Trung Quốc vừa thành lập 2 cơ quan hành chính cấp quận - huyện là Tây Sa và Nam Sa để kiểm soát phi pháp 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Thanh Niên đã phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Thành Trung (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM) và luật sư Hoàng Việt (thành viên Ban Nghiên cứu luật Biển, Liên đoàn Luật sư Việt Nam).
Một chặng trong quá trình dài hơi
Ông đánh giá thế nào về động thái thành lập 2 quận - huyện Tây Sa và Nam Sa của Trung Quốc?
TS Nguyễn Thành Trung: Mưu đồ của Trung Quốc rõ ràng là độc chiếm Biển Đông. Trung Quốc muốn biến các khu vực mà họ đang tranh chấp trên Biển Đông thành lãnh thổ của mình. Để thực hiện điều đó, họ cải tạo các đảo đá ở Biển Đông mà họ đang chiếm giữ phi pháp - vốn không có các điều kiện cho con người sinh sống lâu dài thành các thực thể phục vụ cho cư dân của họ sinh sống lâu dài. Năm 2007, họ thành lập thành phố Tam Sa, và bây giờ họ thành lập đơn vị hành chính cấp nhỏ hơn. Chúng ta có thể thấy sau 13 năm, họ đã phát triển được các đơn vị hành chính cấp quận (huyện) ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với dân số khoảng 1.800 người.
Điều này mặc dù không thay đổi tình hình nguyên trạng ở Biển Đông nhưng mang ý nghĩa đây chỉ là một chặng trong quá trình dài hơi của Trung Quốc nhằm phát triển thêm các tổ chức hành chính, và dịch vụ khác liên quan đến các quần đảo này ngoài các dịch vụ hiện có như du lịch hay ngư nghiệp.
Luật sư Hoàng Việt: Âm mưu lâu dài của Trung Quốc vẫn là tìm cách độc chiếm Biển Đông. Mặc dù âm mưu đó bị quốc tế phản đối vì nó đi ngược lại với luật pháp quốc tế, nhưng Trung Quốc vẫn muốn dùng sức mạnh để biến âm mưu đó thành thực tế. Chính vì vậy, Trung Quốc sẽ dùng mọi thủ đoạn. Ngoài ra, trước những tác động xấu của dịch Covid-19 đối với kinh tế và chính trị, Trung Quốc cũng muốn “chuyển lửa ra ngoài” bằng cách đẩy mạnh chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Và Biển Đông đang là đích nhắm của Trung Quốc như vậy.
Chỉ muốn đạt mục đích dù cho phi pháp
Trong bối cảnh hiện nay khi cả thế giới đang phải chật vật chống dịch, còn Trung Quốc được cho là đã qua được giai đoạn khó khăn. Với hành động như vậy, có thể đánh giá sao về trách nhiệm của nước này đối với cộng đồng quốc tế?
TS Nguyễn Thành Trung: Tôi cho rằng Trung Quốc cũng đã cố gắng thúc đẩy hình ảnh ngoại giao tích cực của họ trong mắt cộng đồng thế giới khi viện trợ khẩu trang và một số thiết bị cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, ngoại giao khẩu trang của họ đã có tác dụng ngược khi một số quốc gia châu Âu và Úc lên tiếng về chất lượng tồi tệ và bị lỗi của các sản phẩm y tế Trung Quốc. Thêm các hành động liên tiếp gần đây ở Biển Đông, Trung Quốc đang dần thể hiện vai trò thiếu tích cực, thậm chí gây mất ổn định đối với cộng đồng quốc tế.
Luật sư Hoàng Việt: Covid-19 bắt đầu từ Vũ Hán, Trung Quốc sau đó lây lan ra toàn thế giới. Lẽ ra, với trách nhiệm và cương vị của mình, Trung Quốc phải tận tâm cùng các quốc gia trên thế giới chung tay chống dịch. Thế nhưng, Trung Quốc lại lợi dụng tình hình dịch bệnh và các quốc gia trên thế giới phải tập trung hết sức chống dịch để thực hiện dã tâm phi pháp của mình trên Biển Đông. Chính vì vậy, chúng ta cần hiểu rõ thực chất dã tâm của Trung Quốc và cộng đồng quốc tế cũng đã hiểu một Trung Quốc bất chấp trách nhiệm và đạo lý, mà chỉ muốn đạt được mục đích của mình, cho dù là phi pháp.
Biển Đông ngày càng căng thẳng
Tác động của nó đến hòa bình, an ninh tại khu vực?
TS Nguyễn Thành Trung: Theo tôi, những hành động liên tiếp trong 3 tuần gần đây của Trung Quốc từ việc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, đưa tàu Hải Dương Địa chất xuống khảo sát ở khu vực Biển Đông cho đến xác lập đơn vị hành chính cấp quận ở Trường Sa và Hoàng Sa là các yếu tố ẩn chứa sự mất ổn định lâu dài trong khu vực. Các cuộc đàm phán ở vòng 2 giữa Trung Quốc và các nước ASEAN đang diễn ra về Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) nhằm mang lại an ninh cho khu vực sẽ khó khăn hơn khi Trung Quốc liên tục đơn phương gây căng thẳng ở khu vực này.
Luật sư Hoàng Việt: Các hành động của Trung Quốc như vậy đã làm tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng. Môi trường an ninh, hòa bình và ổn định của khu vực này cũng đang đặt dưới những đe dọa khôn lường. Lòng tin của các quốc gia khác về một Trung Quốc “trỗi dậy hòa bình” đã bị phá vỡ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình của các bên về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) mà Trung Quốc và ASEAN đang tìm kiếm.
Theo ông, Trung Quốc sẽ có những bước đi nào trong thời gian tới?
TS Nguyễn Thành Trung: Theo tôi, một mặt Trung Quốc vẫn duy trì chiến thuật gây căng thẳng ở mức độ thấp và chậm như sử dụng các tàu hải cảnh, ngư chính, dân quân cỡ lớn, trang bị đầy đủ để xua đuổi, quấy phá các tàu ngư dân cũng như các tàu chấp pháp và thăm dò khai thác tài nguyên của các quốc gia khác trong khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ để từ từ độc chiếm Biển Đông. Mặt khác, Trung Quốc sẽ cải tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo đá mà họ đã chiếm giữ, cũng như tạo ra các hoạt động hành chính, kinh tế trên các thực thể này. Họ đang và sẽ tiếp tục sử dụng bộ máy tuyên truyền của họ dưới nhiều hình thức như sách vở, âm nhạc, phim ảnh... để cộng đồng quốc tế tin rằng các đảo đá này là của họ.
Luật sư Hoàng Việt: Trung Quốc đang cho rằng đây là thời cơ tốt của họ. Vì vậy, đây mới chỉ là những “khúc dạo đầu” trong một trường ca đầy căng thẳng mà Trung Quốc sẽ tiếp tục trong thời gian sắp tới. Đặc biệt, tháng 5 hằng năm, Trung Quốc thường đơn phương tự đặt ra “lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông” và đoàn tàu hải cảnh của Trung Quốc cùng các tàu dân quân biển của Trung Quốc sẽ tiếp tục tấn công các tàu cá các nước khác, và xâm phạm vùng biển của các quốc gia láng giềng, đe dọa các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của các quốc gia ASEAN ngay trên vùng biển của họ. Chính vì vậy, đòi hỏi chúng ta phải cảnh giác cao độ, sẵn sàng phản ứng kịp thời để bảo vệ chủ quyền và lợi ích của dân tộc trên vùng biển đảo của chúng ta.
Cùng ngày 19.4, UBND H.Hoàng Sa (TP.Đà Nẵng) có thông báo phản đối Trung Quốc thành lập khu Tây Sa và khu Nam Sa thuộc thành phố Tam Sa. Ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND H.Hoàng Sa kiêm Giám đốc Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng, cho biết UBND H.Hoàng Sa là chính quyền địa phương thuộc TP.Đà Nẵng, trực tiếp quản lý quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. UBND H.Hoàng Sa kiên quyết phản đối việc Trung Quốc ban hành quyết định thành lập cái gọi là khu Tây Sa và Nam Sa thuộc thành phố Tam Sa.
“Lập trường này đối với cái gọi là thành phốTam Sa cũng đã được nêu rõ tại Nghị quyết số 26 ngày 4.7.2012 của HĐND TP.Đà Nẵng và các tuyên bố của UBND H.Hoàng Sa trong suốt thời gian qua”, ông Võ Ngọc Đồng khẳng định trong thông cáo.
Nguyễn Tú - Hoàng Sơn
|
Việt Nam phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”
Ngày 19.4, trước việc Trung Quốc ngày 18.4 thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (Tây Sa là tên Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) - quản lý quần đảo Hoàng Sa và bãi Macclesfield; và “quận Nam Sa” (Nam Sa là tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam) - quản lý quần đảo Trường Sa - tại “thành phố Tam Sa”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Các hành vi này không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai”.
Trước đó, vào năm 2012, Trung Quốc ngang nhiên lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” để tự cho mình có quyền quản lý cả quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Vũ Hân
|
Bình luận (0)