Trung Quốc làm khó ASEAN ?

11/07/2012 03:59 GMT+7

Giữa lúc các ngoại trưởng ASEAN nhất trí về nguyên tắc ứng xử hợp lẽ trên biển Đông thì Trung Quốc trịch thượng đưa thông điệp cảnh báo.

Ngoại trưởng 10 nước ASEAN nhóm họp tại Phnom Penh, Campuchia nhất trí thông qua bản thảo “Các thành tố cơ bản” của Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Văn bản này sẽ được thảo luận với Trung Quốc trong quá trình soạn thảo COC sắp tới. Bản thảo đang được giữ kín và chỉ vài phóng viên hôm qua tiếp cận được một bản tóm tắt 2 trang. Theo đó, lập trường của ASEAN là “các bên phải cam kết giải quyết tranh chấp bằng giải pháp hòa bình theo công pháp quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS)”.

 Ông Dương Khiết Trì không thể tránh né việc các bên nêu vấn đề biển Đông tại hội nghị
Ông Dương Khiết Trì không thể tránh né việc các bên nêu vấn đề biển Đông tại hội nghị
ASEAN+3 hôm qua - Ảnh: Reuters

Cụ thể, trước hết “các bên cố gắng giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị (TAC)” do ASEAN tạo lập từ năm 1976 và được nhiều nước bên ngoài tham gia, gồm cả Trung Quốc và Mỹ. TAC nghiêm cấm việc dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Nếu nỗ lực đầu tiên không thành, “các bên có thể tìm đến những cơ chế giải quyết tranh chấp mà luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS, đã đặt ra”. Bản thảo cũng đề nghị các bên tiến hành “hợp tác để xây dựng lòng tin”, đồng thời “cam kết tôn trọng quyền tự do đi lại trên biển và vùng trời” ở biển Đông.

Đồng thuận bước đầu này được giới phân tích đánh giá là một tín hiệu khả quan. Bản thảo cùng những diễn biến nóng bỏng gần đây trên biển Đông chắc chắn sẽ được đề cập tại các cuộc họp trong những ngày tới với sự tham gia của Trung Quốc và các nước đối tác của ASEAN.

Thế nhưng, Trung Quốc trong những ngày qua liên tục có những phát biểu gây quan ngại. Ngày 9.7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lưu Vi Dân nói Bắc Kinh chỉ tham gia hoàn thiện COC “khi điều kiện chín muồi” và COC “không nhằm giải quyết tranh chấp” mà chỉ “để xây dựng lòng tin”. Giáo sư Carlyle Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc nhận định với Thanh Niên: “Lập trường này của Trung Quốc không khác gì những thứ đã có trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)”. Thế giới mong đợi một COC có tính ràng buộc pháp lý với những cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả chứ không chỉ “xây dựng lòng tin”.

Đến ngày 10.7, cũng ông Lưu cho thấy Trung Quốc lo ngại vấn đề biển Đông được đưa ra tại các cuộc họp sắp tới khi tuyên bố: “Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, mà là giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN”. Ông này lớn giọng cảnh báo: “Thổi phồng vấn đề biển Đông là đi ngược lại nỗ lực chung của mọi người cũng như xu hướng chủ đạo trong thời điểm cần hợp tác và phát triển và là một hành động khiến quan hệ Trung Quốc - ASEAN bế tắc”.

Tuy nhiên, vấn đề biển Đông tiếp tục nóng trong cuộc họp ngoại trưởng ASEAN+3 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) hôm qua. Cuộc họp có mặt Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì trong khi Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh thay mặt Bộ trưởng Phạm Bình Minh tham dự. Trong đó, vấn đề biển Đông vẫn được các thành viên nêu ra với “quan ngại sâu sắc”. Thứ trưởng Phạm Quang Vinh tiếp tục khẳng định lập trường của Chính phủ Việt Nam phản đối Trung Quốc phê chuẩn thành lập “thành phố Tam Sa” cũng như mời thầu 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao nước chủ nhà Kao Kim Houn thừa nhận tại cuộc họp báo sau đó rằng Philippines cũng lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề biển Đông.

Hôm nay, Bộ trưởng Phạm Bình Minh sẽ có mặt trong các cuộc họp ASEAN+1 với từng đối tác như Canada, EU, Hàn Quốc, New Zealand, Nga, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và Úc. Ông Phạm Bình Minh cũng sẽ gặp song phương với người đồng nhiệm Trung Quốc Dương Khiết Trì bên lề hội nghị chung.

Trung Quốc vẫn đang có những kế hoạch quản lý đối với cái gọi là “TP.Tam Sa”, vốn bao trùm Hoàng Sa-Trường Sa và vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam. Theo báo Hải Nam, Cục An toàn biển Hải Nam đang soạn kế hoạch xây dựng hệ thống thông tin liên lạc và các cơ sở hỗ trợ thuyền qua lại. Còn trang tin Tài Tân dẫn một nguồn tin cho hay giới chức đang bàn việc xây thêm cảng, mở sòng bạc và lập cơ quan đánh thuế ngoài khơi. Những động thái này cho thấy Bắc Kinh đang tăng cường củng cố tuyên bố chủ quyền vô lý của họ ở biển Đông, đúng như giọng điệu chiếm đoạt của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải Ngô Sĩ Tồn: “Tam Sa sẽ giúp Trung Quốc tăng cường tuyên bố chủ quyền của mình đối với Nam Hải (tức biển Đông - NV) và có thể trở thành nguồn phát triển kinh tế cho tỉnh Hải Nam”.

Văn Khoa

Thục Minh
(Từ Phnom Penh, Campuchia)

>> COC là mục tiêu hàng đầu ASEAN
>> Mỹ đánh giá cao nỗ lực hợp tác, giảm căng thẳng ở biển Đông của VN
>> Giải quyết tranh chấp biển Đông trên nền UNCLOS
>> Biển Đông nóng tại Hội nghị ASEAN
>> ASEAN, Trung Quốc tìm tiếng nói chung về biển Đông
>> Philippines giữ bí mật các quyết định về biển Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.