Dự án xây đập mới đã được đề cập trong bản kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm (2021-2025) do chính phủ Trung Quốc công bố tại kỳ họp quốc hội thường niên hồi tháng trước, theo AFP hôm nay 11.4. Đập mới dự kiến được xây trên dòng Yarlung Zangbao và khi chảy vào Ấn Độ là sông Brahmaputra.
Chính quyền Bắc Kinh chưa bố chi tiết về đập mới ở Tây Tạng, nhưng báo chí Quốc Trung Quốc dự đoán con đập này có công suất tới 60 GW, có thể trở thành đập thủy điện lớn nhất trên thế giới, vượt qua đập Tam Hiệp, với công suất 22,5 GW. Đập Tam Hiệp chắn ngang sông Dương Tử, đoạn chảy qua tỉnh Hồ Bắc, và hiện là đập thủy điện lớn nhất trên thế giới.
Bắc Kinh có thể lập luận rằng dự án xây siêu đập ở Tây Tạng là giải pháp thân thiện với môi trường, thay thế nhiên liệu hóa thạch, nhưng có nguy cơ đối mặt sự phản đối kịch liệt từ các nhà hoạt động môi trường như khi đập Tam Hiệp được xây từ năm 1994-2012, theo AFP. Đập Tam Hiệp đã tạo ra một hồ chứa khổng lồ và khiến khoảng 1,4 triệu cư dân sơ tán.
"Xây một con đập có kích cỡ siêu lớn có thể là ý tưởng tồi vì nhiều lý do”, ông Brian Eyler, giám đốc chương trình bền vững, nước và năng lượng tại Trung tâm Stimson, một tổ chức nghiên cứu ở Mỹ, nhận định, theo AFP. Ông Eyler còn cho rằng đập lớn có thể cản trở sự di cư của các loài cá cũng như dòng chảy phù sa trong mùa lũ ở hạ nguồn.
New Delhi cũng đang quan ngại về dự án xây siêu đập ở Tây Tạng. Reuters dẫn lời một quan chức Ấn Độ tiết lộ chính quyền New Delhi đang lên kế hoạch xây đập thủy điện của nước này trên sông Brahmaputra, nhằm tăng cường năng lực giữ nước và vô hiệu hóa ảnh hưởng của dự án Trung Quốc.
Bình luận (0)