Đập Tam Hiệp góp phần ‘khai tử’ sông Dương Tử ở Trung Quốc

Khánh An
Khánh An
28/02/2021 17:20 GMT+7

Giới chuyên môn cảnh báo về mực nước cạn dần trên sông Dương Tử, do tác động từ việc xây đập, các hoạt động khác của con người và biến đổi khí hậu.

Các chuyên gia thuộc chính phủ Trung Quốc cảnh báo về mực nước sông Dương Tử (Trường Giang) đang cạn dần, nguy cơ ảnh hưởng lớn đến môi trường và kinh tế tại khu vực trù phú và phát triển nhanh nhất cả nước.

Mực nước giảm liên tục

Sau khi xem xét dữ liệu tại các trạm đo đạc và hình ảnh vệ tinh trong nhiều thập niên qua, họ ước tính rằng mực nước sông Dương Tử giảm trung bình khoảng 2 cm/năm kể từ thập niên 1980.

Dấu hỏi cho vai trò đập Tam Hiệp trong đợt lụt lịch sử ở Trung Quốc

Trong báo cáo đăng trên chuyên san Advances in Water Science, nhóm nghiên cứu tại phòng thí nghiệm khoa học thông tin địa lý thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc cho rằng tình trạng trên là do hoạt động của con người như xây đập và thay đổi cảnh quan.
Song song đó, họ cho rằng biến đổi khí hậu có thể đóng vai trò lớn hơn. Lưu vực sông Dương Tử là nơi sinh sống của 460 triệu người và chiếm hơn 1/3 GDP của Trung Quốc.
Xuyên suốt lịch sử, dòng sông là nguồn cung cấp tài nguyên, sản xuất thực phẩm và giao thông. Do hoạt động công nghiệp gia tăng, hơn 1.000 hồ dọc theo con sông đã biến mất.

Ngư dân đánh bắt trên một hồ nước ven sông Dương Tử vào năm 2018

Ảnh chụp màn hình China Daily

Thế nhưng nhiều người vẫn cứ quan niệm rằng tổng lượng nước của sông ít biến động, dựa trên suy nghĩ cho rằng nước sử dụng sau cùng cũng được trả lại môi trường.
Sông Dương Tử trải dài hơn 6.300 km từ Tây Tạng đến biển Hoa Đông. Một số nơi nước chảy trên bề mặt nhưng cũng có nơi nước chảy ngầm dưới lòng đất, cùng với biến động lớn theo khu vực và thời gian khiến việc tính toán trở nên khó khăn.
Để ước tính xu hướng dài hạn, nhóm nghiên cứu không chỉ sử dụng dữ liệu của các trạm đo đạc mà còn hình ảnh vệ tinh theo dõi biến động của dòng chảy.
Họ kết luận rằng mực nước cạn dần 80% là do biến đổi khí hậu, nhất là thay đổi thất thường như nhiệt độ tăng tại một số khu vực ở Thái Bình Dương khiến lượng mưa cấp nước cho sông Dương Tử bị sụt giảm.
Nhiệt độ ấm hơn cũng khiến lượng nước biến động, dẫn đến lũ lụt và hạn hán xảy ra thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, nhiệt độ cao cũng làm nước bốc hơn, trong khi việc đô thị hóa cũng làm gia tăng thất thoát nước vào bầu khí quyển.

Xây đập, chuyển dòng

Bên cạnh đó, vai trò của các con đập cũng rất phức tạp. Việc vận hành 15 đập lớn, bao gồm đập thủy điện lớn nhất thế giớiđập Tam Hiệp, khiến mực nước giảm vào mùa đông và mùa xuân, nhưng lại tăng vào thời gian còn lại trong năm.
Những con đập đang đóng vài trò ngày càng lớn trong việc quản lý nước, đồng thời cũng gián đoạn chu kỳ tự nhiên.

Đập Tam Hiệp từng hứng chịu đợt lũ nghiêm trọng vào năm 2020

Ảnh: Reuters

Tờ South China Morning Post dẫn lời một chuyên gia về nguồn nước tại Bắc Kinh cho rằng mực nước sông Dương Tử có thể sụt giảm tồi tệ hơn so với báo cáo trên.
Hằng ngày, một lượng nước lớn nhưng không công khai được chuyển từ sông Dương Tử lên các thành phố phía bắc, trong đó có Bắc Kinh. Hơn phân nửa nguồn nước cung cấp cho thủ đô của Trung Quốc là từ con sông này.
“Xuyên suốt lịch sử, việc phân phối nước luôn gây tranh cãi giữa các khu vực”, theo nhà nghiên cứu ẩn danh trên.
Chính phủ Trung Quốc dường như cũng nhận thức rõ về mực nước sông Dương Tử sụt giảm. Việc cấp phép cho các dự án xây dựng mới dọc theo con sông đã được siết lại từ năm nay, trong khi mọi hoạt động đánh bắt cá trên con sông này đều bị cấm trong thập niên tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.