Trung Quốc mới là thách thức số 1 của Mỹ

Ngọc Mai
Ngọc Mai
31/03/2022 07:31 GMT+7

Chiến lược quốc phòng và đề xuất ngân sách mới nhất của chính quyền Tổng thống Joe Biden phản ánh tầm nhìn và tham vọng của Mỹ trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động với đánh giá đối thủ số 1 vẫn là Trung Quốc .

Ngày 28.3 (giờ Mỹ), Tổng thống Biden chính thức đề xuất khoảng 5.800 tỉ USD ngân sách tài khóa 2023, trong đó có khoản chi 813,3 tỉ USD cho quốc phòng và an ninh quốc gia. Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Mỹ trình quốc hội Chiến lược quốc phòng năm 2022 với những ưu tiên chính sách và cách tiếp cận cụ thể để đạt các mục tiêu giữa vô vàn thách thức.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hội đàm trực tuyến với ông Tập Cận Bình - Chủ tịch Trung Quốc vào tháng 11.2021

Reuters

Tham vọng 3 nhất của Tổng thống Biden

Trong tuyên bố chính thức được đăng tải trên trang web Nhà Trắng, Tổng thống Biden khẳng định: “Tôi đang đề xuất một trong những khoản đầu tư lớn nhất cho an ninh quốc gia trong lịch sử Mỹ, với số tiền cần thiết để đảm bảo rằng quân đội Mỹ vẫn là quân đội được chuẩn bị tốt nhất, được đào tạo tốt nhất và được trang bị tốt nhất trên thế giới”.

Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh có thể nhiều người không thích việc tăng ngân sách như vậy, nhưng thế giới ngày nay rất khác và khoản đầu tư lớn đó là cần thiết để Mỹ đối phó các thách thức an ninh. Ông chỉ ra, ngoài việc đối phó các tổ chức khủng bố thì nước Mỹ hiện phải đối mặt sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các nước khác như Trung Quốc và Nga.

Đề xuất 813,3 tỉ USD của chính quyền Biden cao hơn 31 tỉ USD so với mức 782 tỉ USD chi tiêu quốc phòng đã được phê duyệt cho năm 2022. Trong số này, 773 tỉ USD được đầu tư cho Lầu Năm Góc, tăng 8,1% so với ngân sách được đề xuất cho năm tài khóa trước đó. Trong cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks nói rằng đề xuất ngân sách của Tổng thống Biden như vậy sẽ giúp đảm bảo cho lực lượng Mỹ lợi thế cạnh tranh trước bất kỳ đối thủ tiềm tàng nào, tiếp tục là quân đội có năng lực và khả năng sát thương nhất trên thế giới. Lầu Năm Góc nêu rõ muốn thúc đẩy hiện đại hóa quân đội, đầu tư mới vào bộ ba hạt nhân bao gồm máy bay ném bom tàng hình tầm xa, tàu ngầm hạt nhân mới, vũ khí bội siêu thanh; bên cạnh tối ưu hóa hạm đội hải quân và nhiều hạng mục khác. Ở nước ngoài, đề xuất ngân sách bao gồm các khoản chi cho sáng kiến răn đe ở châu Âu và mở rộng sự hiện diện của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong khi đó, theo tài liệu chính thức được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố khi thông báo về Chiến lược quốc phòng 2022 cùng ngày, nước này muốn thực hiện các mục tiêu bằng 3 cách tiếp cận chính gồm ngăn chặn tích hợp; chiến dịch; và xây dựng lợi thế lâu dài. Theo đó, cách tiếp cận ngăn chặn tích hợp sẽ sử dụng mọi khía cạnh công cụ sức mạnh quốc phòng và rộng hơn là chính phủ Mỹ, bao gồm cả việc hợp tác chặt chẽ với đồng minh và đối tác khắp thế giới. Với cách thứ hai là chiến dịch sẽ tăng cường khả năng răn đe và cho phép Mỹ giành lợi thế trước các hành động cưỡng chế của đối thủ cạnh tranh, với trọng tâm là đảm bảo sự sẵn sàng của lực lượng Mỹ ở mọi chiến trường mà đối thủ có thể hiện diện. Cuối cùng, Mỹ thúc đẩy việc xây dựng lợi thế lâu dài cho lực lượng quân sự với việc cải cách, đổi mới, hiện đại hóa, đầu tư vào con người, đặc biệt là nhân tài.

Coi Nga là mối đe dọa, nhưng Trung Quốc mới là ưu tiên

Cũng trong Chiến lược quốc phòng 2022, Lầu Năm Góc nêu rõ 4 ưu tiên chính: một là bảo vệ đất nước, đối phó với mối đe dọa đa miền ngày càng tăng do Trung Quốc gây ra; hai là ngăn chặn các cuộc tấn công chiến lược nhằm vào Mỹ, đồng minh và đối tác; ba là răn đe sự gây hấn, đồng thời sẵn sàng chiếm ưu thế trong xung đột khi cần thiết, ưu tiên thách thức của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, sau đó là thách thức của Nga ở châu Âu; bốn là xây dựng một lực hệ sinh thái quốc phòng và lực lượng liên kết vững vàng.

Với những diễn biến mới từ cuộc xung đột ở Ukraine, Mỹ cho rằng Nga tạo ra “mối đe dọa với trật tự thế giới” và Washington sẽ phối hợp với các đồng minh NATO cùng đối tác để đối phó. Tuy nhiên, Chiến lược quốc phòng 2022 nêu rõ dù phản đối Nga, Trung Quốc mới là đối thủ cạnh tranh chiến lược nhất và mang lại nhiều thách thức nhất cho Mỹ. Điều này được phản ánh rất rõ ngay trong các ưu tiên mà Lầu Năm Góc đưa ra ở trên. Trong tài liệu chính thức, Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh sẽ hành động ngay lập tức để duy trì và tăng cường khả năng răn đe nhằm kiềm chế và đối phó Trung Quốc. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Hicks phát biểu trong cuộc họp báo ngày 28.3 rằng Trung Quốc có tiềm lực quân sự, kinh tế và công nghệ để thách thức lợi ích của Mỹ.

Theo giới phân tích, Chiến lược quốc phòng 2022 và đề xuất ngân sách của Tổng thống Biden cho tài khóa 2023 đều đã phản ánh tầm nhìn của chính quyền Mỹ về an ninh quốc gia, trong đó về trước mắt hay lâu dài, Trung Quốc vẫn là đối thủ mà Mỹ phải ưu tiên. Diễn biến đang xảy ra ở Ukraine sẽ không khiến Mỹ thay đổi đánh giá trên. Mặc dù vậy, Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy các hành động để đối phó Nga ở châu Âu, bao gồm việc hỗ trợ Ukraine cũng như tăng cường phối hợp với đồng minh NATO. Trong khoản ngân sách đề xuất mới, Tổng thống Biden cũng dành thêm 682 triệu USD cho Ukraine. Đề xuất ngân sách của Tổng thống Biden vẫn cần được Quốc hội thông qua.

Quốc hội Mỹ cũng lo về Trung Quốc

Thượng viện Mỹ ngày 28.3 đã bật đèn xanh cho dự luật trị giá hàng tỉ USD nhằm khởi động quá trình sản xuất và nghiên cứu công nghệ cao, trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và giảm tình trạng thiếu chip máy tính trên toàn cầu. AFP dẫn lời lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer cho rằng các điều khoản của dự luật đã được bổ sung tại Thượng viện hướng đến hai điều là tạo thêm việc làm cho người Mỹ và giảm chi phí cho các gia đình Mỹ. Ông nói với các thượng nghị sĩ rằng dự luật này được thông qua “sẽ giúp hạ giá thành bằng cách dễ dàng sản xuất các sản phẩm công nghệ quan trọng như chất bán dẫn ở Mỹ và sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn bằng cách đưa sản xuất từ nước ngoài về Mỹ”. Ông nhấn mạnh quốc gia nào dẫn đầu làm chủ công nghệ của tương lai sẽ định hình thế giới theo cách của họ và Mỹ không thể đứng ở vị trí thứ hai.

Dự kiến, dự luật sẽ được đưa ra bỏ phiếu vào tháng 5 hoặc tháng 6 tới, sau khi lãnh đạo đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa ở Thượng viện thảo luận, đi đến thống nhất. Trước đó, dự luật với phiên bản trước đã được Hạ viện thông qua nhưng phía đảng Cộng hòa cho rằng nó chưa đủ cứng rắn với Trung Quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.