Trung Quốc muốn có nhiều giao thương chính ngạch tại Bình Thuận

Quế Hà
Quế Hà
27/10/2020 17:22 GMT+7

Sáng nay 27.10, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc Wu Jun (tại TP.HCM), đã có buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai về hợp tác thương mại tại Bình Thuận.

Cùng đi với Tổng lãnh sự quán Trung Quốc Wu Jun đến Bình Thuận còn có Tham tán thương mại của Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM và Hiệp hội các doanh nghiệp Trung Quốc tại TP.HCM.

Bình Thuận sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư

Giới thiệu với Tổng lãnh sự quán Trung Quốc Wu Jun, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết Bình Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, có lợi thế rất lớn về kinh tế biển do có chiều dài 192 km bờ biển và ngư trường tới 54.000 km2.

Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại TP.HCM tặng 100 triệu đồng cho Quỹ người nghèo Bình Thuận

Ảnh: Quế Hà

Lợi thế lớn nhất của Bình Thuận hiện nay không chỉ là phát triển ngành thủy sản, nông sản mà còn có phát triển công nghiệp; đặc biệt là công nghiệp năng lượng tái tạo và phát triển du lịch.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai, Bình Thuận có một Trung tâm điện lực tại Vĩnh Tân (H.Tuy Phong) với 5 dự án nhiệt điện được đầu tư hơn 10 tỉ USD; trong đó có dự án BOT Vĩnh Tân 1 do Tập đoàn điện lực Trung Quốc đầu tư.
Trong những năm qua, hoạt động thương mại, dịch vụ giữa Bình Thuận và các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam - Trung Quốc phát triển khá tốt. Các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc từ Bình Thuận vẫn là thế mạnh, trong đó có hàng hóa thủy sản chế biến (cá, tôm, sò, mực) và đặc biệt là trái thanh long. Tuy nhiên, các hoạt động giao thương vẫn chỉ là xuất khẩu tiểu ngạch, mậu biên do các doanh nghiệp và thương nhân hai nước tự mua, tự bán ở biên giới phía Bắc.

Đoàn công tác của Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc đến làm việc tại UBND tỉnh Bình Thuận

Ảnh: Quế Hà

Chủ tịch Bình Thuận mong muốn Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM sẽ là cầu nối mời gọi các doanh nghiệp Trung Quốc đến đầu tư và làm ăn tại Bình Thuận, đặc biệt là các lĩnh vực chế biến thủy sản, nông sản, xuất khẩu thanh long và công nghiệp năng lượng tái tạo với những dự án quy mô, để phát triển kinh tế. Ông Nguyễn Ngọc Hai cam kết, Bình Thuận sẽ tạo điều kiện tốt nhất, không chỉ đối với các nhà đầu tư Trung Quốc, mà tất cả các nhà đầu tư đến Bình Thuận sẽ được bình đẳng.

Nhà máy BOT Vĩnh Tân 1 là dự án kiểu mẫu

Về dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vĩnh Tân 1 (tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận), ông Nguyễn Ngọc Hai cho biết, trong thời gian qua, Chính quyền Bình Thuận rất quan tâm đến hoạt động của nhà máy BOT này. Đây là dự án BOT do phía Trung Quốc đầu tư lớn nhất từ trước đến nay tại Bình Thuận. Chủ tịch Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai đề nghị Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM  tạo điều kiện cho Nhà máy BOT Vĩnh Tân 1 làm tốt hơn nữa hoạt động sản xuất, kinh doanh điện.
Đặc biệt, ông Hai yêu cầu phải chú trọng công tác bảo vệ môi trường, vấn đề nước thải, xỉ thải và công tác an sinh xã hội cho người dân khu vực dự án để cho dự án BOT Vĩnh Tân 1 thực sự có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành điện và đóng góp cho phát triển kinh tế của tỉnh.
Chủ tịch Nguyễn Ngọc Hai cũng cho biết, hiện nay Bình Thuận không có chủ trương đón nhận thêm các dự án nhiệt điện tại địa phương, mà chỉ tập trung các dự án năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường.

Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tặng riêng cho Chủ tịch Bình Thuận một máy nấu nước

Ảnh: Quế Hà

Tổng lãnh sự quán Trung Quốc Wu Jun bày tỏ lòng cảm ơn chân thành trước sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đối với các doanh nghiệp Trung Quốc nói riêng và hàng triệu lượt khách Trung Quốc từng đến tham quan Bình Thuận trong thời gian qua.
Ông Wu Jun cho rằng, Trung Quốc là thị trường to lớn tiêu thụ trái thanh long ở Bình Thuận nhưng quan hệ thương mại của Bình Thuận đối với các địa phương của Trung Quốc là chưa tương xứng; phải nâng tầm bằng các giao dịch thương mại chính ngạch. “Trung Quốc đang mở rộng thị trường nhập khẩu với nhiều thị trường lớn trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tôi đề nghị Bình Thuận cử nhiều doanh nghiệp hơn nữa tham gia các hội chợ thương mại tại Trung Quốc. Điều đó vừa thúc đẩy quan hệ thương mại hai bên, vừa kỷ niệm 70 năm quan hệ mật thiết, gắn bó giữa hai nước, hai dân tộc", ngài Tổng lãnh sự chia sẻ.

Cá cơm hấp, phơi khô ở Bình Thuận chủ yếu xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc mỗi năm hàng trăm nghìn tấn

Ảnh: Quế Hà

Về dự án BOT Vĩnh Tân 1, Tổng lãnh sự Wu Jun cho biết sẽ chọn đây là dự án kiểu mẫu cả về công nghệ và bảo vệ môi trường. Chủ đầu tư là doanh nghiệp nhà nước nên tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật sở tại; tạo sức lan tỏa gương mẫu cho các dự án khác sau này tại Bình Thuận. Ông Wu Jun hứa sẽ làm cầu nối, giới thiệu các nhà đầu tư Trung Quốc đến Bình Thuận đầu tư trong lĩnh vực chế biến thủy sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nhất là ngành năng lượng tái tạo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.