Sự hiện diện phi pháp của tên lửa YJ-62 trên đảo Phú Lâm được xác
nhận trong đoạn phim do Đài truyền hình trung ương Trung Quốc phát sóng.
Tên lửa HQ-9 (ảnh 1), hệ thống LD-2.000 (ảnh 2) và tên lửa YJ-62 (ảnh 3 và 4) hiện diện phi pháp tại Phú Lâm - Ảnh: Chụp từ clip |
Đêm 28.3, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngang nhiên phát hình ảnh tập trận bắn đạn thật phi pháp của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền VN. Tuy chưa rõ diễn ra vào thời điểm nào, nhưng các cảnh quay cho thấy lực lượng Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp Phú Lâm đã bắn tên lửa đất đối không HQ-9, tên lửa hành trình chống hạm YJ-62 và hệ thống vũ khí phòng không cận chiến LD-2.000.
Mưu đồ phòng thủ 3 chiều
Sự xuất hiện của hệ thống YJ-62 với tầm bắn lên đến 400 km ở Hoàng Sa cho thấy Trung Quốc đang tăng cường đáng kể sức mạnh cơ bắp ở quần đảo này và đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông. Thông tin về việc Bắc Kinh triển khai YJ-62 đến Phú Lâm đã được hé lộ qua một bức ảnh rò rỉ trên các trang mạng quân sự vào tuần trước nhưng đến đêm 28.3, truyền thông nhà nước Trung Quốc mới chính thức công bố hình ảnh của chúng. Theo chuyên trang quân sự IHS Janes, YJ-62 nhiều khả năng được triển khai cùng thời điểm với HQ-9, vốn bị phát hiện lần đầu tiên ở Phú Lâm vào tháng 2.
Theo giới quan sát, các hoạt động triển khai phi pháp của Trung Quốc là một phần của mưu đồ lớn hơn nhằm củng cố tham vọng kiểm soát vùng biển và vùng trời Biển Đông, trước mắt là tại khu vực xung quanh Hoàng Sa, bất chấp sự phản đối kịch liệt của các nước trong và ngoài khu vực. Trước đây, Bắc Kinh từng công bố hình ảnh máy bay tiêm kích - ném bom JH-7A và tiêm kích J-11BH được triển khai đến Phú Lâm tập trận. Cách đây vài ngày, CCTV cũng tung ra hình ảnh phiên bản tác chiến điện tử của JH-7A tập trận tầm thấp ở khu vực được cho là Biển Đông.
Với các loại vũ khí đã được triển khai gồm tên lửa phòng không HQ-9, tên lửa chống hạm YJ-62, hệ thống phòng không cận chiến LD-2.000 và bộ ba chiến đấu cơ kể trên, Trung Quốc hiện đã xây dựng hệ thống phòng thủ 3 chiều ở khu vực xung quanh quần đảo Hoàng Sa, gia tăng sức mạnh cơ bắp cho những yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Đe dọa lớn
Về phương diện quân sự, sự kết hợp của các loại vũ khí thuộc mạng lưới “chống xâm nhập/chống tiếp cận” (A2/AD) nói trên có thể thay đổi trật tự an ninh khu vực trong thời bình lẫn thời kỳ khủng hoảng. Tác động chiến thuật trực tiếp nhất trong thời bình là đe dọa an toàn của máy bay và tàu bè, kể cả uy hiếp các máy bay tuần tra P-3 và P-8 cũng như tàu chiến của Mỹ.
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên khi tin tức về việc triển khai YJ-62 được hé lộ, Giáo sư James Holmes thuộc Trường chiến tranh hải quân Mỹ nói động thái này là mối đe dọa tiềm tàng đối với tự do hàng hải trong thời bình. “Bất kỳ tàu buôn và tàu chiến nào đi qua Biển Đông cũng sẽ phải lo lắng. Điều này có thể mang lại ưu thế cho Trung Quốc”, ông Holmes nói.
Theo ông, với thế trên cơ nhờ sự kết hợp của các hạm đội hải quân, lực lượng đóng tại lục địa và lực lượng triển khai trên các tiền đồn ở Biển Đông, Trung Quốc tin rằng các nước láng giềng và đối tác của họ như Mỹ, Nhật Bản, Úc và có thể cả Ấn Độ, không còn nhiều lựa chọn ngoài việc chấp nhận các yêu sách phi lý của Trung Quốc và bất lực trước mưu đồ viết lại luật biển ở Đông Nam Á.
Trong thời khủng hoảng, Trung Quốc sẽ sử dụng các vũ khí trên để lấn át bất kỳ nước láng giềng nào đang có tranh chấp đồng thời hiện thực hóa những lời đe dọa của mình.
Theo Giáo sư Holmes, điều các bên cần thảo luận là: “Họ (Trung Quốc - NV) sẽ làm thế trong tình huống nào và làm cách nào chúng ta có thể đương đầu với mối đe dọa nhằm duy trì diện mạo hòa bình khu vực”. Tương tự, nhà nghiên cứu về an ninh quốc gia thuộc Quỹ Potomac (Mỹ) Harry J.Kazianis nói với Thanh Niên: “YJ-62 chắc chắn sẽ làm phức tạp diễn tiến quân sự trong trường hợp đụng độ giữa Trung Quốc với Philippines hoặc thậm chí cả Mỹ”.
Malaysia bất nhất về vụ tàu Trung Quốc xâm nhập
Tờ The Straits Times ngày 29.3 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein bất ngờ tuyên bố rằng kết quả điều tra cho thấy “không có tàu Trung Quốc xâm nhập lãnh hải” như thông báo trước đó. Ông Hishammuddin còn nói thêm là nếu chuyện tàu Trung Quốc xâm nhập có thật thì “vấn đề có thể được giải quyết song phương” và quân đội không cần điều tàu chiến để rượt đuổi.
Hồi tuần trước, chính Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Malaysia Shahidan Kassim khẳng định lực lượng chức năng phát hiện 100 tàu Trung Quốc hiện diện gần bãi cạn Luconia, phía nam Biển Đông và một số tàu thuộc Cơ quan Thực thi luật Biển Malaysia (MMEA) lẫn hải quân đã được triển khai đến khu vực. Sau tuyên bố mới của Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin, Bộ trưởng Shahidan vẫn khẳng định tàu Trung Quốc “luôn hiện diện ở đó” và đề nghị phóng viên The Straits Times “gọi MMEA ngay bây giờ, họ chắc chắn có câu trả lời”.
Theo giới quan sát, những diễn biến mới phần nào cho thấy “sự bối rối tại Kuala Lumpur” trong chính sách đối với Biển Đông và Trung Quốc, vốn là đối tác thương mại cực kỳ quan trọng của Malaysia.
Minh Trung
|
Bình luận (0)