Tên lửa đẩy Trường Chinh 2F được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở sa mạc Gobi, khu tự trị Nội Mông vào lúc 9 giờ 31 ngày 30.5 (giờ địa phương), theo Tân Hoa xã. Tên lửa đẩy đưa phi thuyền Thần Châu 16 cùng 3 phi hành gia lên trạm không gian Thiên Cung.
Vụ phóng được mô tả là hoàn toàn thành công và các phi hành gia trong tình trạng tốt. Chỉ huy sứ mệnh lần này là ông Cảnh Hải Bằng, người đang có chuyến du hành thứ tư ngoài không gian. Hai người còn lại là kỹ sư Chu Dương Trụ và giáo sư Quế Hải Triều của Đại học Bắc Hàng (trước đây là Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Bắc Kinh).
Ông Quế là nhà du hành dân sự đầu tiên của Trung Quốc. Nhóm phi hành gia lần này sẽ ở lại trạm không gian trong 5 tháng. Nhóm phi hành gia của sứ mệnh Thần Châu 15 đã ở trên đó nửa năm và chuẩn bị quay về trái đất trong vài ngày nữa.
Các phi hành gia sẽ tiến hành các thử nghiệm quy mô lớn trong quỹ đạo về hiện tượng lượng tử mới, các hệ thống tần số không gian thời gian chính xác cao, xác minh thuyết tương đối rộng và nguồn gốc sự sống.
Trạm không gian Thiên Cung đã được tiếp tế nước uống, quần áo, thực phẩm và nhiên liệu trong tháng này, trước khi phi thuyền Thần Châu 16 được phóng lên, theo AFP.
Trạm không gian Thiên Cung đóng vai trò quan trọng trong chương trình không gian của Trung Quốc. Mô đun cuối cùng của nó được kết nối thành công với cấu trúc chính vào năm ngoái.
Trạm không gian này dự kiến ở trong quỹ đạo trái đất thấp (cách trái đất 400-450 km) trong ít nhất 10 năm. Các nhóm phi hành gia 3 người sẽ lần lượt được đưa lên để thay thế.
Trung Quốc đưa phi hành gia lên 'Thiên Cung' trong sứ mệnh lịch sử
Do bị loại khỏi Trạm không gian quốc tế (ISS) từ năm 2011, Trung Quốc đã nỗ lực phát triển trạm không gian riêng. Nước này cho biết đang tìm kiếm sự hợp tác quốc tế trong dự án và hoan nghênh phi hành gia nước ngoài tham gia các sứ mệnh lên trạm không gian Thiên Cung. Sứ mệnh Thần Châu 17 dự kiến khởi hành vào tháng 10. Trung Quốc có kế hoạch thực hiện 2 sứ mệnh như vậy mỗi năm.
Bình luận (0)