Đó là ý kiến phát biểu của ông Thang Thành Vỹ, Chủ tịch Thương hội trái cây quốc tế thị Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) tại hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều mùa vụ năm 2022 do UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương tổ chức ngày 25.5.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, có sự tham gia của 60 điểm cầu tại các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Úc, Singapore, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE)…
Nông dân Bắc Giang đang tích cực chuẩn bị bước vào vụ xuất khẩu vải thiều |
Hoàng PHan |
Chia sẻ tại từ đầu cầu phía tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, ông Thang Thành Vỹ đã thông tin vì sao người tiêu dùng Trung Quốc lại đặc biệt yêu thích quả vải thiều Bắc Giang.
Theo ông Vỹ, vải thiều Bắc Giang được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc có quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày, ngọt thơm nên được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.
Trong số nhiều loại trái cây đang nhập khẩu từ Việt Nam, vải thiều Bắc Giang là nông sản khá nổi tiếng ở các tỉnh, thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Vân Nam…
Ông Vỹ cũng nhấn mạnh, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong năm 2021 dù dịch Covid-19 tác động rất lớn đến tình hình giao thương của Việt Nam - Trung Quốc, các thương nhân Trung Quốc không thể có mặt tại Việt Nam để trực tiếp thu mua nhưng quả vải thiều vẫn được tạo điều kiện thông quan, xuất khẩu thông suốt.
Theo đó, trong vụ vải thiều năm 2022, Chủ tịch Thương hội trái cây quốc tế thị Bằng Tường kiến nghị cơ quan hải quan hai nước Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tạo luồng xanh để vải thiều thông quan nhanh chóng.
Không được bó thêm lá
Đặc biệt, ông Vỹ cũng nhấn mạnh, các thương nhân kinh doanh trái cây Việt Nam cần phải tuân thủ nghiêm quy định về đóng gói hàng hóa, nếu không hàng sẽ bị trả lại, ách tắc ở cửa khẩu, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu nông sản giữa Việt Nam - Trung Quốc.
“Khi thu hoạch vải thiều thì không được để cuống dài quá 15 cm, đặc biệt không bó xen lẫn lá, tuân thủ đúng quy định về kiểm dịch thực vật, nếu không vải thiều sẽ không được thông quan”, ông Vỹ nhấn mạnh.
Ông Phan Thế Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết đối với thị trường Trung Quốc hiện có 15.867 ha vải đã được cấp 149 mã số vùng trồng xuất khẩu, dự kiến sản lượng khoảng 95.000 tấn. Cụ thể, diện tích vải thiều xuất khẩu Trung Quốc tập trung tại H.Lục Ngạn với 36 mã, 11.423 ha; H.Lục Nam 111 mã với 2.844 ha; H.Tân Yên có 1 mã với 600 ha và H.Yên Thế có 1 mã với 1.000 ha.
Từ năm 2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng áp dụng quy định trong Lệnh 248, Lệnh 248 đối với hàng hóa, nông sản nước ngoài nhập khẩu vào thị trường này.
Theo đó, vải thiều hay các sản phẩm nông sản phải đáp ứng điều kiện có mã số vùng trồng để truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các cơ sở đóng gói phải thực hiện nghiêm các quy định theo yêu cầu của phía Trung Quốc khi tham gia đóng gói nông sản, hàng hóa xuất khẩu vào thị trường này.
Cũng theo UBND tỉnh Bắc Giang, vụ vải thiều 2022, địa phương này đã có 300 cơ sở đủ điều kiện tham gia đóng gói hàng hóa để xuất khẩu vải thiều vào thị trường Trung Quốc.
Bình luận (0)