Dự kiến trong năm nay, Trung Quốc phóng khoảng 26.000 vệ tinh lên quỹ đạo tầm thấp của trái đất để bao phủ toàn bộ thế giới trong kế hoạch được dẫn đầu bởi các tập đoàn nhà nước, theo Nikkei Asia đưa tin ngày 10.1.
Trong bối cảnh ứng dụng quân sự của các hệ thống liên lạc dựa trên vệ tinh trong chiến sự đang gia tăng tại những nơi như Ukraine và Dải Gaza, Trung Quốc sẽ thiết lập mạng lưới vệ tinh riêng để cạnh tranh với hệ thống StarLink của Mỹ.
Việc xây dựng bệ phóng cho các vệ tinh của Trung Quốc đang được triển khai gần khu phóng không gian Văn Xương tại tỉnh Hải Nam, một trong những cảng vũ trụ dành cho những tên lửa lớn tại Trung Quốc.
Hành động bí ẩn của phi thuyền Thần Long của Trung Quốc
Địa điểm phóng sẽ được sử dụng chủ yếu bởi Tập đoàn Mạng lưới vệ tinh Trung Quốc, thuộc sở hữu hoàn toàn của chính phủ. Tập đoàn này được thành lập vào năm 2021, sau khi Bắc Kinh thông báo với Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) về kế hoạch vào năm 2020 sẽ phóng khoảng 13.000 vệ tinh nhằm thiết lập mạng internet tốc độ cao.
Theo truyền thông Trung Quốc, Mạng lưới Vệ tinh Trung Quốc sẽ phóng khoảng 1.300 vệ tinh, tương đương 10% số lượng dự kiến, từ năm 2024 đến năm 2029, với hy vọng mở đường cho việc thành lập mạng lưới hỗ trợ truyền thông 6G tốc độ cao vào năm 2035.
Trong khi đó, một công ty vũ trụ thuộc sở hữu một phần của chính quyền thành phố Thượng Hải có kế hoạch đưa 12.000 vệ tinh vào quỹ đạo tầm thấp. Công ty cho biết họ sẽ phóng hơn 600 vệ tinh trong số đó vào cuối năm 2025.
GalaxySpace Technology, một công ty tư nhân được thành lập bởi những người làm trong ngành mạng máy tính, có kế hoạch phóng 1.000 vệ tinh quỹ đạo thấp. Ngoài ra còn những công ty khác cũng có kế hoạch phóng nhiều vệ tinh lên quỹ đạo.
Trung Quốc tham vọng trở thành một cường quốc không gian có thể sánh ngang với Mỹ vào khoảng năm 2030. Vào năm 2020, Trung Quốc đã hoàn thành hệ thống vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu, thúc đẩy một số lượng lớn các công ty Trung Quốc chuyển từ Hệ thống Định vị toàn cầu (GPS) sang hệ thống này.
Các nước có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc cũng có thể cân nhắc sử dụng những công nghệ này cho mục đích quân sự và an ninh, bao gồm cả nỗ lực gìn giữ hòa bình.
Bình luận (0)