Trung Quốc sẽ tập trung nguồn lực hỗ trợ cho tỉnh Hải Nam để phát triển và khai thác nguồn tài nguyên ở Biển Đông.
Tàu hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông - Ảnh: Reuters |
Cam kết trên nằm trong dự thảo Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016 - 2020) được công bố tại kỳ họp quốc hội thường niên khai mạc ở Bắc Kinh ngày 5.3, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
Ngoài ra, Trung Quốc sẽ tăng cường hiện diện trên biển để “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ” và duy trì tự do hàng hải trong “vùng biển Trung Quốc”, tăng cường khả năng “chấp pháp” trên biển và “xử lý hợp lý” những trường hợp vi phạm các quyền trên biển.
Trong 5 năm tới, Trung Quốc sẽ soạn thảo một luật biển để khẳng định chính sách và chiến lược tổng thể của nước này về các vấn đề biển.
Theo SCMP, dự thảo kế hoạch 5 năm lần này dành cả một mục nói về việc bảo vệ cái gọi là lợi ích biển của Trung Quốc, tập trung vào an ninh và chủ quyền. Đề tài này chỉ được đề cập vắn tắt trong kế hoạch 5 năm lần trước. Mặt khác, Trung Quốc sẽ cải thiện các cơ chế hợp tác, đối thoại về vấn đề biển với các nước láng giềng và đẩy mạnh hợp tác thực tế trong lĩnh vực này, theo Tân Hoa xã.
Kế hoạch mở rộng hiện diện trên biển được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng lộ rõ mưu đồ độc chiếm Biển Đông, làm leo thang căng thẳng ở khu vực, khiến cộng đồng quốc tế quan ngại. Trước tình hình này, chính phủ Philippines hôm qua 6.3 tiếp tục kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt những “hành động hung hăng” làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, theo tờ Manila Bulletin dẫn lời Chủ nhiệm Văn phòng thông tin tổng thổng Philippines Herminio Coloma Jr.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Vương Hàn Linh thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc lại ngụy biện rằng các tranh chấp ở Biển Đông và việc hải quân Mỹ tuần tra gần những bãi đá Trung Quốc bồi đắp phi pháp trong khu vực buộc chính phủ Trung Quốc phải tập trung nhiều hơn vào an ninh biển. Chưa hết, ông Vương còn kêu gọi lực lượng hải cảnh Trung Quốc (CCG) tăng cường khả năng để xử lý các tình huống khẩn cấp, theo SCMP.
Trung Quốc hiện chủ yếu sử dụng tàu hải cảnh để thực hiện cái gọi là “nhiệm vụ chấp pháp” ở những vùng biển Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Tàu hải cảnh từng gây ra không ít vụ việc khiến cộng đồng quốc tế quan ngại.
Bằng chứng là khi giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) của Trung Quốc cắm phi pháp trong vùng biển VN từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7.2014, các tàu hải cảnh đã hung hăng đâm húc và phun vòi rồng vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam.
Hồi tháng trước, chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ Joseph Aucoin cũng đã lên tiếng cảnh báo rằng Trung Quốc ngày càng trông cậy vào các tàu hải cảnh và những tàu phi hải quân khác để củng cố tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, theo Bloomberg.
Tàu ngầm Nhật sắp thăm Philippines
Kyodo News ngày 6.3 loan tin Nhật Bản đang có kế hoạch điều 1 tàu ngầm và 2 khu trục hạm đến thăm Philippines vào tháng tới. Đây sẽ là lần đầu tiên trong 15 năm qua tàu ngầm Nhật đến thăm Philippines. Sau khi rời khỏi Philippines, 2 khu trục hạm Nhật có thể sẽ đến thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam, theo Kyodo News.
|
Bình luận (0)