Trung Quốc thử nghiệm tên lửa chống tên lửa đạn đạo

20/06/2022 06:44 GMT+7

Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 19.6 cho biết nước này đã thử nghiệm thành công tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo (ABM) ở giai đoạn giữa, phóng từ mặt đất.

Trung Quốc diễn tập hệ thống phòng không ở sa mạc Gobi

quân đội trung quốc/global times

Global Times dẫn lại thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết vụ thử nghiệm kỹ thuật ABM đã diễn ra vào đêm 19.6 bên trong biên giới Trung Quốc và đã "đạt được mục tiêu". Thông báo cũng nói vụ thử mang tính chất phòng vệ, không nhắm vào bất cứ nước nào.

Đây là năm thứ hai liên tiếp Trung Quốc tiến hành thử nghiệm như vậy. Một vụ thử tương tự đã diễn ra vào tháng 2.2021, theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc thời điểm đó. Đến nay, Trung Quốc đã công bố 6 vụ thử nghiệm kỹ thuật ABM phóng từ mặt đất, lần lượt vào các năm 2010, 2013, 2014, 2018 và 2021. Không rõ giai đoạn đánh chặn trong vụ thử năm 2014 là khi nào trong khi toàn bộ 5 vụ thử còn lại được tiến hành ở giai đoạn giữa.

Vụ thử có thể khiến căng thẳng gia tăng tại một khu vực vốn đã chứng kiến nhiều căng thẳng thời gian qua với cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Triều Tiên cũng đã liên tục thử nghiệm tên lửa gần đây, và Mỹ cũng như Hàn Quốc nhận định rằng Bình Nhưỡng có thể sắp tiến hành vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên kể từ năm 2017.

Một chuyên gia giấu tên nói với Global Times rằng vụ thử mới nhất cho thấy năng lực đánh chặn tên lửa đạn đạo của Trung Quốc đang ngày càng đáng tin cậy và giúp củng cố khả năng răn đe của nước này trước các mối đe dọa hạt nhân.

Quá trình bay của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) thường bao gồm ba giai đoạn. Đầu tiên là giai đoạn tăng đẩy trong đó tên lửa đẩy cung cấp năng lượng cho tên lửa đạn đạo bay lên bầu trời. Thứ hai là giai đoạn giữa, trong đó tên lửa đẩy ngừng hoạt động và tên lửa đạn đạo bay ra ngoài bầu khí quyển. Thứ ba và cuối cùng là giai đoạn tái nhập, trong đó tên lửa đạn đạo quay lại bầu khí quyển và lao vào mục tiêu.

Theo các chuyên gia, việc đánh chặn một ICBM trong giai đoạn giữa là rất khó vì trong giai đoạn này, tên lửa, thường được trang bị đầu đạn hạt nhân, bay lên cao bên ngoài bầu khí quyển với vận tốc rất lớn.

Về mặt kỹ thuật, có thể dễ dàng đánh chặn một tên lửa đạn đạo trong giai đoạn đầu vì tên lửa vẫn ở gần mặt đất và tăng dần tốc độ, nhưng rất khó để tiếp cận bãi phóng thường nằm sâu trong lãnh thổ của đối phương. Trong giai đoạn cuối, việc đánh chặn cũng gặp nhiều thách thức vì tên lửa lao xuống rất nhanh.

Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay Phúc Kiến, hiện đại vượt trội 2 tàu sân bay trước
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.