Trung tâm tiếng Anh tồn tại thế nào sau dịch Covid-19 ?

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
21/04/2020 07:08 GMT+7

Đóng cửa trung tâm, trả mặt bằng thuê mướn, trở thành trường phổ thông trực tuyến, chuyển qua mô hình dạy trực tuyến hoàn toàn... Đó là những cách mà chủ các trung tâm tiếng Anh lớn đang xoay xở trong mùa dịch Covid-19 .

 

Chuyển trung tâm thành trường phổ thông trực tuyến

Hệ thống Anh ngữ IvyPrep Education có khoảng 3.000 học sinh theo học ở 11 cơ sở (6 tại Hà Nội và 5 tại TP.HCM). Dịch Covid-19 ảnh hưởng khá nặng nề đến IvyPrep khi toàn bộ học sinh (HS) nghỉ học để đề phòng dịch bệnh khiến hệ thống này không có nguồn thu, trong khi vẫn phải trả các chi phí vận hành như tiền thuê mặt bằng, lương nhân viên và giáo viên...
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Toàn, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Tổ hợp giáo dục EQuest Group, tập đoàn sở hữu IvyPrep Education, cho biết tình hình khó khăn khiến ban lãnh đạo phải có biện pháp quyết liệt. Đầu tiên là đàm phán trì hoãn ngay lập tức việc trả tiền thuê nhà làm cơ sở trung tâm. Những chủ nhà nào không đồng ý thì đóng cửa ngay lập tức vì trung bình mỗi tháng cũng phải bỏ ra chi phí ít nhất 300 - 400 triệu đồng/trung tâm. Cuối cùng, Ban lãnh đạo đóng cửa 4 trung tâm ở Hà Nội và TP.HCM.
Bên cạnh đó, lãnh đạo đơn vị này “cắt” toàn bộ bộ phận hoạt động không hiệu quả: tiếp thị qua điện thoại, marketing trung tâm... Yêu cầu tối ưu hóa nhân sự bằng cách kiêm nhiệm công việc, mỗi người phụ trách thêm một vị trí.
Tuy nhiên, bước đi quyết định của trung tâm này là chuyển tất cả HS sang học chương trình phổ thông Mỹ theo hình thức trực tuyến và kết hợp với học tại trung tâm khi hết dịch.
Theo ông Toàn, kết quả là trung tâm “sống sót”. Tiền đã bắt đầu cân bằng đủ trả lương cho nhân sự còn lại. Chỉ phải bù lỗ một phần tiền nhà và tiền phát triển thị trường. Quan trọng nhất là trung tâm đã đoạn tuyệt với mô hình ESL (học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2) tốn kém.

Phát triển nền tảng học trực tuyến

Ông Nguyễn Hồng Nam, Giám đốc điều hành Tổ chức Giáo dục YOLA (sở hữu Hệ thống Trung tâm tiếng Anh YOLA), cho biết đơn vị này đã hỗ trợ 15.000 học viên chuyển đổi trực tiếp sang nền tảng YOLA Smart Learning để việc học không bị gián đoạn.
Theo ông Nam, Ban lãnh đạo định hướng là việc học trực tuyến sẽ tiếp tục trong tương lai chứ không chỉ là giải pháp tạm thời. Khi các trường học có thể mở cửa trở lại, nền tảng công nghệ của trung tâm vẫn sẽ tiếp tục vận hành và phát triển rộng hơn nữa. Lý do là trong giai đoạn dù rất thách thức hiện nay, trung tâm vẫn nhận được một lượng khá lớn học viên mới đăng ký học. Dù so với việc đăng ký học bình thường có dấu hiệu chậm lại rõ rệt vì nền kinh tế và thu nhập của các phụ huynh cũng bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 nhưng đơn vị này khẳng định rất lạc quan và tự tin khi nhận thấy được xu hướng học tập mới đang dần được đón nhận.
Nhiều trung tâm Anh ngữ cũng chuyển đổi sang dạy trực tuyến. Trung tâm British Council ra mắt lớp tiếng Anh tại nhà myClass, Apollo có Apollo@Home. Từ ngày 12.3, ngoài chương trình học trực tuyến ESL-Live, Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders cũng lên sóng chương trình “học tiếng Anh qua câu chuyện kể” miễn phí…
“Sau khi dịch Covid-19 kết thúc, các trung tâm Anh ngữ sẽ phải đánh giá lại năng lực về công nghệ và sản phẩm của mình. Những doanh nghiệp có doanh thu lớn từ việc dạy học truyền thống trong những năm qua sẽ phải xem xét việc đầu tư vào sản phẩm, công nghệ mới mang tính đột phá cũng như xem lại cách họ cung cấp dịch vụ và sản phẩm của mình”, ông Nam chia sẻ.

Chi phí học ngoại ngữ giảm ?

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Toàn cũng nhận định: “Trong tương lai, các trung tâm ngoại ngữ sẽ có bước dịch chuyển mạnh mẽ. Số lượng các trung tâm sẽ giảm đi đáng kể, do vậy tính cạnh tranh về địa điểm cơ sở vật chất cũng sẽ giảm theo. Sức mạnh đàm phán sẽ thuộc về các trung tâm giáo dục và thương mại, thay vì thuộc về chủ nhà. Thứ hai là các trung tâm ngoại ngữ cũng sẽ bớt phụ thuộc vào việc phải dạy trực tiếp. Hình thức dạy kết hợp giữa online (tại nhà) và offline (tại trung tâm) sẽ phổ biến hơn. Việc này cộng với việc giảm được một phần áp lực chi phí cơ sở vật chất sẽ làm chi phí học ngoại ngữ giảm đi. Cha mẹ và HS sẽ dần nhận thấy là không cần phải đến trung tâm liên tục mới có thể học giỏi ngoại ngữ được. Về dài hạn, trung tâm nào chuyển đổi số nhanh nhằm dạy chất lượng cao với chi phí đột phát và thuận tiện cho HS sẽ chiến thắng trong cuộc đua mới”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.