Trước thông tin bị bắt, Chủ tịch Eximbank Lê Hùng Dũng: ‘Tôi ổn!’

19/08/2015 18:56 GMT+7

(TNO) Chiều 19.8, xuất hiện tại nơi làm việc của mình ở tòa nhà Eximbank trên đường Kỳ Đồng, Q.3 (TP.HCM) cùng vợ, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã có cuộc trao đổi với PV Thanh Niên Online liên quan đến tin đồn ông bị bắt.

(TNO) Chiều 19.8, xuất hiện tại nơi làm việc của mình ở tòa nhà Eximbank trên đường Kỳ Đồng, Q.3 (TP.HCM) cùng vợ, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã có cuộc trao đổi với PV Thanh Niên Online liên quan đến tin đồn ông bị bắt.

Ông Lê Hùng Dũng khẳng định tin đồn vừa qua vô căn cứ và ác ý - Ảnh: Trung Hiếu

Lý giải về vết sưng và bầm ở gần khóe mắt bên trái, ông Dũng cười nói: “Tôi đi không cẩn thận bị đụng vào thành cầu thang nhưng giờ ổn rồi”.

Tin đồn là chuyện bình thường

* Mấy ngày qua trên một số trang mạng tung tin ông bị bắt. Ông có thể cho biết tại sao lại có tin đồn như vậy?

- Ông Lê Hùng Dũng: Chúng ta đã và đang sống với tin đồn. Đó là điều bình thường. Chỉ có bây giờ dính vào một số cá nhân thì tùy theo mức độ ảnh hưởng của cá nhân đó để tin đồn lây lan nhiều hay ít. Đối với trường hợp của mình, tôi nghĩ thông tin là như vậy. Nhưng như anh thấy, tôi đang ngồi đây với anh. Bản thân việc tôi ngồi đây đã chứng minh có hay không có trong việc thông tin tôi bị bắt.


Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank nói về tin đồn bị bắt - Thực hiện: Trung Hiếu - Nguyễn Bình

Hiện Ngân hàng Eximbank vẫn hoạt động bình thường. Các chỉ số an toàn vốn hay các chỉ số khác đang tốt. Hiện nay việc trích lập dự phòng để xử lý những khoản nợ xấu được chúng tôi ưu tiên cao nhất. Cho nên phần lợi nhuận của ngân hàng có vẻ thấp. Nhưng nhìn chung kết quả kinh doanh của ngân hàng vẫn bình thường. 

Chiều ngày 19.8, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) phủ nhận tin đồn trên thị trường mấy ngày qua về việc bị bắt. 
Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Lê Hùng Dũng cho hay tình hình hoạt động kinh doanh của Eximbank vẫn đang bình thường. Theo số liệu đã kiểm toán, tính đến hết quý II năm 2015, tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất (CAR) của Eximbank đạt 15%, tỷ lệ dư nợ cho vay trên tiền gửi ở mức 75%, tỷ lệ nợ xấu 2,09% , lợi nhuận trước thuế đạt 567 tỉ đồng, hoàn thành 57% kế hoạch năm 2015.
Trước đó ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định không có vụ bắt người nào tại các ngân hàng trên địa bàn mấy ngày qua như thị trường đồn đoán.
Thanh Xuân

* Ông có thể nói rõ là nguyên nhân tin đồn ông bị bắt từ đâu ra?

- Tôi đoán khả năng thế này. Vừa rồi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trực tiếp vào thanh tra Ngân hàng Đông Á, sau đó có quyết định đưa ngân hàng này vào diện bị kiểm soát đặc biệt. Vừa rồi NHNN cũng thanh tra Eximbank. Nhân cơ hội triển khai biện pháp kiểm soát đặc biệt Ngân hàng Đông Á, Eximbank cũng bị thanh tra, từ đó họ suy luận. Tôi nghĩ suy luận đó cũng logic. Đó là ông này bị thanh tra như thế này thì ông kia bị thanh tra chắc cũng vậy.

Tiếp nữa là tình hình thị trường có nhiều biến động. Đặc biệt gần đây, nhân dân tệ phá giá mạnh. Dự kiến điều hành của chúng ta biên độ 2% nhưng vừa rồi chúng ta phải nâng lên 3%. Các đồng tiền khác trong khu vực cũng đua nhau giảm giá theo. Vì vậy tôi nghĩ rằng đặc điểm đó tác động đến thị trường rất mạnh.

 Eximbank hoạt động tốt

* Sau khi tin đồn ông bị bắt phát tán rộng rãi, hoạt động của Eximbank trong mấy ngày qua có bị ảnh hưởng?

Tôi có kiểm tra. Thứ nhất về tiền gửi của doanh nghiệp và cá nhân vẫn hoạt động bình thường. Thứ hai về rút tiền cũng không có hiện tượng đột biến gì hết. Cuối giờ sáng nay (19.8), tôi mới kiểm tra chỗ phòng kế toán tài vụ, anh em có báo chi tiết, so với thời điểm này và năm ngoái, đều không có gì bất thường.

Ông Dũng tại nơi làm việc của mình chiều 19.8 - Ảnh: Trung Hiếu

* Như ông nói, lượng người rút tiền không có đột biến nhưng có tăng so với trước khi xảy ra tin đồn không?

- Cũng có tăng nhưng là đến thời kỳ đáo hạn hay người ta nhìn thấy chỗ khác lãi suất gửi cao hơn thì rút để gửi.

* Cuộc sống của ông và gia đình có bị xáo trộn?

- Dĩ nhiên có chút ảnh hưởng. Đồn đại thì mình phải lên báo đính chính. Tôi cũng suy nghĩ nếu mình không đính chính, anh em hỏi mình không nói, thì tin đồn càng lan rộng. Tôi khẳng định là tôi vẫn công tác bình thường, làm việc bình thường ở Eximbank.

Chiều 19.8, ông Dũng vẫn ký một số văn bản do cấp dưới trình lên - Ảnh: Trung Hiếu

 * Lĩnh vực ngân hàng khá nhạy cảm trước tin đồn. Vậy ông có đề nghị cơ quan chức năng tìm xem nguyên nhân từ đâu, ai phát tán để sớm dập tắt tin đồn, không cho nó lan rộng?

- Tôi nghĩ tin đồn lan truyền từ một số công ty chứng khoán. Một thì đồn hai, ba rồi lây lan ra. Còn khi có khẳng định của người trong cuộc thì dần dần sẽ trở lại bình thường. Dĩ nhiên khi có tin đồn, mình chưa nói ra thì cũng có chút ít xao xuyến, nghi vấn. Như hôm nay, sau khi anh em có thông cáo báo chí nó rõ thì tình hình tương đối tốt. Với lại tốt hay không tốt nó nằm ở trong chỉ số kinh doanh chứ không thể cảm tính được.

Xin nghỉ  vì muốn anh em trẻ lên thay thế

 * Vừa rồi trong đại hội cổ đông Eximbank, ông xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị mà ông nắm giữ từ rất lâu. Có ý kiến cho rằng việc ông xin từ nhiệm một phần do hoạt động của Eximbank không hiệu quả, lợi nhuận chỉ đạt 3% so với kế hoạch đề ra. Ông có thể nó rõ thêm việc này?

- Nói lợi nhuận ngân hàng năm 2014 thấp cũng không đúng. Do tình hình thị trường xấu nên nợ xấu tăng cao. Mà cũng không phải chỉ Eximbank có nợ xấu tăng cao mà toàn thị trường như vậy hết. Người ta có tiền gửi, tài sản thế chấp Eximbank vay tiền làm ăn. Thời gian trước họ vẫn trả bình thường nhưng do sản xuất, kinh doanh khó hơn năm trước nên việc trả nợ vay có chậm. Tôi nghĩ đó là đặc điểm chung của thị trường chứ không riêng gì Eximbank.

Ông Dũng trao đổi với PV Thanh Niên Online tại nơi làm việc chiều 19.8 - Ảnh: NTH

Còn việc tôi không tiếp tục tái cử Chủ tịch Hội đồng quản trị là vì thấy nhiều anh em trẻ có năng lực hơn của Eximbank tiếp tục phát triển. Việc tôi nghỉ cũng bình thường. Cũng có lý do là lợi nhuận thấp khiến tôi từ nhiệm vì cổ đông thấy lợi nhuận thấp bức xúc. Việc tôi xin từ nhiệm không phải chỉ trong đại hội vừa rồi mà trong công tác nhân sự của Hội đồng quản trị và Ban nhân sự. Từ ngày 18.3, tôi đã nói là không tiếp tục tái cử nữa. Điều này khiến nhiều anh em bất ngờ. Chứ không phải tôi nói không tái cử vào đại hội cổ đông vừa rồi.

* Việc ông xin từ nhiệm có liên quan đến vai trò "ông Dũng là Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam". Nhiều việc quá, ông Dũng phải bỏ bớt một vai để làm tốt hơn ở vai còn lại?

Cũng có thể đó là một nguyên nhân nhưng không trực tiếp lắm. Tôi có đam mê bóng đá đã gần 20 năm rồi và thấy công việc cũng thú vị. Cái nào cũng có mặt hay của nó. Người ta cứ nói làm ngân hàng sung túc hơn bóng đá. Về tiếng tăm thì lúc làm tốt được khen, lúc không tốt bị phê bình. Nhưng tôi nghĩ mỗi người đều có đam mê. Còn việc tôi không ứng cử nữa là bởi tôi nhận thấy có anh em khác giỏi và tâm huyết thay thế.

 * Ở thời điểm hiện tại, đam mê của ông Dũng dành cho ngân hàng hay bóng đá nhiều hơn?

- Với tôi là 50/50 nhưng thời gian dành cho ngân hàng là 70%, còn thời gian dành cho bóng đá ít hơn. Giờ giải V- League được giao cho VPF (Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam - PV), còn liên đoàn chỉ tập trung cho bộ mặt quốc gia là các đội tuyển nên cũng nhẹ gánh rất nhiều.

Tái cơ cấu ngân hàng đang rất tốt

 * Quay trở lại câu chuyện của Eximbank, từ đây đến cuối năm 2015 hay năm 2016, ngân hàng sẽ có những phương án nào để hiệu quả kinh doanh tốt hơn?

- Đến kỳ đại hội cổ đông bất thường sắp tới sẽ có một ban lãnh đạo mới. Ban lãnh đạo mới sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch mà ngân hàng đã đề ra, phát triển cái mới, kế thừa cái cũ để ngân hàng hoạt động ổn định. Quan trọng là việc thực hiện kế hoạch đề ra nhanh hay chậm.

 * Là người hoạt động lâu năm trong ngành ngân hàng, ông có thể lý giải tại sao thời gian vừa qua có một số ngân hàng lớn như Eximbank hay Đông Á gặp khó khăn? Một số ngân hàng làm ăn thua lỗ và thương hiệu biến mất sau khi sáp nhập. Điều này có phải do sau một thời gian lĩnh vực này phát triển quá nóng và việc quản lý khá lỏng lẻo. Bây giờ nhà nước siết chặt lại để hoạt động ngân hàng đi vào quy củ hơn?

- Việc này đã nằm trong chương trình tái cấu trúc ngành ngân hàng đã được NHNN phê duyệt. Ngân hàng nào tự tái cơ cấu, ngân hàng nào nên sáp nhập. Chứ không phải chỉ vì nguyên nhân làm ăn yếu kém đâu. Đó là nguyên nhân trực tiếp nhưng nằm trong lộ trình NHNN muốn giảm đầu mối số lượng ngân hàng xuống. Hiện nay số lượng là 34 ngân hàng, đến năm 2018 xuống còn 20.

Hiện có bốn ngân hàng có quy mô vốn lớn như BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank; dưới nữa là một số ngân hàng cổ phần quy mô vốn vừa phải. Dưới nữa là một loạt ngân hàng nhỏ thành lập cách đây nhiều năm, sau đó nâng vốn lên. Một số ngân hàng có nhiều vấn đề. Chủ trương của Chính phủ là tái cấu trúc lại ngân hàng có vấn đề. Việc này để tăng quy mô và chất lượng quản trị của ngân hàng. Lộ trình tái cơ cấu ngành ngân hàng đang triển khai rất tốt trong năm qua. Làm một chủ trương lớn như vậy không thể nóng vội được. Tôi qua Nhật Bản thì được biết thị trường ngân hàng nước này có thời gian cũng giống như mình hiện tại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.