Trao đổi với NSND Đinh Bằng Phi (ngụ Q.3, TP.HCM), ông Thưởng cho biết các nghị quyết của Đảng và Nhà nước đều đặt ra yêu cầu phát huy nghệ thuật truyền thống bởi đây là loại hình nghệ thuật giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, góp phần hình thành nhân cách và văn hóa con người Việt Nam. Theo ông Thưởng, văn hóa, nhân cách con người Việt Nam là sức mạnh nội sinh quan trọng để dân tộc, đất nước phát triển. Dù vậy, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư cũng trăn trở về cuộc sống của nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật truyền thống vì nghệ sĩ vẫn chưa thể tự sống bằng nghề. Mặt khác, nghệ thuật truyền thống đang thiếu lớp nghệ sĩ kế thừa để tiếp tục phát huy, truyền cảm hứng cho người trẻ.
Cùng ngày, ông Võ Văn Thưởng đến thăm, chúc tết gia đình GS-TSKH Lê Ngọc Trà, nhà phê bình văn học, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) ở Q.7, TP.HCM. Chia sẻ về chủ trương của Đảng đối với công tác giáo dục, ông Thưởng cho biết Nghị quyết 29 của T.Ư về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã chuyển từ giáo dục kiến thức sang phát triển năng lực bản thân của người học, coi trọng giáo dục con người. Dù vậy, quá trình chuyển đổi còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, chương trình sách giáo khoa đã giảm tải kiến thức nhưng vẫn còn nhiều. Chia sẻ về đổi mới giáo dục, GS-TSKH Lê Ngọc Trà cho biết T.Ư đã nhìn thấy vấn đề cần thay đổi phương pháp giáo dục, trách nhiệm còn lại là Bộ GD-ĐT cùng các đơn vị cấp dưới cần phải nhận thức cụ thể và có hành động rõ ràng hơn. Theo GS Lê Ngọc Trà, giáo dục phổ thông là giáo dục con người, còn ĐH phải coi trọng kỹ năng làm việc để tránh tình trạng sinh viên tốt nghiệp nhưng không làm được việc.
Ông Võ Văn Thưởng mong các nghệ sĩ, nhà khoa học tiếp tục đóng góp thêm nhiều công trình nghiên cứu về văn học, nghệ thuật cho xã hội.
Bình luận (0)