Trường cao đẳng đang... kêu cứu

11/03/2015 10:10 GMT+7

Những năm gần đây, chỉ tiêu tuyển sinh của một số trường cao đẳng (CĐ) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giảm dần; thậm chí có trường số sinh viên hệ chính quy tuyển được còn ít hơn số cán bộ, giảng viên, công nhân viên hiện hữu.

Những năm gần đây, chỉ tiêu tuyển sinh của một số trường cao đẳng (CĐ) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giảm dần, thậm chí có trường số sinh viên hệ chính quy tuyển được còn ít hơn số cán bộ, giảng viên, công nhân viên hiện hữu.

Trường CĐSP Vĩnh Long vắng bóng sinh viên
Trường CĐSP Vĩnh Long vắng bóng sinh viên - Ảnh: Thanh Đức
Vĩnh Long hiện có hơn 1 triệu dân nhưng có đến 3 trường ĐH (ĐH Xây dựng miền Tây, ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, ĐH Cửu Long) và 3 trường CĐ (CĐ Kinh tế tài chính, CĐ Sư phạm (SP), CĐ Cộng đồng).
Không đủ chỉ tiêu
Thời kỳ “vàng son”, Trường CĐSP Vĩnh Long (P.2, TP.Vĩnh Long) liên kết với các trường ở Đồng Tháp, TP.HCM, Thừa Thiên - Huế… đào tạo hàng chục ngành nghề. Tuy nhiên, hiện nay lĩnh vực SP, trường chỉ còn mở 3 ngành gồm SP mầm non, SP tiểu học, SP tiếng Anh, trong đó chủ yếu là lớp SP mầm non. Để cứu vãn tình hình, trường đã đào tạo thêm một số ngành ngoài SP như: VN học, tiếng Anh, quản trị văn phòng, khoa học thư viện, quản lý văn hóa…

Khi thi tuyển công chức, Sở Nội vụ các tỉnh thành ĐBSCL rất ít nhận hồ sơ của sinh viên tốt nghiệp CĐ thì làm sao người học có đủ điều kiện làm việc 3 năm để liên thông lên ĐH

Thầy Đỗ Thành Thịnh


3 năm gần đây, nhu cầu về giáo viên phổ thông trong tỉnh Vĩnh Long không còn nhiều khiến số lượng sinh viên và quy mô ngành đào tạo của Trường CĐSP Vĩnh Long giảm dần. Năm 2012, ngành CĐSP có 130 chỉ tiêu; trong đó SP mầm non 50 chỉ tiêu, còn SP tiểu học và SP tiếng Anh mỗi ngành 40 chỉ tiêu. Năm 2013 có 135 chỉ tiêu, trong đó SP mầm non chiếm hết 100 chỉ tiêu. Năm 2014 chỉ còn 80 chỉ tiêu và tất cả đều là ngành SP mầm non… Điều đáng nói là Trường CĐSP Vĩnh Long tổng cộng biên chế có 89 người; số lượng sinh viên chính quy tuyển được trong năm qua còn thấp hơn cả cán bộ, giảng viên và công nhân viên của trường.
Thầy Nguyễn Văn Mười Ba, Phó hiệu trưởng Trường CĐSP Vĩnh Long, cho biết: “Theo luật Ngân sách, kinh phí Nhà nước cấp cho trường theo đầu sinh viên. Sinh viên giảm thì kinh phí giảm, lương giảng viên giảm, thậm chí nhiều giảng viên không có giờ lên lớp. Chúng tôi duy trì hệ ngoài SP để giảng viên có việc làm chứ không thể có kinh phí bù đắp. Thực tế, Bộ GD-ĐT cho trường 23 mã ngành nhưng cứ 3 năm không có sinh viên học thì mã ngành đó kể như bỏ. Trường dự kiến sẽ tinh giản biên chế 27 người, trong đó có giảng viên và nhân viên phục vụ”.
Lễ tốt nghiệp thành lễ... thất nghiệp
Cùng hoàn cảnh trên, nhiều năm qua, số lượng sinh viên theo học hệ chính quy của Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long (P.8, TP.Vĩnh Long) đang sụt giảm nhanh. Theo thầy Phan Văn Hồng, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, từ năm 2013 trở về trước, mỗi năm trường tuyển trên 300 chỉ tiêu. Đến năm 2014 trường còn 195, trong đó có 124 chỉ tiêu hệ chính quy. Chỉ tiêu 600 sinh viên Bộ giao, 300 sinh viên tỉnh giao trường rất khó đạt. Hiện trường đang đào tạo một số ngành gắn với sự phát triển vùng ĐBSCL như nuôi trồng thủy sản, cơ khí, điện... nhưng rất ít thí sinh đăng ký. Do không đủ số lượng mở lớp nên đành hủy bỏ.

Thầy Đỗ Thành Thịnh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long, cho biết từ năm 2014, các ngành CĐ tuyển sinh rất khó khăn. Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT về việc liên thông CĐ lên ĐH gây trở ngại cho người học CĐ. Sinh viên tốt nghiệp CĐ phải làm việc 3 năm mới được học liên thông lên ĐH. “Khi thi tuyển công chức, Sở Nội vụ các tỉnh thành ĐBSCL rất ít nhận hồ sơ của sinh viên tốt nghiệp CĐ thì làm sao người học có đủ điều kiện làm việc 3 năm để liên thông lên ĐH. Chính vì vậy, hằng năm vào ngày lễ tốt nghiệp, các sinh viên học CĐ thường gọi đùa là lễ... thất nghiệp”, thầy Thịnh nói.
 
Tiến sĩ Trương Thị Bé Hai, Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long, cho biết vừa qua, sở đã triển khai Nghị định 108 và có văn bản gởi 31 trường THPT, 8 trung tâm GDTX, Trường CĐSP Vĩnh Long, 8 phòng GD-ĐT các huyện, thị, thành trực thuộc. Các đơn vị trực thuộc sở sẽ làm đề án tinh giản biên chế gởi về sở, còn các phòng GD-ĐT thì gởi về phòng nội vụ cùng địa phương. Dĩ nhiên còn phải chờ thông tư liên bộ hướng dẫn và các đề án được duyệt thì mới thực hiện tinh giản biên chế được, còn việc sắp xếp các trường CĐ thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.