Trường 'con' và thói đạo đức giả của 'giang hồ sống ảo'

06/01/2020 11:25 GMT+7

Với những giang hồ mạng, anh nghiện luôn kêu gọi nói không với ma túy, anh cờ bạc thì cổ vũ cho chuyện 'sống đẹp'; anh cho vay nặng lãi thì nói về chữ 'tình' chữ 'nghĩa'… Người ta gọi đó là đạo đức giả.

Trong một livestream, giang hồ mạng Trịnh Xuân Trường (tức Trường "con" Nam Định, 48 tuổi) từng rao giảng rằng: “Anh chỉ muốn dặn các em đúng một câu như thế này: Chơi gì cũng được, không được chơi đá, chơi cỏ, chơi kẹo, chơi ke, không bao giờ nghiện. Nó sẽ làm hỏng hết cái đầu của mình, sẽ không còn minh mẫn. Anh có chơi đâu, anh cầm anh vứt đi luôn”.
Thế nhưng, rạng sáng 3.1.2020, tại xã Lạng Khê (H.Con Cuông, tỉnh Nghệ An), dù trên xe ô tô có tới 1 kg ma túy dạng Ketamin nhưng Trường “con” lại “quên” vứt đi.

Trường "con" Nam Định (còn gọi là Trường "con" ăn chực) rất nổi tiếng với chuyện rao giảng đạo lý trên mạng

Minh Khôi

Còn nhớ trước khi bị bắt, giang hồ sống ảo "lừng danh" Ngô Bá Khá (tức Khá BảnH, 27 tuổi) từng lớn tiếng kêu gọi giới trẻ xây dựng một sân chơi “sống đẹp”, “sống bản lĩnh”… Khá từng tung lên mạng không ít video dạy dỗ đàn em nói không với bài bạc, ma túy.
Giờ đây, có lẽ Khá đang dành thời gian giảng dạy đạo lý đó ở trong nhà tù vì phải thụ án 10 năm 6 tháng tù giam với 2 tội “đánh bạc” và “tổ chức đánh bạc”.

Đem "anh em giang hồ" ra "cúng" like

"Giang hồ sống ảo" Khá Bảnh trong giây phút lãnh án 10 năm 6 tháng tù

Còn Bùi Xuân Huấn (tức Huấn Hoa Hồng, 36 tuổi) từng livestream khuyên mọi người không nên dùng ma túy nhất là các bạn trẻ chưa kiếm ra tiền. Thế nhưng, Huấn cũng chỉ mới hoàn thành khóa cai nghiện bắt buộc sau khi bị cơ quan chức năng phát hiện dương tính với ma túy trong một tụ điểm ăn chơi.
Tất cả các giang hồ sống ảo khi lên mạng đều lớn tiếng nói về đạo nghĩa, về tình anh em. Thế nhưng trong phiên xét xử Khá BảnH người ta chỉ thấy họ livestream ngay trước cửa tòa, hớn hở khoe nhau: “Anh ơi em được 50 nghìn mắt xem (số người xem cùng lúc) rồi”, “Anh ơi, em được 5k like rồi”.
Còn phía trong, “nhân vật chính” Khá BảnH có lãnh án bao nhiêu năm thì cũng kệ. “Mắt xem” với “like” quan trọng hơn chứ (ơ kìa).

Rộn ràng livestream sống ảo trước phiên tòa xét xử Khá BảnH - Thực hiện: Kiến Trần

Những tưởng đạo nghĩa giang hồ là anh em bốn bể một nhà, sống chết có nhau. Nhưng mà đó là lúc có tiền, lúc ăn nhậu thôi, còn Trường “con” sau khi bị bắt thì trở thành “mồi nhậu” của các giang hồ sống ảo. Trong tất cả các livestream, đám huynh đệ đều gắn từ khóa “Trường con” vào, vì như thế mới có nhiều lượt xem.
Thế nhưng, tuyệt nhiên chẳng huynh đệ nào nhắc tới việc đến thăm gia đình, an ủi thân nhân lúc Trường “con” sa cơ cả.
Đời làm anh giang hồ mạng nó vốn bạc bẽo thế. Nếu mà giang hồ mạng là một nghề thì có lẽ là nghề có tuổi thọ ngắn nhất, bởi càng nổi thì càng dễ "vớt". Biết bao nhiêu tấm gương tày liếp của các giang hồ mạng đã sa cơ; đã biết bao nhiêu giang hồ mạng đang cần mẫn từng ngày bóc lịch.
Tuy vậy, điều đó không khiến cho các huynh đệ của họ ngừng đầu độc giới trẻ bằng những câu chửi thề tục tĩu, những hành vi lệch chuẩn, tạo ra những hình mẫu xấu xí để trẻ con nhìn thấy và học theo.

Huấn Hoa Hồng là ai, vì sao hay nói đạo lý mà lại phải đi cai nghiện?

Rao giảng đạo lý bằng một cái điện thoại, một hệ cơ miệng khỏe

Thật đáng sợ nếu nhìn vào số lượt view mà các giang hồ mạng tạo ra. Internet, mạng xã hội đôi khi gây ra sự bất công trớ trêu đối với đám giang hồ mạng. Đáng lẽ, với sức khỏe và trình độ của mình, sáng hôm nay họ đang cần mẫn say mê xách vữa ở công trường nắng gió... Việc ấy lương thiện biết bao, có ích cho xã hội và chẳng làm hại ai. Nhưng không, mạng xã hội đã cho họ cơ hội để làm nhà rao giảng đạo lý chỉ bằng một chiếc điện thoại, một hệ cơ miệng khỏe và một bộ não chứa đầy những thứ xấu xa.
Tôi từng chứng kiến có anh giang hồ mạng mồm miệng thì xoen xoét đạo lý nhưng tay vẫn đếm xấp tiền “bốc họ” (cho vay nặng lãi). Trẻ con sẽ học được gì khi xem những video đó? Hay chúng sẽ nghĩ rằng chỉ cần làm những chuyện như các giang hồ mạng vẫn làm là có nhiều tiền, có xe sang và thành idol của giới trẻ?
Đạo đức phổ quát ở một nơi nào đó, trong một lúc nào đó đã bị các giang hồ mạng này bóp méo. Họ tạo ra một hệ thống đạo đức mới mà chính họ là những người rao giảng: anh nghiện thì kêu gọi nói không với ma túy, anh cờ bạc thì cổ vũ cho chuyện “sống đẹp”, anh cho vay nặng lãi thì nói về chữ “tình” chữ “nghĩa”…
Người ta gọi đó là đạo đức giả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.