HƯỚNG NGHIỆP CÀNG SỚM CÀNG TỐT
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm phát triển kỹ năng và hướng nghiệp Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, nhận định: "Học sinh (HS) học chương trình mới 2018 như hiện nay có khá nhiều thay đổi như phải chọn các tổ hợp môn tự chọn từ lớp 10, trong đó có những môn học có thể dùng để xét tuyển ĐH như tin học, giáo dục kinh tế và pháp luật, công nghệ. Những môn này trước giờ các trường ĐH chưa đưa vào tổ hợp môn xét tuyển. Bên cạnh đó, học bạ của HS không còn cột điểm trung bình của từng học kỳ mà chỉ có điểm trung bình của từng môn...".
Với những thay đổi này, thạc sĩ Nguyên cho rằng các trường ĐH cần phải tư vấn, hướng nghiệp cho HS từ bậc THCS để các em định hướng sớm các lĩnh vực ngành nghề. Từ đó xác định các tổ hợp môn học dùng để xét tuyển phù hợp.
"Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM đã phối hợp với các đơn vị truyền thông và trường THPT thực hiện các chương trình hướng nghiệp sớm cho HS về ngành nghề, nhu cầu thị trường lao động, những thay đổi cần lưu ý khi dùng tổ hợp môn xét tuyển theo chương trình giáo dục mới", thạc sĩ Nguyên cho hay.
PGS-TS Nguyễn Văn Thụy, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cũng nhận định với chương trình giáo dục phổ thông hiện tại, hướng nghiệp cho HS nên thực hiện càng sớm càng tốt để giúp các em có định hình về công việc, ngành nghề trong tương lai. "Không chỉ hướng nghiệp cho HS đang học lớp 12 để lựa chọn ngành nghề theo học mà phải làm ngay từ khi các em kết thúc lớp 9 chuẩn bị bước vào giai đoạn THPT. Các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp trường ĐH nên phối hợp với đội ngũ giáo viên hướng nghiệp và giáo viên chuyên môn của các trường THCS, THPT để giúp HS hiểu rõ về ngành nghề và các môn học liên quan từ sớm thì công tác hướng nghiệp sẽ đạt hiệu quả tốt".
ĐIỀU CHỈNH PHƯƠNG ÁN TUYỂN SINH
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Văn Khả, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, thông tin với Chương GDPT 2018, Trường ĐH Công thương TP.HCM cũng có một số thay đổi phù hợp. "Trường sẽ điều chỉnh một số tổ hợp môn cho phù hợp với thực tế của chương trình, tỷ lệ các phương án sẽ thay đổi so với các năm trước. Đồng thời trường sẽ lên kế hoạch mời các trường THPT đưa HS đến tham quan, ưu tiên các em học khối lớp 10, 11", tiến sĩ Khả cho hay.
Theo tiến sĩ Khả, HS đến lớp 12 mới được hướng nghiệp thì quá trễ. Vì vậy, trường THPT nên chủ động liên hệ các trường ĐH trên địa bàn phù hợp với mình để đưa các em đến tham quan, trải nghiệm. "Nếu trường ĐH tham gia hướng nghiệp cho HS từ năm lớp 9 thì quá tốt. Trường ĐH Công thương TP.HCM cũng đã mời HS lớp 9 đến tham quan và trải nghiệm trong ngày hội mở của trường. Giáo viên, HS và phụ huynh đều rất hào hứng", ông Khả chia sẻ thêm.
Theo thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, 2025 là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới, các trường ĐH cần thông tin và ban hành đề án tuyển sinh sớm để các trường THPT căn cứ vào đó định hướng cho HS, giúp các em biết thông tin về phương thức xét tuyển, tổ hợp môn... để có sự chuẩn bị tốt nhất.
Tại Trường ĐH Tài chính - Marketing, thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, cho biết nhà trường mong muốn đồng hành cùng HS sớm hơn, triển khai nhiều hoạt động định hướng nghề nghiệp từ trực tiếp đến trực tuyến trên các nền tảng số của nhà trường trong đó có sự tham gia của cựu sinh viên và doanh nghiệp.
"HS cần định hình nghề nghiệp sớm hơn, có thể từ lớp 9 hoặc bắt đầu vào THPT vì đây là thời điểm then chốt để hướng nghiệp. Nếu được thì các trường nên tổ chức nhiều chương trình tham quan thực tế giúp HS hiểu rõ hơn về môi trường đào tạo, tiếp cận với ngành nghề... Các em HS cũng cần thay đổi suy nghĩ, không nên đợi đến năm lớp 12 mới nghĩ đến việc lựa chọn nghề nghiệp mà cần phải chú tâm ngay từ đầu THPT", thạc sĩ Phụng cho hay.
Thạc sĩ Lưu Thị Lan Phương, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến, cũng cho rằng trường ĐH nếu tiếp cận HS từ cuối năm lớp 9 để tư vấn, hướng nghiệp là tốt nhất. Đồng thời định kỳ tối thiểu 2 lần trong 2 năm tiếp theo để giúp các em tìm hiểu kỹ hơn về ngành học dự định sẽ chọn để hạn chế tối thiểu việc đổi ngành học khi trở thành sinh viên.
Bình luận (0)