Trường ĐH của tỉ phú Phạm Nhật Vượng thôi thúc sinh viên 'thay đổi thế giới'

Quý Hiên
Quý Hiên
10/10/2022 22:05 GMT+7

Phần lớn thời gian lễ khai giảng năm học 2022 - 2023 của Trường ĐH VinUni là chia sẻ trải nghiệm “hành trình thay đổi thế giới ” của các đại diện sinh viên ở 3 mảng lĩnh vực: khởi nghiệp, hoạt động xã hội, nghiên cứu khoa học.

Hôm nay 10.10, Trường ĐH VinUni tổ chức lễ khai giảng năm học 2022 - 2023. Đây là năm thứ 3 chính thức hoạt động đào tạo của trường ĐH non trẻ nhưng có cơ ngơi bề thế bậc nhất trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam, do tập đoàn của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đầu tư.

Phần lớn nội dung hoạt động của ngày lễ khai giảng là chia sẻ trải nghiệm “hành trình thay đổi thế giới” của các đại diện sinh viên, ở 3 mảng lĩnh vực: khởi nghiệp, hoạt động xã hội, nghiên cứu khoa học. Đây là một hoạt động có tính chất như một buổi “báo cáo” của sinh viên với đại diện nhà trường và đại diện các doanh nghiệp đã tài trợ, hỗ trợ các dự án của sinh viên trong năm học vừa qua và cả năm học trước đó.

“Tôi không phải là sinh viên giỏi nhất, nhưng…”

Đại diện cho toàn thể sinh viên Trường ĐH VinUni, Trần Diễm Quỳnh, sinh viên năm 3, ngành Quản trị kinh doanh, Viện Kinh doanh quản trị, chia sẻ “nỗi niềm” của mình từ khi bắt đầu gia nhập Trường ĐH VinUni cách đây 2 năm. Theo Quỳnh, đó là mặc cảm tự ti trước những bạn học đã tài giỏi lại còn sớm biết mình muốn gì.

Trần Diễm Quỳnh, sinh viên Viện Kinh doanh quản trị, Trường ĐH VinUni

Quý Hiên

Nhưng sau 2 năm trải nghiệm ở VinUni, Quỳnh nhận thấy hóa ra những sinh viên như mình là số đông, cho nên em đã không để cảm xúc đó hành hạ bản thân, để vẫn kiên cường tìm kiếm đam mê của chính mình.

Trong 2 năm học tập, Quỳnh không ngừng cố gắng và tận dụng mọi cơ hội mà VinUni và ngoài VinUni mang lại. Trải qua một số thử nghiệm (mà Quỳnh gọi là “những chuyến đi hoang dã”), có cả thất bại lẫn thành công, gần đây Quỳnh biết chắc rằng mình thực sự đam mê Blockchain.

“Vậy, bạn học được những gì từ câu chuyện của tôi? Tôi không phải là sinh viên giỏi nhất tại VinUni, nhưng tôi biết mình luôn có thể thay đổi bản thân để tốt hơn. Vì vậy, ngay cả khi bạn có khởi đầu muộn hơn những người khác, như tôi, chỉ cần bạn không ngừng cố gắng và tin tưởng vào bản thân thì mọi chuyện sẽ ổn”, Quỳnh chia sẻ.

Kết thúc phát biểu, Quỳnh gửi tâm sự của mình tới tất cả sinh viên VinUni: “Bạn và tôi đang ở thời điểm quan trọng nhất của cuộc đời chúng ta để học hỏi, thất bại và theo đuổi ước mơ của chúng ta. Vì vậy, đừng ngại nắm bắt cơ hội này, tham gia vào hành trình với rất nhiều sự chuyển đổi này, cho cả bản thân và thế giới”.

Quan trọng là bạn có ước mơ

Trong phần chia sẻ trải nghiệm “hành trình thay đổi thế giới” của các sinh viên, 8 nhóm sinh viên đã kể về những thất bại và thành công của mình khi tham gia vào các hoạt động tại trường ĐH, ở 3 mảng lĩnh vực: khởi nghiệp, hoạt động xã hội, nghiên cứu khoa học.

Sinh viên Trường ĐH VinUni "báo cáo" trước đại diện nhà trường và các doanh nghiệp về hành trình thay đổi thế giới mà mình trải nghiệm trong năm học vừa qua

Quý Hiên

Trần Tuấn Minh, sinh viên Viện Kinh doanh quản trị, nói về trải nghiệm “vừa học vừa là CEO”. Minh cùng các bạn đã sáng lập UpYouth để kết nối, cố vấn, đào tạo, nghiên cứu thị trường, hỗ trợ người Việt từ 18 - 25 tuổi thành lập startup trên nền tảng công nghệ. Minh vừa học vừa quản lý công ty.

Chỉ sau hơn 1 năm, UpYouth đã trở thành cộng đồng thu hút 2.000 bạn trẻ đến từ 8 quốc gia, và những dự án khởi nghiệp được UpYouth hỗ trợ đã được rót vốn hơn 2,5 triệu USD. Nhờ thế mà Minh đã có thể tự tin đúc kết: “Khởi nghiệp là cho tất cả mọi người, ở mọi lĩnh vực. Khởi nghiệp là dám thay đổi, thất bại sớm để thành công lâu dài”.

Dương Thế Long, sinh viên Viện Kinh doanh quản trị, Trường ĐH VinUni

Quý Hiên

Dương Thế Long, cũng là sinh viên của Viện Kinh doanh quản trị, thì đi thực tập tại một tập đoàn tỉ đô la để qua đó học hỏi mô hình quản lý của họ. Trước khi vào học tại VinUni, Long là sinh viên của một trường ĐH khác và đã khởi nghiệp ở đó với một công ty có vài chục nhân sự, doanh thu cao điểm đạt 200 - 300 triệu đồng/tháng.

Theo sự sắp xếp của VinUni, Long nộp đơn thực tập trong vị trí Technology Consultant (tư vấn công nghệ) tại Công ty tư vấn EY, tập đoàn suốt 24 năm liền được Fortune bình chọn là một trong 100 công ty có môi trường làm việc tốt nhất thế giới.

“Vào EY, em có 1 định nghĩa mới về năng suất lao động, vì dường như ai cũng làm việc gấp 3 so với công ty cũ của em. Mặc dù công ty không quy định bắt buộc giờ làm, tuy nhiên dường như ai cũng có lịch làm việc và họp hành dày đặc. Nhiều chuyên viên chỉ rời văn phòng lúc 9 giờ tối để hoàn thành công việc tốt nhất”, Long cho biết.

Phan Nhật Huy, sinh viên Viện Khoa học và kỹ thuật máy tính, Trường ĐH VinUni

Quý Hiên

8 nhóm sinh viên là 8 câu chuyện hấp dẫn, ngoài ra còn có điểm chung là tất cả các bạn đều khởi sự từ những ước mơ không tầm thường. Chẳng hạn, Phan Nhật Huy, sinh viên năm 3 Viện Khoa học và kỹ thuật máy tính, tham gia dự án VAIPE (hệ thống phát hiện thuốc uống sai đơn) bởi sự thôi thúc của khát vọng “hướng tới khoa học đỉnh cao, phụng sự nhân loại”.

Huy tâm sự: “Trước đây, khi tham gia dự án, tôi tự hỏi: nó đã đủ lớn để thay đổi thế giới hay chưa? Giờ nhìn lại tôi thấy điều đó không quan trọng, vấn đề là tôi có ước mơ tạo ra những điều làm thay đổi thế giới. Khi bạn được đặt lên vai nhiệm vụ thay đổi thế giới, bạn sẽ thấy choáng ngợp. Nhưng nếu bạn cứ đi, bạn cứ tìm tòi, cứ chăm chỉ làm việc và nuôi dưỡng ước mơ… thì mọi việc sẽ ổn thôi”.

GS Rohit Verma, Hiệu trưởng Trường ĐH VinUni, chia sẻ một số điểm chính giúp sinh viên của trường tự tin đi trên hành trình ước mơ thay đổi thế giới.

Trong đó, trước hết phải kể đến chương trình đào tạo do lãnh đạo các ĐH Cornell, ĐH Pennsylvania (những ĐH hàng đầu của Mỹ - PV) xây dựng giúp Trường ĐH VinUni.

Đó là những chương trình học kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn, cho phép trường đào tạo được những sinh viên tài năng, có đam mê, có định hướng tương lai rõ ràng khi đang ngồi trên ghế giảng đường ĐH. Những chương trình đó tạo nên một môi trường ĐH gieo mầm trong sinh viên ước mơ và tham vọng. Đó là hành trình ước mơ, thử nghiệm, và thất bại, và dũng cảm sẵn sàng chia sẻ những thất bại đó”.

Vai trò của những giáo viên “trường đời” cũng rất quan trọng. Họ là đại diện từ các doanh nghiệp, là những cố vấn, nhà tham mưu cho các bạn sinh viên. Nhiều người còn được mời đến thỉnh giảng tại giảng đường, để giúp sinh viên biết được thế giới bên ngoài trường ĐH là như thế nào, bên cạnh những lý thuyết mà sinh viên được dạy trong nhà trường.

“Điểm cuối cùng là cơ sở vật chất hiện đại, đầy đủ, cho phép chúng tôi thực hiện phép màu, biến giấc mơ thành hiện thực” GS Rohit nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.