Trường học hay trường đua?

19/08/2015 08:12 GMT+7

Ở New Zealand, các cuộc thi của học sinh phổ thông không có mục đích gì hơn ngoài mang lại sự vui vẻ, để các trò hiểu nhau hơn và xây dựng tình bạn tốt đẹp hơn. Nó hoàn toàn không nhằm mục đích ganh đua giành chiến thắng bằng mọi giá như ở Việt Nam.

Ở New Zealand, các cuộc thi của học sinh phổ thông không có mục đích nào khác ngoài mang lại sự vui vẻ, để các trò hiểu nhau hơn và xây dựng tình bạn tốt đẹp hơn. Nó hoàn toàn không nhằm mục đích ganh đua giành chiến thắng bằng mọi giá như ở Việt Nam. 

Cổ vũ cho đội nhà và cả đội bạn để cuộc thi đấu vui trọn vẹn - Ảnh: Đào Ngọc ThạchĐừng biến các giải đấu trong nhà trường thành những cuộc ganh đua - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Hồi tôi còn học ở Việt Nam có rất nhiều các cuộc thi học sinh giỏi. Tuy năm nào cũng được giấy khen học sinh giỏi, như hầu hết các bạn cùng lớp, nhưng tôi nghĩ lực học của tôi chỉ ở mức trung bình khá nên chưa bao giờ được tham gia vào bất kỳ cuộc thi học sinh giỏi nào. Nhưng do có chút năng khiếu thể thao nên tôi có cơ hội tham gia một số cuộc thi như cờ tướng, bóng bàn và cầu lông. Mỗi khi thắng giải trong một cuộc thi nào đó tôi cũng rất tự hào vì mình là người chiến thắng nhưng tôi cũng không biết rằng chính tôi lại rơi vào thế giới của sự ghen ghét và hiềm tị. 
Các trường ở Việt Nam đầu tư khá công phu cho việc đào tạo những học sinh giỏi, có năng khiếu để đi thi lấy thành tích. Việc có nhiều học sinh đoạt giải thưởng trong các kỳ thi không chỉ là niềm tự hào của trường mà còn được xem là những thành tích mà nhà trường đã đạt được. Hồi lớp 3 tôi từng đoạt giải vô địch bóng bàn và cầu lông cấp quận. Sau chiến thắng, tôi bỗng trở thành “người hùng” trong mắt thầy cô và bạn bè ở trường. Vì những thành tích này mà tôi nhận được rất nhiều phần thưởng từ ban tổ chức cuộc thi, của lớp, của trường, thậm chí từ cả cơ quan ba mẹ tôi nữa.
“Hào quang” của những tấm huy chương, phần thưởng, giấy khen… khiến tôi nghĩ rằng trong các cuộc thi đấu chiến thắng là điều quan trọng nhất. Khi tham gia các cuộc thi đấu, sau mỗi trận đấu chúng tôi đều phải ngồi với đội của mình và cổ vũ cho đội nhà. Chúng tôi rất ít khi cổ vũ cho đội khác trừ khi đó là người quen của đội. Các đội khác đều là đối thủ, đã là đối thủ thì hầu như không kết bạn với nhau. Tôi vốn là một người cởi mở thích làm quen kết bạn mới nên tôi thấy những cuộc thi trở nên nặng nề, chỉ thấy việc cần làm là chiến đấu và chiến thắng. 
Khi tôi sang học bên New Zealand, câu chuyện khác hẳn.
Ở đây, mỗi dịp đi thi đấu cũng là cơ hội để học sinh các trường kết bạn với nhau. Mặc dù chiến thắng cũng rất quan trọng nhưng được làm quen và kết bạn với các học sinh từ các trường khác đối với chúng tôi lại quan trọng hơn tất cả. Khi mới vào trường, tôi có tham gia câu lạc bộ bóng bàn và dự một giải đấu. Như thói quen từng có ở Việt Nam, tôi khao khát trở thành người chiến thắng nên đã tỏ thái độ hiếu chiến đến mức đã cãi nhau với trọng tài vì tôi nghĩ trọng tài bắt lỗi sai. Cô giáo đã đề nghị dừng trận đấu và buộc tôi rời khỏi giải. Sau đó cô đã giải thích với tôi rằng cuộc thi đấu này không có mục đích gì hơn ngoài mang lại sự vui vẻ, để các trò hiểu nhau hơn và xây dựng tình bạn tốt đẹp hơn. Nó hoàn toàn không nhằm mục đích để các trò ganh đua giành chiến thắng bằng mọi giá.
Quả thật, những lời cô nói đã mở mắt cho tôi rất nhiều và tôi nghĩ mình cần thay đổi, tôi đã nhận ra rằng sự hiếu thắng không giúp tôi xây dựng được những mối quan hệ tốt với những người xung quanh mình. 
Ở New Zealand tôi cũng từng đoạt một số giải thưởng như giải khuyến khích tennis, giải vô địch bóng bàn, giải vô địch đồng đội cờ vua của thành phố. Tôi thấy có một sự khác biệt vô cùng lớn so với ở Việt Nam là nhà trường không coi đó là một sự kiện gì to tát và đáng biểu dương ồn ào, cũng không có khen thưởng bằng vật chất như tiền hay quà tặng. Vào giờ tập trung cuối tuần, thầy hiệu trưởng phát biểu chúc mừng những người giành giải và chúng tôi được một tràng vỗ tay khen tặng. 
Nói về các cuộc thi, ở New Zealand, nếu một công ty hay tổ chức phi chính phủ nào đó tổ chức một cuộc thi nhằm tìm kiếm tài năng trong lĩnh vực nào đó thì bất kỳ học sinh nào cũng có thể tự đăng ký, tự nộp lệ phí và đi thi. Nhà trường sẽ không cử bạn đi thi mà tất cả tùy thuộc vào bạn, bạn sẽ phải tự tìm cách rèn luyện hoặc tự tìm người hướng dẫn vì nhà trường sẽ không cung cấp cho bạn huấn luyện đặc biệt nào. Có thể do mục tiêu giáo dục phổ thông của New Zealand là để trang bị đủ những kiến thức, những kỹ năng sống bình thường cho học sinh chứ không nhằm mục đích đào tạo ra những tài năng kiệt xuất nên họ không quá chú trọng vào những cuộc thi như vậy.
Ở Việt Nam dường như các cuộc thi, từ thi học sinh giỏi đến thi năng khiếu, cách xếp thứ hạng trong trường trong lớp từ khi còn rất nhỏ có thể khiến nhiều người trở nên hiếu thắng. Tất nhiên ở độ tuổi còn nhỏ sự hiếu thắng sẽ không có tác động nhiều đến xã hội nhưng khi họ thành người lớn, thử tưởng tượng xem khi những người hiếu thắng tranh luận với nhau và ai cũng cho rằng quan điểm của mình là đúng… Tôi xin phép không bình luận thêm, các bạn nghĩ sao về vấn đề này?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.