Nhân đọc thông tin trường THCS Lương Thế Vinh (Hà Nội) tuyển sinh vào lớp 6 với chỉ tiêu 600 thí sinh nhưng có tới hơn 1.000 thí sinh đạt mức điểm tuyệt đối 100/100, tôi xin phép được kể câu chuyện về cách đánh giá học sinh ở New Zealand.
Học sinh ở New Zealand không bị áp lực về thi cử, kiểm tra mà được nhà trường hướng cho cách phấn đấu để phát huy khả năng của mình - Ảnh: Hà Ánh
|
Ở New Zealand, ngành giáo dục đặt ra Chuẩn quốc gia cho các trường tiểu học, từ lớp 1 đến lớp 8, với những mục tiêu rất rõ ràng mà học sinh cần đạt được trong các kỹ năng đọc, viết và môn toán. Ở đây học sinh sẽ không phải làm bất cứ bài kiểm tra nào cho đến khi học đến lớp 4. Bắt đầu từ lớp 4, mỗi năm học sinh sẽ có 2 kỳ kiểm tra. Kỳ kiểm tra đầu tiên vào đầu năm, bài kiểm tra này để giúp thầy cô biết được điểm mạnh, điểm yếu của từng học sinh, biết cần phải dạy những gì để đảm bảo học sinh phát triển những kỹ năng mà các em đang yếu.
Sau khi có kết quả kiểm tra, giáo viên sẽ yêu cầu mỗi trò tự đặt ra cho mình mục tiêu của năm học và tự lên kế hoạch để đạt được mục tiêu đó. Kỳ kiểm tra còn lại sẽ được làm vào cuối năm. Bài kiểm tra cuối năm sẽ cho phụ huynh và thầy cô thấy mỗi học sinh đã tiến bộ như thế nào. Những bài kiểm tra hoàn toàn không nhằm mục đích tạo ra sự cạnh tranh giữa đám học sinh, càng không để đánh giá xem trong lớp ai thông minh hay ai kém cỏi nhất. Thực tế thì chẳng ai biết được kết quả học tập của ai trong lớp. Thế nên, mỗi trò cần nỗ lực để vượt lên chính bản thân mình chứ không phải để cạnh tranh với các trò khác. Ở trường, mỗi trò có một hồ sơ học sinh riêng đựng những bài kiểm tra, qua đó trò có thể biết mình đã tiến bộ như thế nào.
Khác với New Zealand, học sinh ở Việt Nam phải làm quá nhiều bài kiểm tra và bài thi bất kể tuổi tác. Hầu như ngày nào, tuần nào, tháng nào cũng có bài kiểm tra. Ngoài ra, còn bài thi hết kỳ, hết năm, chưa kể đến vô số các bài kiểm tra 15 phút, 30 phút hay 1 giờ nữa. Những cuộc thi, kiểm tra liên miên này không những làm cho đám học trò khốn khổ mà còn cuốn chúng vào một cuộc đua vớ vẩn. Trong cuộc đua này chúng tôi nhất định phải về nhất. Đó là điều mà tôi đã được học ở trường học Việt Nam.
Một câu hỏi được đặt ra: Hằng ngày học sinh tới trường để học, nhưng họ học để làm gì? Học để thi ư? Vậy thi để làm gì? Những bài thi kiểu này có giúp học sinh biết họ cần cố gắng ở đâu không? Hay chúng chỉ dùng để xếp hạng và để đám học sinh ganh đua với nhau thôi?
Thật mừng vì cuối cùng Bộ Giáo dục Đào tạo hình như cũng đã nhận ra rằng thi cử như vậy không phải là cách lý tưởng giúp học sinh phát triển năng lực nên đã quyết định thay vì chấm điểm, giáo viên sẽ đánh giá học sinh bằng nhận xét của giáo viên đối với học sinh tiểu học. Cách đánh giá này sẽ giảm được gánh nặng thành tích của học sinh và giảm sức ép thi đua của các trường, các lớp với nhau bởi mục đích của giáo dục cuối cùng là để giúp mỗi cá nhân phát triển năng lực của riêng mình chứ không phải để buộc tất cả học sinh giỏi tất cả mọi thứ, Albert Einstein chẳng đã từng nói: “Ai cũng là thiên tài nhưng nếu bạn đánh giá con cá bằng khả năng trèo cây của nó, nó sẽ sống cả cuộc đời với niềm tin rằng mình thật là ngu dốt”.
Bình luận (0)