'Sau 20 năm nữa, những nghề mới nào sẽ ra đời, nghề nào sẽ mất đi?', câu hỏi đơn giản trong bài học về tiếng Anh liên quan đến nghề nghiệp khiến chúng ta giật mình nghĩ đến những vấn đề giáo dục trong tương lai.
Đó là một nền giáo dục không chỉ dạy cho người học kiến thức để sau này làm việc mà còn cung cấp cho họ một nghệ thuật sống trong thế giới đổi thay liên tục.
Có bao giờ chúng ta nhẩm tính trong 20 năm qua những nghề nào đã biến mất và những nghề mới nào ra đời? Chắc chắn con số này không ít. Trong thời đại công nghệ đang cực thịnh thì máy tính, robot sẵn sàng thay thế cho nhiều công việc mà trước đây chỉ có con người làm được.
Một bài báo trên The New York Time vào tháng 5.2015 cũng đặt ra vấn đề này. Bài báo viết rằng những gì mà người trẻ ngày nay được học thì chẳng bao lâu có thể bị các thiết bị hiện đại thay thế. Cứ hình dung giờ đây máy tính có thể chỉ “học” trong một vài giây những kiến thức, thông tin mà con người phải nạp trong cả những năm phổ thông rồi ĐH. Những gì sẽ đảm bảo cho họ có một công việc tốt đẹp, ổn định trong 20, 30 hoặc thậm chí 50 năm nữa?
Các trường ĐH đang nỗ lực để trả lời câu hỏi này
Trước sự thay đổi quá lớn lao và ngày càng nhanh của công nghệ; sự dịch chuyển của con người ngày càng mở rộng không chỉ ở một thành phố, đất nước mà còn khu vực, thế giới… thì tư duy và quan niệm giáo dục cũng dần thay đổi. Trong đó, đặc biệt giáo dục ở bậc ĐH.
Không còn chăm chăm nhắm vào việc đào tạo sinh viên ra trường để làm việc đúng chuyên môn đã học, điều quan trọng nhất là các trường phải xây dựng cho người học tinh thần học tập suốt đời và tư duy phản biện. Trường ĐH phải chuẩn bị cho sinh viên nhìn thấy các vấn đề phải đối diện với cuộc sống sau khi ra trường, cung cấp cho người học không chỉ kiến thức mà cả những lợi ích cho cả đoạn đường dài sau này, thậm chí trong vài thập niên.
Thời đại thế giới phẳng, còn nhiều điều bạn có thể học được bên ngoài giảng đường - Ảnh minh họa: Reuters |
Giáo dục bậc phổ thông cũng có những chuyển động mới. Bắt đầu năm 2016, Phần Lan sẽ chính thức áp dụng khung chương trình quốc gia mới về giáo dục. Một trong những thay đổi quan trọng là Phần Lan sẽ tiến hành cách đánh giá mới. Ở đó, người dạy không còn xem trọng kết quả cuối cùng, điểm số học sinh đạt được mà tập trung vào việc giám sát, theo dõi cả quá trình học tập của học sinh. Điều mà giáo viên cần là học sinh biết và học cái gì, cần hỗ trợ cái gì để nhà trường tiến hành những bước hỗ trợ cần thiết. Chính vì vậy, việc đánh giá học sinh ngày nay không còn tập trung chỉ một phía giáo viên mà còn từ người học, phụ huynh… Cách đánh giá mới này sẽ giúp phát hiện và hướng dẫn học sinh theo năng lực của từng người với quan điểm sẽ không để bất cứ học sinh nào ở lại phía sau.
Quan điểm giáo dục mới không còn đặt nặng vào kiến thức hàn lâm của các môn học học cụ thể mà ngày nay người học có thể dễ dàng tra cứu qua internet. Một chương trình giáo dục hiện đại, theo các nhà giáo dục Phần Lan, cần bao gồm 7 năng lực, trong đó có năng lực tư duy và học tập, giao tiếp và diễn đạt, ứng phó với những hoạt động hằng ngày và biết chăm sóc bản thân cũng như người khác, kỹ năng sử dụng đa phương tiện, năng lực hợp tác và làm việc suốt đời, tham dự và xây dựng tương lai bền vững…
Theo kết quả khảo sát do Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) thực hiện và công bố vào đầu năm 2015, đến 90% người trả lời cho biết giao tiếp là kỹ năng quan trọng nhất để giúp học sinh sau này tiến thân trong cuộc sống. Kế đến là đọc hiểu (86%), toán (79%), làm việc theo nhóm (77%), viết (75%)...
Trên thế giới, quan điểm về giáo dục đã có nhiều thay đổi. Trường học không thể dạy cho học sinh tất cả những kiến thức bao la, rộng lớn. Cái cần làm là giúp người học có được những kỹ năng để thích ứng trong một thế giới luôn thay đổi.
Bình luận (0)