Trường THCS Cao Xanh có quy mô 3 tầng với 15 phòng học, khu nhà hiệu bộ, nhà gửi xe, phòng bảo vệ… Tuy nhiên, từ tháng 4.2014 đến nay, ngôi trường này đã phải đóng cửa sau nhiều năm xuống cấp nghiêm trọng. Hiện trường không có người trông coi, cổng khóa, biển báo được tháo xuống, nhiều cửa sổ bị vỡ kính, cỏ dại mọc lút đầu người, nền móng chằng chịt vết rạn nứt, thậm chí dọc tường có khe nứt “xé” khu nhà 3 tầng làm đôi.
Cô giáo Đặng Thị Phương Loan, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết từ năm 2010 về công tác tại trường, đã thấy khắp tường bị rạn nứt và tình trạng này xảy ra mạnh nhất từ tháng 4.2013. “Không chỉ bị nứt tường mà bờ kè còn bị sạt lở vào tới tận đường chạy, hố nhảy của học sinh sử dụng trong giờ thể dục. Các sự cố này có khắc phục tạm thời nhưng nhà trường vẫn không yên tâm cho các cháu học”, cô Loan cho biết.
tin liên quan
Học trong sợ hãiTrẻ 5 tuổi nằm học ở sân trường, học sinh tiểu học ngồi học trong ngôi trường có nguy cơ sụp đổ.
Ngôi trường xuống cấp quá nặng ảnh hưởng tới sự an toàn của học sinh nên phụ huynh cùng Ban giám hiệu nhà trường đã kiến nghị tới các cơ quan chức năng di dời đi chỗ khác. Tháng 4.2014, toàn bộ học sinh chuyển về cơ sở mới ở khu 6, P.Cao Xanh cách đó khoảng 2 km. Theo cô Loan, Ban giám hiệu nhà trường đã bàn giao lại toàn bộ cơ sở vật chất cho UBND P.Cao Xanh quản lý tạm thời. Một người bảo vệ được thuê để trông coi trường cũng đã phải xin nghỉ sau 2 tháng làm việc vì lo lắng dãy nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Một số người dân sống gần ngôi trường này cho biết, trước đây khu vực này có hoạt động khai thác than “thổ phỉ” trái phép, các hầm lò đào than bên dưới quả đồi khiến địa chất yếu, đây có thể là nguyên nhân khiến Trường THCS Cao Xanh bị xuống cấp nghiêm trọng như vậy. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Triệu Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND P.Cao Xanh cho biết, hiện ngôi trường này do UBND TP.Hạ Long quản lý, đang có chủ trương sửa chữa lại để chuyển giao cho một đơn vị trực thuộc làm nơi hoạt động.
tin liên quan
Học sinh không dám đi... vệ sinh - Kỳ 3: Chỉ xem là công trình phụNhững lo lắng, bất cập về nhà vệ sinh học đường tưởng như là chuyện quá cũ nhưng vẫn sẽ là nỗi lo thường trực nếu vẫn giữ tư duy xếp vào diện “công trình phụ” như hiện nay.
Bình luận (0)