Hôm nay, 12.7 tại TP.HCM, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo sơ kết 2 năm thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" giai đoạn 2021-2025.
Hội thảo có sự hiện diện của bà Hoàng Thị Dinh, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT, các cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đại diện 63 tỉnh, thành phố.
Hơn 26.000 cơ sở mầm non thực hiện mô hình
Bộ GD-ĐT cho biết, tính đến hết tháng 5.2023, cả nước có 26.472/30.180, chiếm 87,7% cơ sở giáo dục mầm non đã thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm". Con số này đã tăng 27,7% so với khi tổng kết chuyên đề giai đoạn 2016-2020; Có 81,4% số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập thực hiện chuyên đề.
Cũng theo báo cáo, một số địa phương còn rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất nhưng đã triển khai 100% số cơ sở giáo dục mầm non trong tỉnh thực hiện chuyên đề như Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Cà Mau, An Giang...
Bộ GD-ĐT đã chọn ra 8 tỉnh, thành phố đại diện 7 vùng trong cả nước, xây dựng mô hình điểm "Trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" tại Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Nội, Nghệ An, Đắk Lắk, Khánh Hòa, TP.HCM, Đồng Tháp.
Trong 2 năm qua, nhiều tỉnh thành có những mô hình đổi mới, sáng tạo để giáo dục cho trẻ em như "Trường mầm non xanh", "Trường học điện tử", "Trường học hạnh phúc", "Vườn rau VietGap", "Không gian sáng tạo", "Bữa ăn thân thiện", "Lớp học yêu thương - Ươm mầm hạnh phúc"…
Một số địa phương có các chuyên đề bồi dưỡng mang tính đột phá như phát triển chiến lược nhà trường; ứng dụng STEM-Robotics trong tổ chức các hoạt động giáo dục... Có địa phương đã tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm cho các tỉnh, thành phố trong vùng. Như tỉnh Bạc Liêu đã kết nối 12 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tham dự hội thảo "Xây dựng và khai thác sử dụng có hiệu quả môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong cơ sở giáo dục mầm non"...
Bộ GD-ĐT đánh giá trong 2 năm học qua, kết quả nổi bật nhất của chuyên đề là trẻ em thực sự được trở thành trung tâm trong mọi hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non. Các cơ sở đã thay đổi nhiều mặt tích cực một cách rõ rệt, tăng cường sự phối hợp giữa cơ sở giáo dục với gia đình và cộng đồng.
Những trường mầm non tiêu biểu tại TP.HCM
Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết TP.HCM là 1 trong 8 tỉnh thành của cả nước (đại diện 7 vùng) thực hiện mô hình điểm của chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm". Hôm 11.7, ngành giáo dục TP.HCM đã đón đoàn cán bộ của Bộ GD-ĐT và đại biểu đại diện 63 tỉnh, thành phố tới 4 trường mầm non tiêu biểu của thành phố thực hiện chuyên đề này.
Đó là Trường mầm non Bé Ngoan, Q.1; Trường mầm non Vàng Anh, Q.5; Trường mầm non Tuổi Thơ 7, Q.3 và Trường mầm non Thành Phố (đường Trần Quốc Thảo, Q.3).
Tại mỗi trường, các cán bộ quản lý, thầy cô giáo mầm non từ các tỉnh thành cùng tham quan cơ sở vật chất đảm bảo xây dựng môi trường nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ, nghe chia sẻ về công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ; dự giờ các hoạt động…
Như tại Trường mầm non Bé Ngoan, Q.1, nhà trường đã xây dựng 2 hoạt động giáo dục chủ đề Thành phố của em, cho trẻ 4-5 tuổi và 5-6 tuổi; Lập trình Robot Coding Bot - Hướng dẫn viên nhí. Với các hình thức đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu, hứng thú, kích thích sự sáng tạo và ham hiểu biết cho trẻ.
Tại trường học này, các thành viên trong đoàn cũng được quan sát môi trường cơ sở vật chất các phòng chức năng, các khu vui chơi ngoài trời và 15 lớp học với quan điểm lấy trẻ làm trung tâm. Từng góc chơi, nội dung bài tập, trò chơi, cách bố trí, sắp xếp đều dựa trên nhu cầu, hứng thú, khả năng và thế mạnh của từng trẻ, nhằm giúp trẻ tự tin có nhiều kỹ năng.
Hay tại Trường mầm non Vàng Anh, Q.5, Trường mầm non Tuổi Thơ 7, Q.3, Trường mầm non Thành Phố, các thầy cô giáo được quan sát việc ứng dụng công nghệ số trong tổ chức trường, lớp và thiết kế hoạt động cho trẻ với thiết bị robot…
Bình luận (0)