Xét xử Trương Mỹ Lan và đồng phạm giai đoạn 2

Trương Mỹ Lan 'xin nhận trách nhiệm việc vận chuyển trái phép 106.730 tỉ đồng'

26/09/2024 11:33 GMT+7

Trương Mỹ Lan khai nguồn tiền chuyển đi nước ngoài là tiền của bị cáo, không liên quan đến tiền của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Còn tiền ở nước ngoài chuyển về là tiền bị cáo vay.

Cuối giờ sáng 26.9, chủ tọa đã thẩm vấn bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 8 bị cáo trong nhóm tội danh vận chuyển trái phép qua biên giới hơn 4,5 tỉ USD (tương đương 106.730 tỉ đồng).

Trước khi thẩm vấn Trương Mỹ Lan, HĐXX đã thẩm vấn 8 bị cáo đồng phạm. 8 bị cáo này đều thừa nhận hành vi theo cáo trạng, đồng thời xác định lập hợp đồng khống và vận chuyển tiền qua biên giới theo chỉ đạo của bị cáo Lan.

Trương Mỹ Lan chuyển hơn 106.000 tỉ ra nước ngoài bằng cách nào?

Được HĐXX thẩm vấn cuối cùng, Trương Mỹ Lan khai nguồn tiền chuyển đi nước ngoài là tiền của bị cáo, không liên quan đến tiền của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Còn tiền ở nước ngoài chuyển về là tiền bị cáo vay.

"Hợp đồng vay nếu sử dụng sai mục đích thì họ sẽ đòi lại tiền, nên theo bị cáo khi tiền về Việt Nam qua rất nhiều bộ phận, nên bị cáo mọi việc đúng pháp luật", Lan trình bày.

Trương Mỹ Lan 'xin nhận trách nhiệm việc vận chuyển trái phép 106.730 tỉ đồng'- Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm

ẢNH: NHẬT THỊNH

Chủ tọa hỏi tiếp: "Để thực hiện chuyển tiền đi nước ngoài, chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam, thì lãnh đạo, cán bộ SCB đã làm sai quy trình. Tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài qua hệ thống SCB. Bị cáo có ý kiến gì?".

Bị cáo Trương Mỹ Lan trả lời: "Chuyển tiền đi nước ngoài không liên quan Vạn Thịnh Phát, Vạn Thịnh Phát không hề tham gia. Bị cáo chỉ biết lãnh đạo SCB nói cần tiền gấp quá để trang trải chi phí, thì bị cáo sẽ nhờ nước ngoài cho vay".

Cuối cùng, trước lời khai của 8 bị cáo về việc nhận chỉ đạo của Trương Mỹ Lan để vận chuyển trái phép qua biên giới 106.730 tỉ đồng, bị cáo Lan khẳng định: "8 bị cáo này khai không sai. Bị cáo xin nhận trách nhiệm việc chuyển tiền ra nước ngoài của tất cả anh em".

Theo hồ sơ vụ án, từ 2012 - 2022, mỗi khi cần tiền chuyển đi nước ngoài để trả nợ và nhận tiền vay từ nước ngoài về, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Trịnh Quang Công (cựu Tổng giám đốc Công ty CP tập đoàn quản lý Acumen) phối hợp Nguyễn Phương Anh (cựu Phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula), Chiu Bing Keung Kenneth (luật sư, được Lan giao quản lý các công ty nước ngoài, đang yêu cầu tương trợ tư pháp xác minh đối tượng này nhưng chưa có kết quả) lập các hợp đồng "khống" giữa các công ty "ma" tại Việt Nam và công ty, tổ chức ở nước ngoài.

Thông qua các hợp đồng "khống" này, tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài thông qua hệ thống Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Tổng số Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới là 4,5 tỉ USD, tương đương 106.730 tỉ đồng.

Bị cáo Trương Mỹ Lan muốn dùng ‘siêu dự án' Amigo để khắc phục cho trái chủ

Ở giai đoạn 2 vụ án, Trương Mỹ Lan và đồng phạm còn bị xét xử hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 30.869 tỉ đồng của 35.824 nhà đầu tư thông qua phát hành 25 mã trái phiếu "khống"; rửa tiền hơn 445.000 tỉ đồng. Trước đó, HĐXX đã thẩm vấn xong 2 tội danh lừa đảo và rửa tiền.

Ở giai đoạn 1 của vụ án sai phạm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, TAND TP.HCM xử sơ thẩm tuyên bị cáo Lan án tử hình vì chiếm đoạt của SCB hơn 677.000 tỉ đồng. Vụ án đang chờ xét xử phúc thẩm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.