Độ "tào lao" của thông tin cho rằng chế độ ăn thực phẩm chứa alkaline cao (giàu kiềm) có thể chống dịch Covid-19 đến nay đã được xác định khẳng định trên khắp thế giới. Tuy nhiên, thông tin sai lệch này cũng đã tận hưởng độ phủ sóng rộng rãi trong suốt 9 tháng của năm 2020, giữa "rừng rậm" tin tức về virus corona chủng mới gây bệnh Covid-19.
Khu vực Đông Nam Á tất nhiên không thể “miễn dịch” với sức mạnh của làn sóng thông tin sai về Covid-19 xuất hiện từ cuối năm 2019, và cũng góp phần tạo đất sống cho của thông tin thất thiệt về chế độ ăn giàu kiềm. Ban đầu, nhiều nhóm Facebook quảng cáo chế độ ăn giàu kiềm có thể ngăn ngừa hoặc chữa Covid-19. Cho đến cuối năm 2020, thông tin này vẫn được lan truyền tại Indonesia và Myanmar, đặc biệt là qua các ứng dụng tin nhắn kín.
Vì quá phổ biến trên khắp thế giới nên việc "truy vết" để tìm được “bệnh nhân số 0” hay nơi phát xuất của “virus tin giả” không hề dễ dàng - đặc biệt là khi đã có hơn 10 dị bản với độ dài và ngôn ngữ khác nhau. Dù là dị bản nào, “chế độ ăn giàu kiềm chống Covid-19” đều có lý thuyết tương đồng khá rõ ràng.
Theo đó, virus corona gây bệnh Covid-19 được cho có độ pH từ 5.5 - 8.5. Vì thế, các lời đồn thổi cho rằng các thực phẩm giàu kiềm sẽ tiêu diệt được virus, như chanh với độ pH 9.9, bơ 15.6, tỏi 13.2, xoài 8.7, dứa 12.7, hay cam 9.2. Các nhóm tung “tin giả” ở Đông Nam Á thậm chí còn tinh vi trích nghiên cứu được là từ “Tạp chí virus học, tháng 4.1991, trang 1916”.
|
Vậy "lý thuyết" trên có gì sai? Đầu tiên, theo kiến thức hóa học cơ bản, giá trị độ pH chỉ nằm trong khoảng từ 0 - 14, như vậy thông tin độ pH của bơ là 15.6 không chính xác. Còn xét về thường thức, chuỗi thức ăn trên đều gần như chứa nhiều axit hơn là ba-zơ (kiềm). Và cuối cùng, ăn nhiều kiềm không làm thay đổi lượng pH trong cơ thể. Về bài nghiên cứu, thì năm 1991 là thời điểm SARS-CoV-2 chưa xuất hiện, đồng thời nội dung nghiên cứu thật ra liên quan đến bệnh viêm gan B tuýp 4 ở chuột (MHV4).
Thế nhưng, nhiều nước Đông Nam Á và trên thế giới vẫn bị “cuốn” vào thông tin sai lệch này khi nó “phủ sóng” dày đặc từ tháng 4.2020.
Ai cũng có thể là nạn nhân
Thông tin xuất hiện rộng rãi ở Indonesia và Philippines, chủ yếu dưới dạng chữ hoặc bài đăng (status) kèm hình trên Facebook, cũng như Whatsapp (Indonesia) và Viber (Philippines). Một số còn được chia sẻ trên Twitter và Instagram. Theo dữ liệu từ Crowdtangle, công cụ theo dõi mạng xã hội, cho thấy “tin giả” này được đăng trên 550 trang Facebook ở Indonesia với tổng cộng gần 40 triệu người theo dõi, từ tháng 4-6.2020.
Cùng giai đoạn, thông tin lan truyền trên 30 trang Facebook tại Philippines, nhưng số lượt tương tác lại cao bất ngờ, khoảng 309 tương tác/trang so với Indonesia là 32. Trong khi đó, các trang này được chia sẻ trung bình 155 lần, còn tại Indonesia chỉ 14 lượt. Tin sai cũng được lan truyền ở Malaysia, Thái Lan, Campuchia và Myanmar, được dịch ra ngôn ngữ bản địa.
|
Ngoài khu vực Đông Nam Á, những đơn vị chia sẻ thông tin này còn có cơ quan y tế nhà nước (Pakistan), báo chính thống (Thổ Nhĩ Kỳ), kênh truyền hình địa phương (Ecuador), nhà báo và một số người nổi tiếng (tại Venezuela), hay thậm chí một đại học ở Ethiopia.
Tại Đông Nam Á, một số cơ quan báo chí, hay tự gọi mình là báo chí, vô tình giúp lan truyền “tin giả” về chế độ ăn giàu kiềm này, cùng với nhiều nhóm, cá nhân trong lĩnh vực đời sống, sức khỏe. Ở Philippines, vài quan chức địa phương hay hội đồng thanh niên còn chia sẻ thông tin này lên trang hoặc nhóm Facebook. Nhiều cá nhân chia sẻ với mục đích tốt, giúp mọi người khỏe mạnh và tránh Covid-19, hoặc cho vui. Một số khác lại làm vì lợi nhuận. Như một nhà hàng tại Phuket, Thái Lan, đăng thông tin kèm sản phẩm buôn bán.
Nhưng dù mục đích lan truyền thông tin là gì, thì sự nguy hiểm của việc chữa trị sai nói riêng và thông tin sai về Covid-19 nói chung là không thể phủ nhận. Ngoài chế độ ăn giàu kiềm, nhiều “tin giả” về lời khuyên y tế cũng được chia sẻ rộng rãi, như việc tự sử dụng thuốc kháng sinh.
Văn bản của UNESCO có đoạn: “Trong bối cảnh số ca nhiễm ngày càng tăng, hậu quả của 'đại dịch thông tin sai' là nguy hiểm chết người. Nhiều người dân đã bị lừa, khiến họ không thể hiểu và áp dụng các biện pháp phòng ngừa khoa học. Nhiều người đã tử vong vì quá tự tin, hay sử dụng “việc chữa trị” sai.”
“Tin giả” lan truyền nhanh hơn
Để duy trì sức sống cho "huyền thoại" về chế độ ăn giàu kiềm, những người tung tin hay phát tán tin đã luôn "thêm bớt" cho phù hợp với độc giả.
Ở châu Âu và Nam Mỹ, các “chuyên gia” trích dẫn “tin sai” này bằng cách mạo danh các nguồn đáng tin cậy, ví dụ: một đại học ở Mexico (có thật), tạp chí khoa học (có thật), viện virus học ở Moscow (giả), lãnh đạo phòng khám bệnh lây nhiễm ở Mỹ (giả). Còn tại Đông Nam Á, một số bài đăng ngắn thường chỉ đề cập đến “tin giả” ở dạng phát ngôn của một y tá tại Anh, những người đang khỏi bệnh, hay một người bạn đang cách ly trong bệnh viện.
Và tất nhiên, tin sai về chế độ ăn giàu kiềm khiến các tổ chức kiểm tra sự thật khắp thế giới bận rộn.
Thông tin này bị "vạch mặt" lần đầu tiên từ Ecuador vào cuối tháng 2.2020. Có ít nhất 30 tổ chức, dự án từng kiểm chứng thông tin này, bao gồm một số ở Đông Nam Á như Tempo, Liputan6 tại Indonesia, Rappler và Vera Files ở Philippines, Sure and Share tại Thái Lan, AFP phiên bản Malaysia, Thái Lan và Philippines.
|
Nhưng vì “tin sai” cứ liên tục "tái xuất", nhiều tổ chức phải đăng tải lại hoặc cập nhật việc kiểm chứng. Ví dụ Chequeado (Argentina) phải kiểm chứng đến 4 lần, trung tâm kiểm tra sự thật Đài Loan đăng nội dung kiểm chứng lên Facebook 2 lần.
Giống như nhiều thông tin sai lệch khác, “tin giả” về chế độ ăn giàu kiềm tái khẳng định chúng không chỉ lan truyền nhanh hơn, mà còn tiếp cận nhiều người hơn.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, tin sai này được chia sẻ 23.000 lần vào thời điểm thông tin kiểm chứng độ chính xác đăng tải. Nhưng bản thân thông tin kiểm chứng chỉ nhận được 23 lượt chia sẻ. Tương tự, nội dung kiểm chứng tại Philippines chỉ nhận 141 chia sẻ, trong khi bản thân “tin giả” là một bài đăng viral có tới 2.200 người chia sẻ.
Dù vậy, việc kiểm chứng sự thật, truy vết “tin giả” vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế thông tin sai lệch lan truyền và bảo vệ mọi người khỏi những hiểu lầm chết người về dịch bệnh.
*Bài viết được dịch từ tác giả Yvonne T Chua, nhà báo, giáo sư Đại học Philippines, chuyên dạy về kiểm tra sự thật; thuộc chuỗi bài về "tin giả" Covid-19 của dự án Reporting ASEAN #fighttheinfodemic.
Bình luận (0)