Nước mắt vợ chồng Ngưu
Điển tích Ngưu Lang - Chức Nữ có nhiều dị bản nhưng có thể tóm tắt như sau: Thuở hồng hoang, trên thiên đình có nam thần coi việc chăn trâu tên là Ngưu Lang, vì say mê sắc đẹp của Chức Nữ (thần dệt vải) nên bê trễ. Chức Nữ cũng mê say tiếng sáo của Ngưu Lang đâm ra bỏ bê việc dệt vải. Ngọc Hoàng giận, phạt hai người phải cách xa nhau, người này ở đầu sông Ngân (dãy Ngân Hà), người kia ở cuối sông... Tuy nhiên, Ngọc Hoàng còn lưu tình, ban cho họ một đặc ân là cứ mỗi năm lại được gặp nhau vào ngày mùng 7 tháng 7 âm lịch (ngày Thất tịch). Thời bấy giờ sông Ngân trên trời không có cây cầu nào cả nên Ngọc Hoàng cho bầy quạ nối cánh lại làm cầu để Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau nên dân gian gọi là Ô Kiều (cầu quạ) hoặc cầu Ô Thước...
Gặp nhau chưa kịp bày tỏ nỗi nhớ thương khôn xiết thì “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, lại đến lúc phải tiễn biệt nhau. Bịn rịn rời nhau, cả hai khóc sướt mướt, nước mắt của họ rơi xuống trần gian tạo thành những cơn mưa, người trần gọi là mưa Ngâu...
|
Ngưu Lang - Chức Nữ vào âm nhạc
Những ca khúc viết về đề tài Ngưu Lang - Chức Nữ khá nhiều, ở đây chúng tôi chỉ trưng dẫn vài ca khúc tiêu biểu, trước hết là bản Vợ chồng Ngâu của nhạc sĩ Thẩm Oánh (1916 - 1996).
Theo các tài liệu âm nhạc, Vợ chồng Ngâu được in năm 1954 bởi NXB An Phú (Sài Gòn). Thật lạ, nội dung bài hát đẫm nước mắt nhưng lại được viết theo điệu tango, và phải nghe nữ ca sĩ vang bóng một thời Hà Thanh hát mới thấm: “Một tuần ngâu. Mưa rơi buồn reo lá tung sầu theo nhớ nhung tiêu điều. Cơn cơn nơi phương trời. Tình tan vỡ muôn đời. Rầu rầu năm năm Chức Nữ khóc Ngưu Lang. Niềm hận thương tràn khắp nhân gian... Đều đều giọt mưa giọt mưa đều rơi. Suốt đời u ám nhịp cầu mong manh Ô Thước bắc ghềnh. Vợ chồng Ngâu buồn tủi trông nhau. Ngồi xa mây gió vương mang hàng lệ thương. Chút nên mưa gieo sầu xuống đời. Một ngày gang tấc thôi Nam Bắc đôi nơi. Chàng với nàng ngậm ngùi chia phôi...”.
Nếu ca khúc Vợ chồng Ngâu của nhạc sĩ Thẩm Oánh khá xa lạ với thế hệ đương đại thì một ca khúc khác rất phổ biến là bản Chuyện tình Ngưu Lang - Chức Nữ của nhạc sĩ Mạc Phong Linh (một bút danh khác của nhạc sĩ Anh Bằng). Bài này được viết theo điệu bolero nên giới trẻ khá ưa chuộng: “Ngày xưa Ngưu Lang Chức Nữ sống bên nhau không xa một giờ. Ngày xưa Ngưu Lang Chức Nữ sống yêu thương đố ai có ngờ. Tình yêu trao nhau gắn bó khiến cho ai thấy việc chẳng lo. Trời xanh không thương hai người nên bắt đày chia cách đôi bờ...
Đầu sông cuối sông Ngân Hà, khổ thương nhớ nhau trông chờ. Tình nên thơ thành bơ vơ xa cách mịt mờ. Tủi thân chữ yêu không thành, cả đôi khóc than duyên tình. Mà tại sao nhịp khổ đau không thấu trời xanh...”.
|
Ngoài ra còn có ca khúc Cầu Ô Thước của nhạc sĩ Văn Giảng (Thông Đạt). Khác với tiết tấu, ca từ bi lụy diễn tả tâm trạng đau thương của vợ chồng Ngâu, ở Cầu Ô Thước, nhạc sĩ đã cho ngày Thất tịch là một ngày hội: “...Chiều nay ánh dương tràn lan ngoài khơi. Ngàn chim Ô tung mây tìm phương trời. Mừng Ngưu Chức hôm nay đã đến ngày. Tình đôi nơi giờ đây đã sum vầy. Trời mênh mông Ngân Hà khúc nhạc vang. Nghìn chim quyên réo rắt mừng đôi đàng. Cầu Ô Thước xây ngang sông Ngân Hà. Tình đôi nơi giờ đây thấy bến bờ...”.
Đó là những ca khúc trọn vẹn, đề cập đến chủ đề chuyện tình Ngưu Lang - Chức Nữ một cách xuyên suốt, ngoài ra còn có rất nhiều ca khúc mượn điển tích này để diễn tả tâm trạng của chính mình hoặc nhân vật của mình. Chẳng hạn như: “...Gió xa xôi vẫn về. Mưa giăng sầu lê thê. Biết bao năm nữa trời: Vợ chồng Ngâu thôi khóc vì yêu...” (Giọt mưa thu - Đặng Thế Phong); hoặc “...Trời thì mưa rơi. Mưa rơi không ngưng suối tuôn niềm đau. Người thì hẹn nhau sang sông. Mong cho chóng tạnh mưa Ngâu...” (Hẹn hò - Phạm Duy); rồi “...Người từ ngàn dặm về mang nỗi sầu. Nhịp cầu Ô Thước hẹn đến mai sau...” (Thu sầu - Lam Phương); “...Như Ngưu Lang, Chức Nữ vẫn hẹn hò trong gió mưa...” (Kỷ niệm nào buồn - Hoài An).
Đặc biệt nhạc sĩ Thanh Tùng đã đưa những giai điệu hiện đại vào Mưa Ngâu: “Giọt mưa, mưa ngâu, mưa ngâu. Búp non trên cành thành lá biếc. Giọt mưa, mưa ngâu, mưa ngâu. Tròn xoe chiếc ô trên đầu...” và được công chúng yêu nhạc đón nhận.
Bình luận (0)