Không phải với các chương trình sản xuất tại VN, tính chân thực mới bị nghi ngờ, mà từ lâu trên khắp thế giới, người ta đã đặt ra câu hỏi: truyền hình thực tế - thực hay giả?
Ngay như chương trình ăn khách The Voice cũng gây không ít tranh luận tại các nước mua bản quyền sản xuất. Khán giả nghi ngờ về việc thí sinh bị loại, hay huấn luyện viên ưu ái thí sinh nào đó, như chương trình The Amazing Race tại Mỹ cũng gặp phản ứng từ người chơi. Một thành viên tham gia cho biết, hình ảnh anh ta mắng vợ hay không thân thiện với những thí sinh khác được biên tập, cắt xén đưa lên truyền hình, cho thấy anh là con người xấu tính, nhưng thực tế đã có những tình huống xảy ra mà khán giả không được biết.
|
Nhiều chương trình truyền hình thực tế tại VN, nhất là với các cuộc thi tài năng, bị khán giả nghi ngờ có sự sắp đặt, mua giải. Mùa thi Bước nhảy hoàn vũ vừa qua, ca sĩ Phương Thanh không ngại ngần bày tỏ: người chơi chỉ là những quân cờ trong tay của nhà tổ chức. Có người còn cho rằng, không ít người tham gia cuộc chơi này đã được thỏa thuận từ trước sẽ nhận giải thưởng gì. Ngay đến cuộc thi Sao Mai Điểm hẹn đang diễn ra, khán giả hoàn toàn có quyền đặt vấn đề với kết quả bình chọn qua tin nhắn, một kiểu “khán giả giấu mặt” không thể biết là thực hay ảo.
|
Gây sốt trên truyền hình hiện nay, nhưng The Voice phiên bản Việt (Giọng hát Việt) còn khiến khán giả phải băn khoăn. Trong cuộc chơi lần này sẽ có những cái tên như Tiêu Châu Như Quỳnh, Đỗ Tùng Lâm, H’Zina Bya. Họ đều là quán quân của cuộc thi Ngôi sao tiếng hát truyền hình, được coi như “người nhà” của nhà sản xuất (NSX). Điều đó khiến người ta không khỏi e ngại: cuộc chơi liệu có bị sắp đặt? Việc hai thí sinh khuyết tật là Hà Văn Đông và Phạm Phương Dung xuất hiện tại Giọng hát Việt cũng gây tranh luận trên các trang mạng xã hội. Không ít ý kiến thẳng thừng đây là chiêu của NSX muốn lấy nước mắt khán giả, tăng lượng người xem. Nhưng nhiều người phản bác lại vì cho rằng, sự xuất hiện của họ ý nghĩa nhân văn, khiến người xem cảm phục, ngưỡng mộ.
Cần phải khẳng định, để chương trình truyền hình thực tế lôi cuốn, hấp dẫn khán giả, không thể thiếu bàn tay của NSX chương trình, từ cắt xén, thêm bớt, chỉnh sửa đến sắp đặt. Nhiều chương trình được dàn dựng giống như một bộ phim, có cao trào, kịch tính. Giống như phiên bản The Voice gốc, Giọng hát Việt vòng Giấu mặt được quay trong ba ngày, các huấn luyện viên mặc đúng một bộ quần áo. Các phần thi sẽ được biên tập, cắt ghép, chỉnh sửa để tạo kịch tính, hứng thú cho người xem. Tất nhiên, tùy theo các thể loại chương trình truyền hình thực tế khác nhau, bàn tay dàn dựng của NSX có thể can thiệp nhiều hay ít. Với chương trình yêu cầu những trải nghiệm thực tế như Cuộc đua kỳ thú (dựa theo phiên bản của The Amazing Race), mức độ chân thực sẽ cao hơn. Người tham gia phải chơi thật, thể hiện cảm xúc thật, họ không thể giấu cảm xúc, sự mệt mỏi, chán chường cho đến phấn khích, hạnh phúc.
Dù bị nghi ngờ giữa thực và giả, nhưng sự thực là truyền hình thực tế vẫn tạo nên sức hút lớn với người tham gia và khán giả trên khắp thế giới.
Minh Ngọc
>> Truyền hình thực tế về việc nuôi con bằng sữa mẹ
>> Truyền hình thực tế “thực” đến tàn nhẫn?
>> Chương trình truyền hình thực tế "Ước mơ của em
>> Dustin Nguyễn làm đạo diễn, MC truyền hình thực tế
>> Bùng nổ truyền hình thực tế
>> Truyền hình thực tế thiếu... thực tế
>> Gia đình diễn viên nhí thu nhập thế nào trong show truyền hình thực tế
>> Có nên cho trẻ em tham gia truyền hình thực tế?
>> Nhà để quay các phim truyền hình thực tế từ đâu có?
>> Chương trình truyền hình thực tế tuổi trẻ VN làm theo lời Bác
>> Chương trình truyền hình thực tế về học trò nghèo
>> Truyền hình thực tế Phụ nữ thế kỷ 21: Phụ nữ hiện đại, những góc nhìn...
Bình luận (0)