TS Đinh Hồng Hải: Di sản như cỗ xe khó lái

02/01/2015 04:48 GMT+7

Có đến 3 trong 10 sự kiện văn hóa của năm 2014 do các nhà báo bình chọn liên quan đến di sản. Tràng An, dân ca ví - dặm trở thành di sản thế giới; tránh nạn linh vật ngoại lai lan tràn trong di tích... nhưng di sản vẫn như cỗ xe khó lái.

Có đến 3 trong 10 sự kiện văn hóa của năm 2014 do các nhà báo bình chọn liên quan đến di sản. Tràng An, dân ca ví - dặm trở thành di sản thế giới; tránh nạn linh vật ngoại lai lan tràn trong di tích... nhưng di sản vẫn như cỗ xe khó lái.

Quần thể danh thắng Tràng AnQuần thể danh thắng Tràng An - Ảnh: Ngọc Hải
Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với TS Đinh Hồng Hải (Viện Nghiên cứu văn hóa) về những vấn đề liên quan đến di sản của đất nước.

Nhiều di sản đã được UNESCO tôn vinh, giờ đây lại thêm hai di sản nữa. Ông nghĩ thế nào về di sản hậu danh hiệu, nó có thêm giá trị không?

Theo tôi, việc đạt được một danh hiệu của một cá nhân hay một quốc gia là sự công nhận giá trị của danh hiệu đó bằng văn bản (ở đây là tấm bằng), còn giá trị thực hoàn toàn không nằm ở tấm bằng đó. Chẳng hạn, trình độ của một sinh viên được xác định bằng việc hoàn thành tốt khóa luận hay không, còn tại thời điểm trước và sau khi nhận bằng thì hoàn toàn như nhau. Tương tự, việc UNESCO cấp bằng công nhận di sản là một sự xác nhận giá trị đối với di sản mà cha ông chúng ta đã gìn giữ được đến thời điểm cấp bằng. Còn nếu sau khi được cấp bằng mà di sản bị biến dạng (tức bị làm sai lệch giá trị đã được công nhận) thì UNESCO có thể thu hồi tấm bằng đó. Vì vậy, việc bảo tồn di sản một cách khoa học quan trọng hơn là việc được cấp bằng. Còn nếu được cấp bằng rồi mà lại bị thu hồi (do không bảo vệ được di sản) thì còn tệ hại hơn nhiều.

Việc nhà nước quan tâm đến di sản và đầu tư cho di sản là một việc làm đúng đắn. Tuy nhiên, nếu chỉ đầu tư làm hồ sơ cho tốt để thuyết phục cơ quan thẩm định của UNESCO công nhận di sản mà thiếu đi sự đầu tư “chất xám” để bảo tồn di sản chẳng khác nào “mang con bỏ chợ.” Tình trạng này khá giống với một thực trạng của ngành giáo dục là đào tạo nhiều, bằng cấp nhiều nhưng thất nghiệp ngày càng nhiều hơn. Sự cảnh báo của UNESCO về “tước danh hiệu di sản” và việc người dân Đường Lâm đòi trả lại danh hiệu di sản cho thấy thực trạng thiếu “chất xám” đối với vấn đề bảo tồn di sản của chúng ta.

Một số quốc gia đã không còn đệ trình hồ sơ di sản nữa. Một số khác lại xin danh hiệu để tranh thủ vận động chính sách hành lang bảo vệ di sản trong nước mình. Còn chúng ta thì sao, thưa ông?

Một số quốc gia có nhiều di sản vô cùng đặc sắc như Anh, Ấn Độ, Mỹ… nhưng họ không “chạy đua” để được cấp bằng di sản mà cố giữ nguyên trạng và không quảng bá thu hút du lịch khi họ thấy chưa đủ điều kiện để quản lý các di sản đó. Theo tôi, di sản càng ít bị biến dạng càng tốt bởi đó chính là “giá trị gia tăng” của di sản, theo lý thuyết di sản mà tôi đã được học từ GS Barbara Kirshenblatt-Gimblett cách đây 14 năm tại Hà Nội. Nhưng dường như ở ta rất ít người quan tâm hoặc làm theo các lý thuyết (đã được thế giới công nhận) đó nên tình trạng “đập cũ xây mới” ở các di tích vẫn diễn ra thường xuyên. Nếu có tấm bằng công nhận di sản mà không biết cách bảo tồn, khai thác và phát huy các di sản đó một cách khoa học thì sẽ chẳng khác nào việc mua được bằng lái xe nhưng lại chưa học luật giao thông và điều khiển xe chưa tốt thì việc đạp nhầm chân phanh thành chân ga ắt sẽ xảy ra. Bản thân chiếc xe không có lỗi nên đừng gọi nó là “xe điên” mà người lái xe (và người bán bằng) mới chính là người điên.

Vấn đề của di sản bây giờ theo ông nên giải quyết tận gốc ra sao?

Tôi nghĩ, như mọi ngành, mọi vấn đề, tất cả đều phải bắt đầu từ con người. Chính vì thế, mọi sự đều phải bắt nguồn từ đào tạo nhân lực. Với những ngành nghệ thuật đã được công nhận, phải nhanh chóng có chính sách cho nghệ nhân. Năm qua, khi cụ Hà Thị Cầu qua đời, mọi người đều xót xa trước ước mơ có một cuốn số bảo hiểm y tế của cụ. Báu vật nhân văn sống bị đối xử như vậy thì làm sao chúng ta có thể trao truyền được giá trị di sản cho người sau. Hoặc với các di tích, làm sao chúng ta có thể giữ di tích nếu người quản lý nó mơ hồ với các khái niệm trùng tu. Chưa kể, chúng ta còn có căn bệnh “kỷ lục”.

Đào tạo nhân lực quản lý cũng cần hướng tới việc mỗi người dân là một nhà bảo tồn di sản. Di sản phải sống được trong cộng đồng. Vì sao đờn ca tài tử sống mạnh đến thế, vì nó sống trong lòng dân. Chính những người dân nuôi nó trong môi trường sinh hoạt của họ. Những chương trình lớn, sân khấu hóa, tuy hoành tráng nhưng lại giết di sản nhanh nhất có thể. Tôi nghĩ, điều đó cần phải cân nhắc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.