Sáng qua, Ủy ban TVQH thảo luận về bốn vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trong đó có quy định về mức đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu giữa nam và nữ; bổ sung đối tượng bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội.
Từ năm 2018 sẽ áp dụng cách tính tiền lương tháng đóng BHXH bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, nhiều ĐBQH tán thành quy định từ ngày 1.1.2018 trở đi mới áp dụng cách tính tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động. Ý kiến khác đề nghị cần thực hiện quy định này ngay khi luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1.7.2015.
"Thường trực ủy ban cho rằng, quy định thực hiện từ ngày 1.1.2018 sẽ đảm bảo khả thi hơn, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, tiền lương tối thiểu đang trong lộ trình thực hiện theo quy định của bộ luật Lao động", bà Mai nói. Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN Đặng Ngọc Tùng vẫn cho rằng càng thực hiện sớm quy định này, càng có lợi cho người lao động.
Nâng số năm đóng bảo hiểm của lao động nam
Về nội dung điều chỉnh mức hưởng lương hưu hằng tháng, Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội - cơ quan thẩm tra - đề nghị chọn phương án điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng theo lộ trình, bắt đầu từ năm 2018 mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, tương ứng với 15 năm đóng BHXH của lao động nữ và 20 năm đóng BHXH của lao động nam. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, người lao động được tính thêm 2%. Mức hưởng lương hưu tối đa bằng 75% mức bình quân tiền lương tháng tính lương hưu. Đồng thời, quy định lộ trình nâng số năm đóng BHXH của nam giới từ 15 năm lên 20 năm để đạt 45% mức bình quân tiền lương tháng tính lương hưu (cụ thể, năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm).
Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN Đặng Ngọc Tùng cho rằng cả nam và nữ cứ nên giữ 15 năm đóng BHXH thì được hưởng 45%. “Quy định như vậy sẽ không bao giờ vỡ quỹ, với điều kiện đừng lấy tiền BHXH trả cho người đóng thấp nhưng hưởng cao. Để bảo đảm sự công bằng, không nhất thiết phân biệt số năm đóng giữa nam và nữ”, ông Tùng nói.
Tuy nhiên, qua thảo luận, TVQH đồng tình với đề xuất của cơ quan thẩm tra.
TVQH cũng tán thành nhiều nội dung cơ quan thẩm tra đề xuất, như bổ sung đối tượng lao động làm việc theo hợp đồng mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng phải tham gia BHXH bắt buộc; đồng tình chính sách khuyến khích mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, với mức hỗ trợ thấp nhất của nhà nước cho tất cả người lao động tham gia.
Về đề xuất bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường và thị trấn (gọi chung là cấp xã) tham gia BHXH bắt buộc, TVQH không tán thành đề xuất của cơ quan thẩm tra, mà đề nghị quy định đối tượng này tham gia bảo hiểm tự nguyện để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước khi chưa tính toán lượng hóa được mức chi trả cho số đối tượng này.
Bảo Cầm
>> Lương hưu có thể sụt giảm từ 21 - 33%
>> ‘Lương hưu thứ hai’ tắc vì thiếu nghị định
>> Bảo hiểm hưu trí tự nguyện 'cứu' quỹ bảo hiểm xã hội khỏi nguy cơ vỡ quỹ
Bình luận (0)