Từ 20.8, bỏ sáng kiến kinh nghiệm đánh giá viên chức: Giáo viên còn băn khoăn

Thúy Hằng
Thúy Hằng
19/08/2020 17:08 GMT+7

Từ ngày mai 20.8, Nghị định 90 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức viên chức có hiệu lực. Theo đó, giáo viên, người lao động không còn phải 'đau đầu' vì sáng kiến kinh nghiệm.

Nghị định số 90/2020/NĐ-CP của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức viên chức có hiệu lực từ 20.8, nhiều điểm đáng chú ý. Trong đó thông tin được nhiều người quan tâm là cán bộ, công chức, người lao động muốn được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không còn yêu cầu bắt buộc phải “có ít nhất 1 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận”. Tiêu chí trên được hiểu là sáng kiến kinh nghiệm. Nhiều giáo viên hay người trẻ đang là viên chức cơ quan nhà nước cho biết điều này khiến họ vui nhưng còn nhiều nỗi lo.
Anh Phạm Thanh Tuấn, giáo viên Trường THCS-THPT Diên Hồng, Q.10, TP.HCM, người 3 năm liên tiếp đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường, dành nhiều thời gian tâm huyết cho 3 sáng kiến kinh nghiệm những năm gần đây, cho biết không đơn giản để có một sáng kiến hữu ích.

Anh Tuấn luôn tìm tòi và có nhiều sáng tạo, đổi mới trong dạy học để khiến học trò luôn thích thú với mỗi giờ lên lớp

Ảnh T.H

Theo anh Tuấn, bên cạnh những công việc thường nhật của mỗi giáo viên, để làm ra được sáng kiến kinh nghiệm chỉn chu, người làm ra nó phải dành chất xám thật sự từ việc nghĩ ý tưởng, cụ thể hóa ý tưởng, trình bày những giải pháp có thể áp dụng trong thực tiễn, làm sao để sáng kiến kinh nghiệm của mình không thể bỏ xó, mà phải được vận dụng ngay trong quá trình lên lớp hằng ngày.

Nỗi khổ nhiều năm

Sáng kiến kinh nghiệm từng là nỗi khổ của rất nhiều giáo viên trong nhiều năm. Nhiều người cho hay họ rất khổ sở khi vừa phải đối mặt nhiều áp lực giảng dạy, soạn giáo án, chấm điểm, nhận xét học sinh và nghĩ đề tài sáng kiến kinh nghiệm rồi viết theo đúng chuẩn phông chữ, kiểu trình bày... để mang đi nộp đúng hạn.
Trao đổi với phóng viên, cô Nguyễn Hoàng Phượng Quyên, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Chánh, H.Bình Chánh, TP.HCM, cho hay thực tế ở trường của cô, trong quá trình công tác nhiều giáo viên rất có tâm huyết để viết sáng kiến kinh nghiệm, sáng tạo nhiều ý tưởng thú vị để giảng dạy, nhưng cũng có nhiều giáo viên lớn tuổi rất ngại việc phải làm sáng kiến kinh nghiệm. Các thầy cô đó đồng ý việc không có danh hiệu giáo viên giỏi, hay chiến sĩ thi đua.
Theo cô Quyên, trong thực tế có nhiều giáo viên dạy rất hay, kinh nghiệm giảng dạy rất tốt, nhưng không có sáng kiến kinh nghiệm. Trong khi đó, trước đây bị vướng quy định phải có sáng kiến kinh nghiệm mới có thể được đánh giá xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở lên, nên cũng rất khó để đánh giá được các thầy cô đó.

Lĩnh vực nào cũng cần những sáng tạo thực tiễn, không phải ở trên giấy

Ảnh T.H

Cô Quyên cho biết có một thực tế là không phải sáng kiến kinh nghiệm nào của thầy cô cũng có chất lượng cao, được làm nghiêm túc và tâm huyết. “Mình cũng không thể nào nói là sao chép hay làm cho có, nhưng không phải sáng kiến nào cũng cho thấy quá trình lao động thật sự”, cô Quyên nói.
Trong khi đó, một giáo viên tại Hưng Yên cho biết có những câu chuyện các đồng nghiệp tới thời điểm phải làm sáng kiến kinh nghiệm thì lên mạng tra Google, “mượn” chỗ này một chút, bổ sung, sửa sang để trở thành một sáng kiến mới để nộp.

"Làm sao có thể khuyến khích nhiều sáng kiến"

Một viên chức nhà nước, 35 tuổi, làm việc tại tỉnh Đắk Lắk, cho biết vì có người nhà làm trong ngành giáo dục, anh đã được nghe về nỗi khổ của sáng kiến kinh nghiệm. Nếu bỏ yêu cầu về sáng kiến kinh nghiệm trong đánh giá viên chức, công chức nói chung, giáo viên nói riêng cũng tốt. Nhưng anh e ngại, nếu bỏ đi tiêu chí này, thì việc đánh giá cán bộ, công viên chức có công bằng, liệu có xảy ra tình trạng cào bằng ai cũng như ai.
“Một người làm việc nghiêm túc, không ngừng tư duy, trăn trở và có nhiều sáng kiến kinh nghiệm hiệu quả chắc chắn sẽ nên được tuyên dương, khen thưởng. Những ai chỉ làm cho xong việc, qua loa ngày qua ngày thì không thể được đánh giá cao hơn. Công việc nào cũng cần sự sáng tạo, trong đó, giáo dục cũng không ngoại lệ. Thi đua là yêu nước. Do đó, tôi nghĩ là việc làm sáng kiến kinh nghiệm không bắt buộc trong đánh giá xếp loại viên chức, công chức, cán bộ nói chung, giáo viên nói riêng, nhưng nên có cơ chế khuyến khích mọi người không ngừng sáng tạo, dám đề xuất sáng kiến, nhất là những sáng kiến có ích cho tập thể”, viên chức 35 tuổi này cho biết.

Sự sáng tạo của thầy cô mang lại nhiều nụ cười trong môi trường giáo dục

Ảnh Thúy Hằng

Để đạt chiến sĩ thi đua, giáo viên có cần sáng kiến kinh nghiệm không?

Nhiều giáo viên đang băn khoăn, vậy để đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, họ có cần sáng kiến kinh nghiệm không?
Điều 9 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng quy định quy định, để được xét tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành hay chiến sĩ thi đua toàn quốc vẫn yêu cầu cần sáng kiến.
Cụ thể về danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở,  theo Mục 3, Điều 9, Nghị định số 91/2017/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng quy định:
Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được xét tặng hàng năm cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:
a) Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”;
b) Có sáng kiến để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đơn vị công nhận.
Tỷ lệ cá nhân được công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” do bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương căn cứ vào tình hình thực tiễn quy định cho phù hợp, nhưng không quá 15% tổng số cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến”.
Anh Phạm Thanh Tuấn cho biết nếu được khuyến khích, làm chỉn chu, tận tâm và mang tính đóng góp thật sự, những sáng kiến kinh nghiệm hữu ích của các giáo viên, cũng như cán bộ, viên chức sẽ đóng góp rất nhiều vào sự phát triển chung của tập thể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.