Đó là 5 năm trước, khi Nguyễn Thị Cẩm Xuân, cựu sinh viên khoa sư phạm mầm non Trường ĐH Sài Gòn từ bỏ công việc ổn định, an toàn của mình tại một trường mầm non huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai, để thực hiện giấc mơ khởi nghiệp của mình.
“Cha mẹ tôi la mắng và phản đối khi tôi từ bỏ công việc nhiều người mơ ước ở một trường mầm non công lập, ngay gần nhà. Tôi nói dối là sẽ lên Sài Gòn để tiếp tục đi dạy. Nhưng thực ra, tôi và nhiều người bạn yêu thích kinh doanh của mình cùng lập nhóm, sản xuất bánh tráng từ nguyên liệu sạch và đi bán dạo khắp các quán trong thành phố”, cô gái 27 tuổi nhớ lại.
Đi bán dạo để học kiến thức kinh doanh
tin liên quan
Ba mẹ đòi từ mặt nếu khởi nghiệp, phải làm thế nào?Món ăn đầu tiên Xuân và các bạn cùng làm đó là bánh tráng khoai lang, một đặc sản lấy cảm hứng từ món ăn truyền thống ở Bình Định. Bánh có bao bì thiết kế riêng, đặt trong những giỏ xách lịch sự, mọi người đều mặc quần tây và áo sơ mi trắng khi đi bán hàng. Nhóm có khoảng 16 người, chia nhau đi khắp thành phố, bán từ 19 giờ cho đến khi hết hàng.
“Mưa cũng đi, không mưa cũng đi, ngày trễ nhất tôi về nhà là 1-2 giờ sáng hôm sau. Đói, mệt, mỏi chân, đau rát cổ họng vì sẽ phải mời khách, nói chuyện, tư vấn cho khách hàng. Có những uất ức và tủi nhục không thể nói thành lời khi bị xua đuổi, chửi bới từ những người say xỉn, họ nghĩ chúng tôi lừa gạt, xin xỏ…”, Xuân xúc động.
Xuân cho hay, cô ngại nhất sẽ gặp những người bạn mình trong hoàn cảnh đó, bởi có thể họ sẽ nói với cha mẹ cô.
|
Bán bánh hơn 1 năm, Xuân học được nhiều kỹ năng bán hàng, từ giao tiếp với khách hàng, thuyết phục khách, xây dựng mối quan hệ…
Xuân bộc bạch: “Mẹ tôi bây giờ không còn ngăn cản tôi kinh doanh nữa, bà chỉ thi thoảng hay hỏi, 'Con ơi con có ổn không'. Tôi bảo với mẹ 'Mẹ ơi 10 năm nữa con sẽ có lương'. Rất nhiều người trẻ tôi biết, họ muốn khởi nghiệp, nhưng chưa đủ dũng cảm để từ bỏ món ăn tinh thần an toàn và ổn định hằng tháng, đó là tiền lương. Tôi muốn bước ra khỏi vòng an toàn của chính mình, để theo đuổi ước mơ”.
Từ chủ quán chay đến chế tác trang sức
Nhóm bạn khởi nghiệp cùng nhau 16 người, dần dần chỉ còn Xuân và anh Lê Văn Lên, hơn Xuân 8 tuổi, quê ở huyện Cần Giờ, TP.HCM. Anh Lên và Xuân đã đồng hành cùng nhau trong những dự án đòi hỏi vốn, kiến thức nhiều hơn và áp lực cũng lớn hơn.
Năm 2016, họ mở quán chay đầu tiên ở đường số 10, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM từ giấc mơ kinh doanh ẩm thực nhưng không được giết mổ động vật. Để quán chay khác biệt, cả Xuân và Lên trực tiếp xây dựng thực đơn, sáng tạo món ăn, đi chợ, nấu ăn, phục vụ và dọn dẹp. Quán hoạt động được 8 tháng, khách đang đông dần thì chủ nhà lấy lại mặt bằng.
Họ dời quán chay tới đường Nguyễn Tất Thành, quận 4, dù nhỏ hơn nhưng khách đông hơn. Vừa được 2 tháng, chủ quán cũng đòi lại nhà, không cho thuê nữa. “Có những lúc cạn vốn, tuyệt vọng, buồn chán, sợ hãi vô cùng. Anh Lên lại là người đồng hành và động viên tôi, không thể bỏ cuộc. Tôi luôn coi anh Lên là sư phụ của mình, chưa bao giờ tôi thấy anh ấy tuyệt vọng, dù ở những thời khắc khó khăn nhất”, Xuân trầm ngâm.
Từ đầu năm 2018, xưởng thiết kế, chế tác trang sức đá quý Formation bắt đầu hoạt động tại huyện Cần Giờ. Trước đó, cả Xuân và anh Lên đã đi khắp các bãi vàng ở Bồng Miêu, Quảng Nam, để tìm nguồn hàng, học về tính chất, đặc điểm các loại đá quý. Nguồn vốn phải cần là rất lớn, khách hàng cũng đang trong quá trình xây dựng..., nhưng Xuân tin không có gì tự nhiên đến, học sẽ là cả đời, cô sẽ chấp nhận đi từng bước một.
Cẩm Xuân lạc quan: “Tôi cảm thấy may mắn khi đã nhận ra mong ước của mình, đó là phải bứt phá để mang lại nhiều giá trị hơn, làm cho nhiều người hạnh phúc hơn”.
Bình luận (0)