Học sinh có nên kinh doanh?

Thanh Nam
Thanh Nam
24/11/2018 13:24 GMT+7

Không ít học sinh đã và đang có thêm khoản thu nhập kha khá từ việc kinh doanh của mình. Nhưng khi còn phải lo chuyện học hành, thì học sinh có nên kinh doanh hay không?

31/36 học sinh trong lớp kinh doanh
Trần Anh Vinh, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (Đồng Tháp) cho biết lớp có sĩ số 36 thì trong đó đã có 31 thành viên kinh doanh. "Các bạn buôn bán đủ mặt hàng, từ ăn vặt, dụng cụ học tập, phụ kiện thời trang, sản phẩm làm đẹp...", Vinh cho biết.
Đây chỉ là trường hợp điển hình trong xu hướng kinh doanh của học sinh (HS) hiện nay. Có thể nói, chưa bao giờ, giới HS lại "đổ xô" kinh doanh kiếm thêm thu nhập nhiều như hiện nay. Từ đồ handmade, quần áo, đồ ăn, sản phẩm làm đẹp, dưỡng da, đồ điện tử, phụ kiện trang sức..., qua con mắt của học sinh, đều có thể trở thành những mặt hàng có thể kinh doanh được.

Bởi lẽ, mạng xã hội phát triển, Zalo, Facebook, Instagram đã quá quen thuộc với giới trẻ nói chung và HS nói riêng, thế nên chỉ cần tận dụng những trang cá nhân trên các mạng xã hội này là có thể "cá kiếm" bằng cách buôn bán trực tuyến, mà không cần phải thuê mặt bằng, đầu tư cho cửa hàng...
"Mình kinh doanh được hơn 2 năm nay, từ khi vào lớp 10. Ban đầu thì bán quần áo, sau này thì 'mở rộng' ra, bán thêm son, đồ dưỡng da, dụng cụ làm đẹp... Tất cả đều bán trên mạng cả. Mình rao trên trang cá nhân và cả Fan Page để tìm kiếm khách hàng", Phạm Tố Uyên, HS lớp 12, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Đồng Nai), cho biết.
Theo Nguyễn Quang Đại, HS lớp 11, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP.HCM) thì HS không có nhiều tiền để làm vốn mà kinh doanh hoành tráng. Chủ yếu là "mua qua bán lại", lấy nguồn hàng với giá rẻ, sau đó bán lại với giá cao hơn để "kiếm chút đỉnh". Đại hiện bán các loại cây hoa giống và đặc sản các vùng miền trên Facebook của mình. "Mỗi khi có đơn đặt hàng, mình nhờ người quen ở Đà Lạt và nhiều tỉnh khác chuyển về, sau đó bán lại", Đại nói.
Dù như chia sẻ là "kiếm chút đỉnh", thế nhưng thực tế không ít HS, nhờ việc kinh doanh đã kiếm được kha khá, có được những khoản tiền để chủ động đóng các lớp học thể thao, ngoại khóa, không phải xin tiền gia đình khi tham gia những cuộc hẹn, liên hoan với bạn bè, hay có thể có tiền để mua những vật dụng mà bản thân thích, hoặc dễ dàng trang trải đủ chi phí để vi vu cùng bạn bè trong những chuyến du lịch...
Có nên hay không?
Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay, vì thấy cơ hội để kinh doanh lớn, nên nhiều HS thừa nhận đã lơ là việc học, chú tâm vào việc buôn bán kiếm tiền. Có cả những "tự thú" cho biết đã tốn nhiều thời gian để ngồi livestream (phát trực tiếp) trên Facebook để quảng cáo sản phẩm...
T.L., nữ sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.HCM) cho biết đang kinh doanh mỹ phẩm, sản phẩm làm đẹp dành cho nữ trên Facebook cá nhân. Thời gian đầu, T.L. chỉ kiểm kê đơn hàng rồi đóng gói sản phẩm giao cho khách khi đã hoàn thành việc học trên trường cũng như tự học ở nhà. Thế nhưng sau đó, vì "thành công quá đỗi bất ngờ", những đơn hàng được đặt tới tấp ngày càng nhiều, "đã khiến mình sao nhãng việc học", T.L. thú thật, rồi kể: "Có ngày quên làm bài tập, mà dành thời gian để kiểm tra tin nhắn của khách, lên danh sách đơn hàng, soạn đồ, đóng gói để giao...".
V.U., nữ sinh lớp 12, Trường THPT Trấn Biên (Đồng Nai) chia sẻ: "Mình hay kinh doanh trà sữa và rau câu bánh flan, rau câu phô mai tự làm để bán cho bạn bè cùng trường hay học sinh các trường lân cận. Thấy có thể kiếm mỗi tháng cũng được hơn 2 triệu đồng, số tiền lớn với học sinh lắm, nên mình bị... mê luôn. Có khi phải thức tới khuya để nấu, bị anh chị ruột la rầy vì ham kinh doanh mà lơ là việc học".
V.U. rút ra bài học kinh nghiệm: "Học sinh tập tành kinh doanh là điều tốt, vì vừa giúp luyện những kỹ năng như giao tiếp, thuyết phục người khác, kỹ năng bán hàng... thì còn có thêm thu nhập. Tuy nhiên, cần dành thời gian nhiều cho việc học, đừng vì kinh doanh mà khiến học lực giảm sút".
Bà Nguyễn Thu Loan, phụ huynh một HS đang theo học Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP.HCM) cho rằng không cấm cản con kinh doanh. Vì theo bà Loan, con tự nghĩ cách để kinh doanh như thế sẽ giúp con năng động và tự lập hơn. "Nhưng tôi luôn nhắc con là coi việc học là sự quan tâm hàng đầu. Chỉ dành thời gian cho kinh doanh khi đã học bài, làm bài đầy đủ", bà Loan nói thêm.
Theo thạc sĩ tâm lý Lê Thị Dương Thương, Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam (TP.HCM), việc HS kinh doanh là điều tốt. Những trải nghiệm khi kinh doanh sẽ giúp có được nhiều kỹ năng, giúp HS trưởng thành hơn, biết quý trọng giá trị đồng tiền hơn... Mặc dù vậy, bà Thương cũng khuyên đừng vì mải mê kiếm tiền để rồi sao nhãng việc học. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.