“Sự kiện” này đã gây “bão” trên mạng. Rất nhiều người biết canh cua thường nấu với rau đay, nhưng không phải ai cũng biết. Cô kỹ sư trẻ kia thuộc về số ít những người không biết. Nhiều người chê trách cô gái, nhưng riêng tôi thấy chuyện chưa biết ấy cũng không có gì đáng chê trách. Kiến thức đời sống là một biển vô tận, có người biết cái này nhưng không biết cái khác, và ngược lại. Không biết thì trải nghiệm rồi sẽ biết, vì những kiến thức này không có trong sách giáo khoa, hoặc có mà học sinh ít để ý.
Nhưng cũng trên chương trình “Ai là triệu phú” gần đây nhất, tôi đã hết sức khâm phục một cô gái mới 28 tuổi, quê gốc Quảng Nam, hiện đang sống tại TP.HCM, khâm phục không phải vì cô đã trả lời đúng cả 15 câu hỏi của chương trình để nhận về một đống tiền (trong thực tế cô gái chỉ nhận được... 2 triệu đồng, do trả lời sai một câu hỏi).
Tôi khâm phục vì trong bản “sơ yếu lý lịch” khai nộp cho chương trình, cô gái nói mình cùng hai người bạn khác thành lập một công ty khởi nghiệp, thuê đất ở Tân Phú (Đồng Nai), kết hợp với nông dân ở đó để trồng rau sạch và chăn nuôi heo sạch theo mô hình organic (chỉ dùng chất hữu cơ cho nông nghiệp, không dùng bất cứ hóa chất vô cơ nào). Organic là mô hình sản xuất nông nghiệp “sạch” rất nổi tiếng hiện nay, nhưng theo được mô hình này thì không phải chuyện dễ. Đây không là chuyện trả lời câu hỏi “Canh cua nấu với rau gì?”, mà chuyện trồng rau hay chăn nuôi theo organic thì phải làm sao, và phải kiên trì với mô hình nông nghiệp sạch này như thế nào. Cô gái 28 tuổi nói rằng, để mô hình organic thực sự đến với người dân Tân Phú vốn lâu nay quen canh tác hay chăn nuôi theo kiểu “truyền thống” dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu trong canh tác nông nghiệp, và dùng thức ăn công nghiệp cộng với hóa chất tăng trọng trong chăn nuôi, cô gái đã tổ chức hẳn một chương trình giáo dục về mô hình canh tác organic, chương trình này trước hết dành cho trẻ em ở địa phương này. Cô gái nói, nếu trẻ em tiếp thu một cách thích thú mô hình organic này, thì từ trẻ em sẽ lan tỏa sang người lớn, cha mẹ các em. Và khi người lớn quan tâm, thích thú, làm theo chương trình này, thì việc kinh doanh thực phẩm sạch có truy xuất nguồn của công ty cô mới thành công.
Tôi nghe cô gái nói mà khâm phục quá: làm sao một cô gái mới 28 tuổi sinh sống ở thành phố mà có tư duy về nông nghiệp hay đến như vậy? Và tôi chợt nghĩ, nếu chương trình “Ai là triệu phú” đặt được những câu hỏi có ích như “Canh tác organic là gì?”, hay đơn giản hơn “Làm thế nào để có thịt heo sạch?” thì chương trình sẽ bổ ích hơn. Chứ đặt câu hỏi kiểu “Canh cua nấu với rau gì?” thì quả thật, chẳng giải quyết được chuyện gì cả. Có thể có người không biết, nhưng nếu có biết, cũng không thêm cho họ điều gì. Còn lỡ không biết, thì bêu riếu lên mạng, đổ lỗi cả cho… nền giáo dục, liệu mang lại lợi ích gì cho ai? Canh cua, nếu không nấu với rau đay, có thể nấu với rau mùng tơi hay rau muống, còn canh tác hay chăn nuôi theo mô hình organic thì tuyệt đối phải tuân thủ quy trình “sạch” của nó một cách khoa học.
Tôi không trách “cô gái rau đay”, nhưng tôi đặc biệt khâm phục “cô gái organic”.
Bình luận (0)