Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 5.4, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP.HCM) tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của ông L.Đ.L (62 tuổi, ngụ P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức) về việc bị lừa đảo 3,6 tỉ đồng qua điện thoại. Cụ thể, sáng 22.3, ông L. nhận cuộc gọi từ số 0947.654.7xx, tự xưng là Công an TP.Thủ Đức thông báo ông có giấy triệu tập của TAND TP.Đà Nẵng vì có liên quan đến một vụ án ma túy. Sau đó, người này nối máy cho ông L. với Công an TP.Đà Nẵng để làm việc. Người tự xưng Công an TP.Đà Nẵng thông báo số tài khoản ngân hàng của ông L. có liên quan đến vụ án ma túy mà cơ quan này đang điều tra, yêu cầu kết nối Zalo để làm việc.
Qua cuộc gọi video, ông L. được một người đàn ông mặc sắc phục công an, yêu cầu tải ứng dụng trên Google Play để theo dõi danh sách truy nã, lệnh bắt tạm giam. Ông L. tải ứng dụng, đăng nhập thấy tên mình kèm số điện thoại, địa chỉ nhà, trong danh sách "tội phạm truy nã". Trong ngày 22.3, ông L. được kết nối Zalo và làm việc với rất nhiều người mặc sắc phục công an tự xưng là Công an TP.Đà Nẵng, Bộ Công an để được hướng dẫn giúp đỡ, giải oan. Đến cuối giờ chiều cùng ngày, ông L. đã thực hiện tất toán 5 sổ tiết kiệm của bản thân và mẹ ông (tổng số tiền 3,6 tỉ đồng) theo hướng dẫn của nhóm "công an" để xác minh. Cuối cùng, ông L. bị lừa đảo mất 3,6 tỉ đồng.
Công an TP.Thủ Đức khẳng định không có cơ quan nhà nước nào làm việc qua điện thoại. Nếu có người tự xưng là Bộ Công an, viện kiểm sát, tòa án liên hệ với công dân qua điện thoại để làm việc, người dân cần yêu cầu gửi giấy mời và trực tiếp đến làm việc.
Đủ kiểu lừa đảo qua điện thoại
Chiêu trò giả danh cơ quan chức năng gọi điện thoại để lừa tiền không mới, nhưng vẫn có nhiều nạn nhân mắc bẫy như vụ việc nêu trên. Nhiều bạn đọc (BĐ) kể lại trải nghiệm của bản thân khi nhận cuộc gọi lừa đảo. "Tôi nhận cuộc điện thoại từ người tên Tuấn, tự xưng là công an phường, nói định danh điện tử mức 2 của tôi bị sai. Người này đề nghị 8 giờ sáng hôm sau lên công an phường lấy giấy giới thiệu, lên công an quận làm lại định danh điện tử. Hôm sau tôi lên công an phường, người trực nói không có ai tên Tuấn. Bọn lừa đảo làm y như thật", BĐ Lan Trần Hoàng cho biết.
BĐ Truc Phuong ở TP.HCM bức xúc kể: "Tôi nhận điện thoại kêu lên phường ở Q.Bình Thạnh để sửa thông tin căn cước bị sai. Tôi nói mình ở quận khác, đâu có liên quan gì sao lại lên phường đó, kẻ giả danh còn nạt là sao chị hỏi nhiều vậy?!".
"Tôi bị các anh giả danh ở "Cục viễn vông" gì đó gọi đòi cắt số thuê bao do liên quan đến đường dây này nọ và bảo chuyển khoản miết. Tôi cho địa chỉ mời các anh đến xơi nước rồi nộp tiền mặt trực tiếp luôn mà đợi chẳng thấy ai đến cả. Các anh này làm ăn chán thật!", BĐ có địa chỉ email maymayhoang…@gmai.com hài hước thuật lại.
Trong khi đó, BĐ có nick name 24624 hoang mang: "Tôi từng bị hai đối tượng giả danh cán bộ địa phương gọi điện dụ sửa thông tin cư trú. Điều đáng nói ở đây là các đối tượng có số điện thoại, biết luôn họ tên và địa chỉ của tôi. Sao chúng có được những thông tin đó?".
Tỉnh táo để tránh bị lừa
Nhiều BĐ khẳng định hoàn toàn có thể nhận diện kịch bản lừa đảo ngay sau câu tiếp cận của đối tượng giả danh, như BĐ Vu Pham Nguyen khẳng định: "Lừa đảo kiểu này xảy ra hà rầm. Bọn chúng mạo xưng Bộ Công an, Viện KSND tối cao tôi còn không sợ. Vì mình tin vào pháp luật, tin vào bản thân không làm gì sai trái, sao phải nghe theo lời bọn chúng?".
Chia sẻ cách tránh nguy cơ bị lừa, BĐ Sơn Lương nêu kinh nghiệm: "Mọi người có thể chọn cách cài ứng dụng Truecaller để nhận diện cuộc gọi rác, lừa đảo. Tôi thì sau khi bắt máy vài lần gặp lừa đảo, giờ chọn cách không nghe số lạ nữa. Người cần liên lạc thì còn những hình thức khác".
"Tiền bị lừa mất trên mạng thì biết đường nào mà tìm lại được. Ngành chức năng và báo chí đã khuyến cáo nhiều rồi. Cơ quan nhà nước thì không làm việc qua điện thoại, còn tiền bạc thì không thể xác minh bằng cách chuyển qua tài khoản được", BĐ Handcop nhấn mạnh.
Người bị lừa chắc do ít đọc báo. Nhưng không hiểu sao bọn tội phạm biết trong tài khoản nạn nhân có nhiều tiền và biết cả thông tin cá nhân? Ai đã bán thông tin này cho bọn tội phạm?
Thiên Lê
Hình thức cuộc gọi hăm dọa nạn nhân L. y chang gọi dọa tôi, chỉ khác ở chỗ hù tôi phát tán tin phản động. Có điều tôi đã biết là lừa đảo nên tắt cuộc gọi và chặn số chúng luôn.
Trịnh Mạnh Hoạch
Báo chí nên đưa tin liên tục về vấn đề này. Đặc biệt nhấn mạnh không làm theo bất kỳ ai hướng dẫn qua điện thoại. Có chuyện gì thì đến thẳng các cơ quan chức năng làm việc.
SGGS
Bình luận (0)