Ngày 19.1.12024, mạng xã hội Facebook lan truyền nhiều đoạn livestream và video của một người đàn ông với nội dung bán thanh lý 7.000 xe máy vi phạm.
Tài khoản thực hiện các đoạn livestream và video có tên Đ.V.T. Tài khoản này đăng bài: "Cần thanh lý 7.000 chiếc xe như trên. Toàn bộ xe trên là xe bị bắt. Ai cần liên hệ em nhé".
Từ chuyện ‘hồn nhiên’ livestream bán 7.000 xe máy: Công an thanh lý tang vật thế nào?
Từ nội dung trò chuyện trong video mà người đàn ông này phát trực tiếp có thể thấy, anh ta đang rao bán 7.000 xe máy trong bãi xe vi phạm của công an. Video này đang được lan truyền khắp các mạng xã hội từ ngày 19.1.2024 đến nay.
Đáng chú ý, trên trang Facebook cá nhân, người đàn ông này đăng nhiều nội dung liên tục rao bán 7.000 xe kèm theo hình ảnh được xác định là bên trong kho xe tang vật của Đội Cảnh sát giao thông – trật tự Công an quận 11.
Người này cho biết nếu ai muốn mua xe thì người này bán sỉ từ 1.000 - 2.000 chiếc, giá 3 triệu đồng/chiếc. Ngoài ra người này cũng có thể dắt khách lên kho để xem xe và anh ta khẳng định công an sẽ lo hết giấy tờ. Lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an quận 11 cho hay, đơn vị đang phối hợp Đội Cảnh sát hình sự Công an quận 11 cùng các đơn vị chức năng vào cuộc xác minh.
Các đơn vị chức năng xác định đây là thông tin sai sự thật. Cụ thể, trước đó, một nhóm khoảng 5 người đàn ông vào Đội Cảnh sát giao thông – trật tự xem lô xe thanh lý. Lô xe này đã hoàn thành thủ tục quy trình bán đấu giá xe tang vật theo quy định. Lô chỉ có 232 chiếc, đa số là xe cũ, không có chủ đến nhận từ rất lâu. Tuy nhiên, người đàn ông này đã đi vào một khu vực khác của kho xe tạm giữ rồi phát trực tiếp, quay video đăng lên mạng xã hội.
Xem nhanh 12h ngày 20.1: ‘Hồn nhiên’ livestream bán 7.000 xe máy | Nhật Bản đổ bộ Mặt Trăng thành công
Từ vụ việc này, nhiều người thắc mắc về trình tự, thủ tục bán đấu giá, thanh lý các tài sản, phương tiện vi phạm hành chính bị thu giữ.
Theo thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, thì tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị thu giữ thuộc quyền sở hữu của công dân, đã được quy định rất rõ tại Hiến pháp năm 2013 và có các điều luật ràng buộc chặt chẽ. Do đó, lực lượng công an phải thực hiện nhiều thủ tục pháp lý trước khi đưa ra bán đấu giá.
"Đối với Công an thành phố, để tịch thu và tiến hành xử lý bán đấu giá, phải thực hiện qua nhiều bước và tốn thời gian, công sức. Thứ nhất là phải tổ chức xác minh, giám định số khung, số máy của phương tiện. Thứ hai là đăng báo tìm chủ sở hữu. Thứ ba là lập phương án xử lý, báo cáo về Bộ Công an qua Cục Nghiệp vụ. Khi Cục Nghiệp vụ (Bộ Công an) đồng ý thì Giám đốc Công an thành phố được ủy quyền sẽ phê duyệt phương án xử lý. Sau khi phê duyệt những bước trên thì tiến hành các thủ tục về bán đấu giá theo quy định", thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết thêm.
Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán đấu giá, thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm sẽ được sung công quỹ nhà nước.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, thông tin thêm, trong năm 2023, Công an TP.HCM đã tịch thu, bán đấu giá hơn 27.500 phương tiện vi phạm hành chính. Trong đó, riêng Phòng Cảnh sát giao thông đã lập hồ sơ tịch thu, đấu giá 6 đợt với hơn 19.000 phương tiện. Riêng đợt đấu giá lần 3 của Phòng Cảnh sát giao thông về bán đấu giá hơn 5.300 phương tiện vi phạm, thu hơn 4 tỉ đồng.
Bình luận (0)