Từ chuyện 'Trấn Thành hay khóc', người trẻ thắc mắc: Đàn ông khóc thì đã làm sao?

23/03/2023 09:32 GMT+7

Mấy ngày gần đây, câu chuyện Trấn Thành hay khóc lại tiếp tục được dân mạng đào xới. Để rồi từ đó, nhiều người trẻ lại bàn tán, bình luận về câu chuyện... khi người đàn ông khóc.

Từ chuyện 'Trấn Thành hay khóc', người trẻ thắc mắc: Đàn ông khóc thì đã làm sao? - Ảnh 1.

Trấn Thành khóc trong sự kiện vào ngày 21.3 do Đàm Vĩnh Hưng tổ chức

CHỤP MÀN HÌNH

"Trấn Thành hay khóc"

Mới đây nhất, tại một sự kiện vào ngày 21.3 do "ông hoàng nhạc Việt" Đàm Vĩnh Hưng tổ chức, Trấn Thành đã... nước mắt đầm đìa khi nói về áp lực của người hoạt động trong showbiz.

Đây không phải là lần đầu tiên Trấn Thành "mít ướt", bởi nam người nổi tiếng sinh năm 1987 này đã... khóc rất nhiều lần và liên tục bị dân mạng chỉ trích, châm chọc vì cho rằng Trấn Thành quá "mau nước mắt" và "đụng đâu khóc đó". Thậm chí, dân mạng đặt hẳn cái biệt danh cho Trấn Thành là... Thành Cry.

Chính Trấn Thành đã từng thừa nhận: "Tôi dễ khóc!". "Khóc xong nó nhức đầu thấy bà nội! Mũi thì nghẹt, mắt thì sưng, phấn thì trôi, mặt mũi ngu. Tôi cũng tự giận và chán ghét bản thân mình lắm rồi đây này!", Trấn Thành nói thêm.

Trấn Thành giải thích về việc hay khóc của mình: "Tôi thừa nhận tôi là một người không quá giỏi trong việc kiểm soát cảm xúc của mình. Mỗi khi tôi xúc động với cái gì đó, tín hiệu nó báo lên não, não nó truyền lệnh xuống tuyến lệ, thế là tụi nó chui ra, tôi không ngăn lại được".

Cũng theo nam MC, diễn viên nổi tiếng này: "Bạn hãy tin là tôi đã cố gắng rất nhiều nhưng tôi làm không được. Bản chất tôi là như thế. Cứ hay đồng cảm, bao đồng, cảm cái này của người này, xót hoàn cảnh của người kia. Nhưng tôi luôn hạnh phúc và tự hào vì sự nhạy cảm này. Với tôi, nó là món quà từ thượng đế. Nó giúp tôi thăng hoa trong nghệ thuật để kể chuyện được bằng những góc nhìn mà người khác ít thấy. Nó giúp tôi tránh xa khỏi sự vô tâm, lãnh cảm và thờ ơ trước mọi thứ xảy ra với mình, dạy tôi biết cách yêu thương những người xung quanh dù lạ hay quen...".

Và cũng theo Trấn Thành: "Tôi hay khóc vì dễ xúc động. Tôi biết khóc nhiều là phản cảm nhưng không làm khác được".

Từ chuyện 'Trấn Thành hay khóc', người trẻ thắc mắc: Đàn ông khóc thì đã làm sao? - Ảnh 2.

Trấn Thành chia sẻ: "Tôi hay khóc vì dễ xúc động"

CHỤP MÀN HÌNH

Đàn ông có nên khóc?

Từ câu chuyện Trấn Thành hay khóc, dân mạng lại có dịp để "tám chuyện": đàn ông thì có nên khóc? Và tưởng chừng đây là một câu chuyện vô thưởng vô phạt, nhưng lại thu hút sự bàn tán nhiệt tình của nhiều người.

Lê Thanh Quang, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nói: "Đàn ông khóc thì đã làm sao? Đàn ông hay phụ nữ cũng đều là con người, đều có những cảm xúc buồn vui. Khi vui sẽ cười, và khi buồn sẽ khóc. Đừng quá ác cảm với những người mau nước mắt. Bản thôi tôi cũng nhiều lần khóc. Khóc vì nhớ nhà, khóc vì kết quả học tập không như ý, khóc khi có chuyện bất trắc xảy ra".

Anh Đỗ Văn Thủy (33 tuổi), nhà ở 196 Trần Xuân Soạn, Q.7, TP.HCM, nói rằng không nên gắn nhãn "mít ướt" hay "yếu đuối" đối với những người đàn ông hay khóc. "Đàn ông khóc là lúc họ phản ứng với những cung bậc cảm xúc. Đừng nghĩ rằng khóc sẽ khiến đàn ông bớt nam tính, tăng sự yếu đuối đối với đàn ông. Ai cũng có quyền được khóc", anh Thủy nói.

Chị Nguyễn Thị Thúy Hạnh (31 tuổi), nhà ở block A10 chung cư EHome 3, Q.Bình Tân, TP.HCM, nói rằng: "Chồng tôi cũng thi thoảng khóc. Khóc là một cách để anh ấy giải tỏa stress. Tại sao lại dễ dàng xem mọi chuyện là bình thường nếu phụ nữ hay trẻ em khóc mà lại chỉ trích đàn ông khóc? Tôi cho đó là điều không công bằng. Đừng định kiến khi người đàn ông khóc".

Mặc dù vậy, vẫn có những quan điểm ngược lại, cho rằng đàn ông vốn dĩ cần thể hiện sự bản lĩnh, nên cần "nói không với nước mắt", hoặc "nên hạn chế khóc".

"Đàn ông phải biết kiềm nén cảm xúc, chứ không thể bộc lộ cảm xúc đau buồn qua những giọt nước mắt. Đàn ông là chỗ dựa cho phái nữ, cần phải mạnh mẽ", Đỗ Thúy Quyên, sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, chia sẻ.

Còn theo Trần Nguyễn Minh An (27 tuổi), nhà ở hẻm 284 Lê Văn Sỹ, Q.3, TP.HCM: "Mình không muốn thấy những giọt nước mắt của đàn ông. Nhất là những người đàn ông hay khóc thì càng dị ứng. Có thể họ gặp những điều không vui trong cuộc sống, nhưng có nhiều cách để giải tỏa nỗi buồn thay vì khóc. Chứ đụng đâu khóc đó, gặp chuyện buồn gì cũng khóc thì thật sự rất... ẻo lả. Nhìn đàn ông khóc, mình thấy rất kỳ cục".

Từ chuyện 'Trấn Thành hay khóc', người trẻ thắc mắc: Đàn ông khóc thì đã làm sao? - Ảnh 3.

Ronaldo khóc khi chia tay World Cup 2022

AFP

Trước những luồng ý kiến trái chiều, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh Tuyết (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng câu chuyện đàn ông khóc là bình thường trong cuộc sống. Đừng áp đặt đàn ông là phải giấu nước mắt vào bên trong, không được tuôn lệ...

"Đừng quá khắt khe đến mức lấy chuyện khóc trở thành thước đo cho sự nam tính, mạnh mẽ của đàn ông. Nước mắt không phải là đặc quyền của bất kỳ phái nào cả. Đàn ông khóc không phải là yếu đuối. Đàn ông cũng có thể trải qua những hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời, và khóc chính là cách họ phản ứng với những cảm xúc ấy", bà Tuyết nói.

Bà Tuyết cũng chỉ ra câu chuyện về những cầu thủ bóng đá nổi tiếng thế giới như Ronaldo hay Messi cũng từng nhiều lần khóc khi trải qua những thất bại trên sân cỏ. Trong những khoảnh khắc ấy, những siêu sao này bị cho là yếu đuối. Thế nhưng cũng là Ronaldo và Messi trong những trang phục thời trang lại được hết lời ngợi khen "quá nam tính", "rất mạnh mẽ"... "Từ đó có thể thấy, nước mắt không phải là thước đo về độ vững vàng của một con người. Đàn ông khóc không phải là yếu đuối. Đừng vội ném vào họ những cái nhìn phiến diện. Khóc hay không khóc, khóc ít hay khóc nhiều là chuyện không hề liên quan đến giới tính", bà Tuyết phân tích.

Cũng theo chuyên gia tâm lý này, khóc là điều cần thiết mỗi khi cần giải quyết nỗi buồn, khi rơi vào những trường hợp tuyệt vọng, đau khổ. Chính những giọt nước mắt sẽ làm xoa dịu những nỗi đau. "Vậy nên đừng cấm đoán và bắt đàn ông không được khóc. Hãy tôn trọng với cảm xúc của bất kỳ ai. Còn với đàn ông, đừng ngại nếu khóc!", bà Tuyết chia sẻ thêm.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.