Từ đầu tháng 7 đến nay, mỗi ngày TP.HCM ghi nhận hơn 1.100 ca nhiễm Covid-19

14/07/2021 20:01 GMT+7

Qua xét nghiệm tầm soát diện rộng, có trọng tâm, trọng điểm, TP.HCM đã phát hiện nhiều ổ dịch mới, trung bình mỗi ngày ghi nhận 1.140 ca nhiễm Covid-19 .

Chiều 14.7, UBND TP.HCM đánh giá hiện tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM vẫn còn diễn biến phức tạp. Từ ngày 27.4 đến 6 giờ ngày 14.7 có 17.239 ca nhiễm trong cộng đồng được Bộ Y tế công bố, có 130 trường hợp tử vong, 168 ca xuất viện. Như vậy, từ ngày 1.7 đến nay, trung bình mỗi ngày phát hiện 1.140 ca bệnh.

Bản tin Covid-19 ngày 14.7: Cả nước "kỷ lục" gần 3.000 ca, TP.HCM siết mạnh nhiều biện pháp phòng dịch

Từ 6 giờ ngày 13.7 đến 6 giờ ngày 14.7, TP.HCM ghi nhận 2.144 ca nhiễm. Trong số này, 496 trường hợp trong khu phong tỏa; 1.136 trường hợp trong khu cách ly; 22 trường hợp cách ly tại nhà; 170 trường hợp khi tầm soát cộng đồng, mở rộng khu vực xét nghiệm; 313 trường hợp tầm soát, sàng lọc tại bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh và 7 trường hợp phơi nhiễm nghề nghiệp.
Hiện TP.HCM đang điều trị 18.313 trường hợp dương tính mới, có 251 ca đang thở máy, trong đó có 7 trường hợp cần can thiệp ECMO.
Về công tác xét nghiệm, từ ngày 25.6 đến ngày 14.7 đã xét nghiệm kháng nguyên nhanh 935.587; đã lấy 1.931.664 mẫu thực hiện xét nghiệm RT-PCR (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao,...). TP.HCM hiện đang cách ly tập trung 14.586 người và cách ly tại nhà 37.025 người (tổng cộng lũy kế 120.061 người).

Tối 14.7: Thêm 3 bệnh nhân Covid-19 tử vong ở TP.HCM và Long An

Nâng cao năng lực cách ly, điều trị

Hiện TP.HCM đã thành lập Sở Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 đặt tại trụ sở UBND TP.HCM để theo dõi, xử lý nhanh chóng tình hình dịch bệnh trên địa bàn; trong đó Chỉ huy trưởng là Chủ tịch UBND TP.HCM.

TP.HCM hiện đang tổ chức cách ly, phong tỏa nhiều khu vực để tầm soát, truy vết F0 trong cộng đồng

Ảnh: Sỹ Đông

Nhằm thực hiện nhiệm vụ điều phối, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2, TP.HCM đã thành lập Trung tâm Điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 do 1 Phó chủ tịch UBND TP.HCM là Trưởng trung tâm.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng thành lập trung tâm thông tin, phân tích dữ liệu để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; Thành lập Trung tâm mua sắm trang thiết bị y tế tạm thời trong thời gian đại dịch để kịp thời mua sắm trang thiết bị cần thiết theo hình thức chỉ định thầu. Ngoài ra, TP.HCM cũng thành lập trung tâm điều phối, tổ chức tiêm vắc xin để thực hiện điều phối, kiểm tra, giám sát công tác tổ chức tiêm vắc xin cho người dân. 
Về năng lực cách ly, UBND TP.HCM cho biết ngoài 14 khu cách ly F1 ban đâu do thành phố quản lý (đã chuyển 3 khu thành khu điều trị F0) với quy mô 7.000 người còn có 88 khu cách ly tập trung cấp quận, huyện với sức chứa 10.000 người; đã vận động 55 khách sạn thực hiện cách ly có thu phí với sức chứa khoảng 4.000 người.

TP.HCM vận hành nhiều bệnh viện dã chiến để nâng cao khả năng thu dung, điều trị bệnh nhân

Ảnh: Độc Lập

Về năng lực điều trị, TP.HCM có tất cả 24 bệnh viện điều trị Covid-19 (đang hoạt động 19 bệnh viện, đang thiết lập 5 bệnh viện) với tổng quy mô gần 45.000 giường (hiện đang điều trị 16.757 người). Bên cạnh đó, TP.HCM đã đưa vào sử dụng một bệnh viện 1.000 giường hồi sức; qua đó nâng hệ thống các cơ sở chuyên tiếp nhận điều trị Covỉd-19 thành 4 tầng thay vì 3 tầng như trước đây.

Chạy vòng 20 km vẫn không giao được hàng vì vướng chốt phong tỏa Covid-19

Tổ chức tiêm vắc xin cho đối tượng dễ tổn thương

Về công tác tiêm vắc xin, qua 4 đợt tiêm, TP.HCM đã tiêm cho hơn 991.000 người (bao gồm hơn 48.000 người đã được tiêm mũi 2). Sắp tới, TP.HCM sẽ lập điểm tiêm chủng tại 312 trạm y tế, mỗi quận huyện tổ chức thêm một địa điểm tiêm chủng khác. TP.HCM dự kiến tổ chức 630 điểm tiêm chủng, 120 người cho một điểm tiêm mỗi ngày trong các khung giờ 8 - 13 giờ và 15 - 20 giờ hằng ngày.
Đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin lần này là những người dễ tổn thương và nằm trong các vị trí nguy cơ rất cao và nguy cơ cao trên các quận, huyện và các nhóm trong Nghị quyết 21. Dự kiến hoạt động tiêm chủng sẽ được diễn ra trong 2 - 3 tuần.

TP.HCM tổ chức kế hoạch tiêm chủng vắc xin Covid-19 trong 2 - 3 tuần

Ảnh: Độc Lập

Về các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, UBND TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đúng trọng tâm, trọng điểm và quyết định khu vực nào cần phong tỏa, khu vực nào cần xét nghiệm tầm soát diện rộng để phát hiện ổ dịch tiềm ẩn và xử lý kịp thời.
Việc lấy mẫu trong cộng đồng và khu công nghiệp phải đảm bảo giãn cách và 5K, tổ chức nhiều điểm lấy mẫu với quy mô nhỏ, theo khung giờ, không tập trung đông người để tránh lây nhiễm trong cộng đồng; riêng những vùng lõi của khu vực phong tỏa sẽ lấy mẫu ở hộ gia đình.

Siêu thị nói gì về chuyện người dân xếp hàng dài chờ đợi trong dịch Covid-19?

Chăm lo các hộ khó khăn

Về việc hỗ trợ chăm lo cho người dân, các quận, huyện và TP.Thủ Đức đã tập trung rà soát, lập danh sách các đối tượng được hỗ trợ đến nay giải ngân chi hỗ trợ gần 135 tỉ đồng. Đồng thời, các địa phương cũng chủ động vận động nhà hảo tâm, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn chăm lo cho các đối tượng khó khăn trên 135 tỉ đồng, bao gồm tiền mặt, hàng hóa, nhu yếu phẩm.
Ủy ban MTTQ VN TP.HCM và các tổ chức đoàn thể đã tích cực vận động các nguồn hỗ trợ khác cả trong và ngoài nước để tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống người dân nghèo, hộ khó khăn với tổng số tiền hơn 996 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.