Hòa ước thư 1860
Ngay sau khi đến Đà Nẵng nắm quyền chỉ huy đội quân Pháp, viên Đề đốc Page đã gửi đến triều đình Huế một số đề nghị về tự do thờ cúng, mở cửa ba hải cảng thông thương và được đặt đại diện Pháp ở Huế. Triều đình Huế né tránh mọi phúc đáp (Philippe Devillers, Người Pháp và người Annam bạn hay thù?, Ngô Văn Quỹ dịch, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2006, tr.97 - 98). Trước thái độ này, Page tiến hành các đợt bắn phá rồi giong buồm vào Nam kỳ và mở các cuộc thương thuyết mới.
Đại Nam thực lục chép sự việc hồi tháng 1 âm lịch năm Canh Thân (1860) rằng, “Thống soái của Tây dương là Va Du” cử người đến quân thứ Gia Định trao bản hòa ước thư gồm 11 điều khoản nhưng bị quan ở quân thứ là Tôn Thất Cáp bác bỏ, chỉ “chọn lấy 8 điều không quan ngại gì lắm tạm làm biên bản y cho. Còn 3 điều (cấp tờ hòa ước cho Y Pha Nho [tức Tây Ban Nha], đạo trưởng đi lại giảng đạo, sứ quan lập phố thông thương) không dám khinh suất y cho. Người Tây dương bèn tràn vào sông nhổ cừ sách, lên bộ dòm vào lũy. Rồi lại đến đóng ở chùa Mai Sơn [tức chùa Cây Mai]” (Đại Nam thực lục, tập 7, nhóm dịch, NXB Giáo dục, 2007, tr.649).
Liên quân Pháp - Tây Ban Nha đánh phá các công sự ngày 29.2.1860 trước khi rút khỏi bán đảo Sơn Trà |
Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp |
Nhận được tin báo về tình hình ở Gia Định, vua Tự Đức “lập tức mật dụ cho quân thứ Gia Định, một mặt lập tức đánh đuổi [quân Tây dương] không để cho ở một khắc nào; một mặt chỉnh đốn đồn lũy khí giới, phòng giữ nghiêm hơn lên” (Đại Nam thực lục, tập 7, sđd, tr.649).
Theo ghi chép của Léopold Pallu trong Nam kỳ viễn chinh ký 1861, viên Đề đốc Page ngay từ khi đến Sài Gòn đã vạch ra một phòng tuyến từ rạch Thị Nghè cho tới đồn Cây Mai và chủ trương chiếm chùa Cây Mai là do Page đề ra. Ông ta đã tổ chức đánh chiếm bốn ngôi chùa (chùa Cây Mai, chùa Khải Tường, chùa Kiểng Phước, chùa Ao) và biến chúng thành đồn lũy bao quát Sài Gòn.
Nguyễn Bá Nghi chủ trương hòa đàm
Từ bệ phóng phòng tuyến chùa, liên quân Pháp - Tây Ban Nha giành lợi thế trên chiến trường, sau đó liên tiếp hạ đại đồn Chí Hòa (24 đến 25.2.1861) rồi chiếm Mỹ Tho (12.4.1861).
Được tin báo đại đồn Chí Hòa thất thủ, vua Tự Đức chuẩn cho Thượng thư bộ Hộ Nguyễn Bá Nghi làm Khâm sai đại thần, quốc sử chép rằng “Nguyễn Bá Nghi từ khi mới đến quân thứ [Biên Hòa], cho là việc đánh hay giữ đều chưa tiện. Đã xin sai người giảng hòa làm kế hoãn binh” (Đại Nam thực lục, tập 7, sđd, tr.714).
Tác giả Léopold Pallu cho biết 20 ngày sau khi liên quân chiếm đại đồn Chí Hòa (nửa cuối tháng 3.1861), Nguyễn Bá Nghi cử sứ giả mang thư từ Biên Hòa lên Sài Gòn gặp Charner trên tàu Primauguet. Tuy nhiên, “trong bức thư đầu tiên này, đại diện triều đình Huế không chấp nhận bất cứ một điều khoản nào mà người Pháp đề nghị nhằm thiết lập mối quan hệ hòa hảo giữa hai vương quốc” (Léopold Pallu, Nam kỳ viễn chinh ký 1861, Thanh Thư dịch, DTBooks và NXB Hồng Đức, 2018, tr.170).
Theo học giả Trương Bá Cần, căn cứ vào tài liệu lưu trữ văn khố Bộ Ngoại giao Pháp, phúc đáp thư Charner (đề ngày 2.4.1861) do sứ giả mang về Biên Hòa, Nguyễn Bá Nghi giữ nguyên điều khoản về tôn giáo trong thư trả lời (ngày 6.4.1861) (Trương Bá Cần, Hoạt động ngoại giao của nước Pháp nhằm củng cố cơ sở tại Nam kỳ (1862 - 1874), Vũ Lưu Xuân dịch, TuvanBooks và NXB Thế giới, 2011, tr.42 - 43).
Sự việc thư từ qua lại này được nhắc đến trong quốc sử rằng Nguyễn Bá Nghi đem việc đưa thư đi lại với người Pháp làm tập tâu lên vua Tự Đức, vua đưa tờ tâu cho Trương Đăng Quế xem, bảo cứ ý nghĩ mà bày tâu. Trương Đăng Quế dâng sớ rằng “Người Tây dương [Pháp] ý muốn chiếm đóng Gia Định, lại muốn cắt lấy tỉnh [Định] Tường, tỉnh Biên [Hòa], yêu cầu như thế, sợ hòa cục không thành. Trừ ra việc chiến việc thủ, không có kế gì khác…” (Đại Nam thực lục, tập 7, sđd, tr.714).
Vua Tự Đức lập tức lệnh cho Nguyễn Bá Nghi đưa thư trả lời, đại ý thư rằng “Nước Tây dương [Pháp] đến đây, chỉ vì thông thương, lập phố, giảng đạo mà thôi. Không phải là tham đất đai của ta, nay đã được như nguyện, lại muốn cắt lấy Gia Định, là cớ làm sao? Nếu bảo là cứ lấy sức khỏe mà đánh lấy, thì cứ chiếm cứ không trả lại, còn cần phải đợi nước ta cắt mà giao cho làm gì?...” (Đại Nam thực lục, tập 7, sđd, tr.714).
Các tư lệnh quân thực dân Pháp chịu nhiều áp lực từ các thừa sai Công giáo, vì vậy vấn đề tự do thờ phụng là một trong số các điều kiện quan trọng hàng đầu để đàm phán. Khâm sai Nguyễn Bá Nghi, đại diện triều đình Huế, không đả động gì đến vấn đề tự do theo Công giáo (cho người ngoại quốc và bản địa) theo đề xuất của phía Pháp, động thái này được hiểu là sự nhân nhượng tạm thời trong bối cảnh quân Đại Nam đang thua thiệt trên chiến trường.
Chuyện cắt đất Gia Định, Định Tường bấy giờ được triều đình Huế chú trọng hơn, cũng là lý do giải thích cho nội dung Nguyễn Bá Nghi không phản bác gì về điều khoản tôn giáo trong thư trả lời. (còn tiếp)
Từ hòa đàm đến Hòa ước Nhâm Tuất 1862
Bình luận (0)