Về cơ cấu tổ chức, công ty sẽ có 8 phòng, 17 chi nhánh trực thuộc và cơ sở tại TP.HCM. Trong đó, có 4 chi nhánh Toa xe, 2 chi nhánh Đoàn tiếp viên đường sắt và 11 chi nhánh Vận tải đường sắt.
Bộ máy lãnh đạo công ty gồm HĐQT có 5 thành viên do ông Đỗ Văn Hoan làm Chủ tịch HĐQT; Ban điều hành có 5 thành viên do ông Đào Anh Tuấn làm tổng giám đốc.
Theo lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, việc sáp nhập 2 đơn vị vận tải nêu trên đánh dấu sự thay đổi lớn đối với vận tải đường sắt nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh vận tải đường sắt, giảm chi phí, giảm giá thành vận tải.
Công ty CP Vận tải Đường sắt cũng tập trung nguồn lực, tài chính, phương tiện vận tải để tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, tăng khả năng huy động vốn cho các kế hoạch phát triển vận tải đường sắt.
Công ty này đặt mục tiêu tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu từng bước mở rộng thị phần vận tải đường sắt cả về hành khách, hàng hóa. Bên cạnh hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt, sẽ tập trung phát triển kinh doanh các dịch vụ hỗ trợ để gia tăng giá trị sản phẩm, tăng doanh thu tạo thêm việc làm cho người lao động.
Đối với các cổ đông của Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn trước đây sẽ trở thành cổ đông của Công ty CP Vận tải đường sắt.
Mới đây, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã ký phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Theo đó, doanh nghiệp này phải thực hiện xong phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc, đảm bảo các doanh nghiệp và đơn vị được cơ cấu lại đi vào hoạt động ổn định, phát triển có hiệu quả.
Đồng thời, đạt tổng doanh thu hợp nhất 39.544 tỉ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất âm 866,6 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 2021- 2022 là âm 1.193,7 tỉ đồng, giai đoạn 2023 - 2025 lãi 322,8 tỉ đồng.
Bình luận (0)