Từ khi xăng tăng giá, nhiều hệ lụy

03/06/2022 19:00 GMT+7

Giá xăng tăng dẫn đến hệ lụy vật giá leo thang khiến đời sống của nhiều người lao động trẻ trở nên khó khăn hơn.

Khi xăng tăng giá, cái gì cũng tăng

Gần 1 tuần nay, anh Nguyễn Như Quỳnh (32 tuổi, ngụ chung cư 9View, P.Tăng Nhơn Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM) ở nhà nhiều hơn đi ra ngoài. Từ khi giá xăng tăng, trừ những ngày đi làm, anh hạn chế đi xe máy hết mức có thể để tiết kiệm chi phí.

Nhà cách nơi làm việc 14 km, anh Quỳnh cho biết mỗi ngày di chuyển đi về cũng mất khoảng 1 lít xăng. "Nếu mỗi ngày đều đi như vậy thì tôi phải chi vài trăm ngàn đồng tiền xăng mỗi tuần, như vậy cả tháng mất vài triệu. Không chỉ riêng tiền xăng, tôi còn phải đóng tiền điện, nước, tiền nhà và lãi vay ngân hàng, trong khi tiền lương thì vẫn dậm chân tại chỗ", anh Quỳnh chia sẻ. Do đó, anh chọn cách làm việc ở nhà và chỉ khi có việc quan trọng mới lấy xe chạy đi.

Nhiều bạn trẻ ngại đi xe máy trong thời điểm xăng tăng giá

Tuyết Rcom

“Tôi cảm nhận được sự ảnh hưởng của giá xăng đến vật giá và đời sống hằng ngày. Chẳng hạn, bình thường tôi ăn sáng tiết kiệm với món bánh cuốn bình dân giá 18.000 đồng/dĩa nhưng hôm nay đã tăng lên 20.000 đồng”, anh Quỳnh nói.

Còn Nguyễn Thị Thắm (28 tuổi, nhân viên văn phòng, làm việc tại Q.10, TP.HCM) cho rằng, giá xăng chỉ cần tăng 1.000 - 2.000 đồng/lít thì người lao động như cô phải "gánh chịu thiệt hại", cụ thể sinh hoạt phí hằng tháng tăng gần 1 triệu đồng/tháng do vật giá leo thang. Cụ thể, trước kia, mỗi tuần cô đổ đầy bình xăng chỉ khoảng 100.000 đồng nhưng gần đây là hơn 150.000 đồng. Như vậy, mỗi tháng, Thắm tiêu tốn thêm 200.000 đồng cho tiền xăng.

“Chưa kể, hệ lụy xăng tăng giá là giá cả những mặt hàng khác cũng tăng theo. Chẳng hạn, giá cơm văn phòng giá tăng từ 40.000 lên đến 50.000 - 60.000 đồng/phần; giá một tô bún bò tăng từ 40.000 lên 60.000 đồng. Tôi còn nhận thấy giá cả các loại hàng hóa, thực phẩm khác cũng tăng theo. Do đó, tôi phải tiêu tốn thêm 1 triệu đồng cho chi phí sinh hoạt hằng tháng”, Thắm chia sẻ.

Dè sẻn từng đồng vì đĩa cơm, bó rau đã “cập nhật” giá xăng

"Chóng mặt" vì những lần giá xăng tăng

Khi giá xăng tăng thì giá cả mọi thứ dù nhỏ nhất cũng tăng theo và điều này trở thành một vấn đề lớn đối với những người trẻ làm việc ăn lương hiện nay. “Giá cả thực phẩm ngoài chợ cứ tăng 2.000 - 5.000 đồng/món. Từ đó, tiền ăn mỗi ngày cho một gia đình 3 người của tôi tăng từ khoảng 300.000 đồng lên 400.000 đồng. Những khoản chi phí sinh hoạt cố định khác như tiền rác cũng tăng theo”, Đoàn Minh Chí (32 tuổi, nhân viên văn phòng làm việc tại Q.10, TP.HCM) cho hay.

Bạn trẻ phải thắt chặt chi tiêu vì vật giá leo thang

Dạ thảo

Anh Chí cho hay anh “chóng mặt” với những lần tăng giá xăng gần đây, trong khi đồng lương cứ "dậm chân tại chỗ" và không theo kịp giá xăng. Vì vậy, với những người trẻ như Chí, đây là một áp lực trong đời sống hiện nay.

"Tôi lo ngại nếu giá xăng tiếp tục tăng trong thời gian tới thì vượt qua giới hạn sức chịu đựng của những lao động trẻ. Do đó, tôi mong Chính phủ cần có những biện pháp cụ thể hơn để kiểm soát và ổn định giá xăng", anh Chí chia sẻ.

Bên cạnh đó, Nguyễn Thị Thắm cho rằng tiền lương năm ngoái khó tăng do dịch Covid-19 bùng phát, nhưng khi kinh tế dần dần khôi phục trong năm nay thì xăng lại tăng giá. "Tôi được biết nhiều công ty bắt đầu tính lại lương để đảm bảo thu nhập cho nhân viên, đáp ứng mức giá cả hiện nay nhưng thật sự không thể tăng theo giá xăng cứ tăng mỗi 2 tuần 1 lần được”, Thắm chia sẻ.

Còn Nguyễn Công Tín (30 tuổi, nhân viên văn phòng, ngụ TP.Thủ Đức) cho biết thu nhập hằng tháng của anh bao gồm lương cộng phụ cấp tăng thêm là khoảng 10 triệu đồng.

Anh phải thuê nhà nên chi phí mỗi tháng đều rất lớn. "Mỗi tháng, tôi phải chi nhiều khoản: 2 triệu đồng tiền thuê nhà; 4,5 triệu đồng tiền ăn, sinh hoạt phí; điện nước 1 triệu đồng. Tổng cộng khoảng 7,5 triệu đồng/tháng. Đó là chưa tính đến chi phí khác như thăm hỏi bạn bè, cưới xin, tiền gửi về biếu bố mẹ và thi thoảng mới dám mua quần áo mới", anh Tín chia sẻ.

"Mọi thứ đều tăng giá từ mớ rau, con cá cho đến chai nước tương, nước mắm, nhưng chỉ mỗi đồng lương là không tăng", nam nhân viên văn phòng này nói thêm.

Giờ đây, ngoài việc thắt chặt chi tiêu, anh Tín cũng như nhiều người lao động trẻ khác không biết phải xoay xở như thế nào. Anh Tín cho hay anh thường xuyên mang cơm tự nấu, cà phê tự pha tại nhà đến công ty để tiết kiệm chi phí.

"Với đà tăng giá như thế này, nếu giá nhà trọ lại tăng, điện nước tăng theo thì không biết chúng tôi sẽ sống kiểu gì. Những vấn đề nhỏ nhặt từ xăng tăng giá cộng lại trở thành một vấn đề lớn cho người trẻ", anh Tín nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.