Trong dự thảo quy định tiền lương tối thiểu mới đây, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất doanh nghiệp tính mức lương tối thiểu như sau: Doanh nghiệp (DN) hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I, mức lương tối thiểu 4,68 triệu đồng/tháng, tối thiểu theo giờ 22.500 đồng/giờ; vùng II, mức lương tối thiểu 4,16 triệu đồng/tháng, 20.000 đồng/giờ; vùng III, mức lương tối thiểu 3,63 triệu đồng/tháng, 17.500 đồng/giờ; vùng IV, mức lương tối thiểu 3,25 triệu đồng/tháng, 15.600 đồng/giờ.
Như Báo Thanh Niên đã đưa tin, đề xuất này của Bộ LĐ-TB-XH được đánh giá là quá thấp, quá lạc hậu và không đủ sống, có thể khiến người lao động bị chủ sử dụng ép trong thương thảo thu nhập. Nhắc đến vấn đề này, nhiều bạn trẻ cho rằng mức lương trung bình của họ hiện tại là quá thấp so với thực tế cuộc sống và không đảm bảo được sự phát triển trong tương lai.
Lương và phụ cấp chỉ đủ chi tiêu
Đoàn Minh Chí (32 tuổi, nhân viên văn phòng, ngụ Q.10, TP.HCM) chia sẻ mức lương tối thiểu cần được tăng lên trong bối cảnh vật giá leo thang, nhất là giá xăng.
Người lao động làm phục vụ tại nhiều quán cà phê ở TP.HCM hiện lương tối thiểu cũng 30.000 đồng/giờ |
Nhật Thịnh |
Theo anh Chí, mức lương trung bình của người trẻ hiện nay còn rất thấp đa phần chỉ là ở mức 7 - 8 triệu đồng/tháng, còn cao hơn thì trên dưới 10 triệu/tháng, thì chỉ vừa đủ sống, thậm chí là không thể tích lũy.
Anh Chí chia sẻ: "Mức lương của tôi là 12 triệu đồng/tháng sau thuế (thuộc hàng khá trong khối văn phòng), cộng thêm tiền lương của vợ là vào khoảng 10 triệu/tháng chỉ vừa đủ chi tiêu cho vợ chồng cùng một đứa con nhỏ”.
Phần chi tiêu nhiều nhất của một cá nhân hay gia đình trẻ hiện nay là thực phẩm, y tế, giáo dục, giao thông (xăng dầu), theo anh Chí. Cụ thể, anh Chí chi 6 triệu cho thực phẩm, y tế khoảng 2-3 triệu (tiêm chủng cho con), nhà trẻ kèm chi phí ăn uống/đi học khác của con (7 triệu), đi lại và sửa xe thì khoảng 2 triệu, còn lại là các chi phí phát sinh khác.
Còn Trần Thị Thu Diễm (29 tuổi, chuyên ngành xuất nhập khẩu ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, mức lương trung bình của khối văn phòng ngành xuất nhập khẩu hiện là từ 10 - 15 triệu/tháng tùy vào vị trí.
Với mức lương 15 triệu đồng/tháng, Diễm kể mỗi tháng cô phải trang trải nhiều chi phí như tiền nhà trọ và chi phí sinh hoạt (khoảng 9 triệu), tiền gửi cho gia đình ở quê (2 triệu), các chi phí xã hội là 2 triệu và còn lại khoảng 2,5 triệu (dùng để tiết kiệm hoặc mua quần áo hay những món đồ nhỏ).
“Hiện tại tôi nghĩ rằng bản thân chỉ có thể phát triển một ít trong tương lai như học vài khóa học, mua sắm vật dụng trong nhà, quần áo, trang thiết bị nhỏ... còn việc xa hơn như mua nhà thì chỉ là giấc mơ”, Diễm chia sẻ.
Lương thế này thì sao mua nhà
Theo Diễm, mức lương tại TP.HCM có thể cao hơn nơi khác nhưng việc mua nhà đối với người trẻ hiện nay là điều không thể.
“Chi phí nhà ở hay căn hộ ở TP.HCM bị thổi giá quá cao. Trung bình tầm 2 - 2,5 tỉ đồng/căn tại các quận huyện ngoại thành. Nếu mỗi tháng tôi cố tiết kiệm được 5 triệu thì đến tận 6 năm mới có khoảng gần 400 triệu để cọc tiền nhà. Sau đó, mỗi tháng tôi phải trả lãi và gốc cho ngân hàng khoảng 9 - 10 triệu trong vòng 20 năm. Như vậy, tôi không thể kham nổi nếu lương chỉ dừng ở mức 15 triệu đồng/tháng", Diễm chia sẻ.
Người trẻ cho biết khó có thể mua nhà với mức lương hiện nay |
Ngọc dương |
Đồng quan điểm trên, anh Chí cho rằng nhà ở xã hội với người trẻ còn khó mua, huống gì là căn hộ thương mại.
Thực tế cho thấy vợ chồng anh Chí sống bằng tiền lương hàng tháng và thỉnh thoảng mới có thu nhập tăng thêm nhờ vào làm thêm các dự án ở bên ngoài. "Có thu nhập tăng thêm nhưng đổi lại phải làm việc cả ngày, sức lao động bị bào mòn và mức thụ hưởng đời sống dưới trung bình. Do vậy, tôi không dám mơ đến chuyện mua nhà”, anh Chí nói.
Còn Phan Phú Mỹ (29 tuổi, làm việc trong lĩnh vực truyền thông, ngụ Nguyễn Công Hoan, P.7, Q.Phú Nhuận) xác định anh "chỉ sống kiếp ở trọ” vì giá nhà và bất động sản tỷ lệ nghịch với thu nhập hằng tháng của anh, trong khi thu nhập chỉ có 7 triệu/tháng. "Xu hướng người trẻ bây giờ sẽ đi du lịch, mua sắm và học cái mới hơn để trải nghiệm nên sẽ không lựa chọn “an cư” trong nợ nần", Phú Mỹ nói.
Tuy nhiên, anh cho rằng bản thân cần cải thiện nhiều hơn thay vì đổ lỗi cho vật giá. “Tôi nghĩ rằng tôi phải học, học ngoại ngữ và nhiều kỹ năng liên ngành thì may ra mới có thể cải thiện mức lương. Xu thế trở thành công dân toàn cầu đi khắp nơi làm việc sẽ tốt hơn là mua căn nhà, căn hộ rồi cắm chốt tại một thành phố”, Phú Mỹ chia sẻ.
Bình luận (0)