Trẻ nhất hội
Sinh ngày 10.9.2004, lúc rời Hà Nội sang London học cử nhân tài chính tại Trường Kinh doanh Bayes (Bayes Business School) của Đại họcThành phố London (City, University of London), Tiến còn chưa kịp đủ 18 tuổi.
Thông thường, học sinh ở Anh chỉ vào đại học khi đủ 18 tuổi, còn du học sinh nước ngoài thì hay "già" hơn do phải "học bù" để san bằng khác biệt trong hệ thống phân cấp giáo dục giữa các nước.
Chẳng hạn, học sinh Việt Nam thường xong THCS trong nước (phổ biến là 15 tuổi) thì sang Anh học 2 năm để lấy bằng tốt nghiệp phổ thông GCSE (General Certificate of Secondary Education) rồi thêm 2 năm học dự bị đại học (gọi tắt là A-Level) hay chương trình tú tài quốc tế (International Baccalaureat - IB); hoặc xong THPT trong nước (18 tuổi) rồi qua Anh học A-Level/ IB trước khi vào đại học. Như vậy, du học sinh Việt Nam bước vào đại học Anh thường ít nhất phải 19 tuổi.
Nhưng Tiến không đi con đường như vậy. Trong lúc học THPT chuyên toán tại Trường Năng khiếu Trường đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, cậu đã tự tìm tòi, luyện thi chương trình A-Level quốc tế (International A-Level) do Hội đồng Anh tổ chức tại Việt Nam. Điều kiện để vào được đại học ở Anh với chứng chỉ A-Level quốc tế là cả 4 môn thi gồm toán, lý, hóa và toán cấp cao phải đạt điểm A.
Nhưng Tiến đã đạt điểm A* cho cả 4 môn!
"Thi A-Level quốc tế không đơn giản như thi đại học ở Việt Nam, mỗi môn phải thi trong 3 ngày, gồm 2 ngày lý thuyết và ngày cuối thực hành, viết bài luận. Trong khi Việt Nam đặt nặng yếu tố kiến thức nên hình thức thi đa phần là chọn câu trả lời đúng, thì phía Anh đề cao khía cạnh nhân văn và trí tuệ cảm xúc (EQ), yêu cầu thi viết rất nhiều. Thi toán, lý, hóa mà cũng viết luận!", Tiến chia sẻ trải nghiệm thi với người viết bài qua cuộc gọi phỏng vấn video.
Lấy được chứng chỉ A-Level, Tiến nộp hồ sơ vào 5 đại học hàng đầu của Anh và được trường Bayes chấp nhận. Nên vừa xong THPT ở Việt Nam là cậu sang Anh gia nhập làng đại học ngay.
"Hồi đó thú thật là tiếng Anh của em chưa tốt như bây giờ, nên bài luận về mục tiêu học tập em nộp vào các trường tương đối sơ sài. Vì vậy em không được những trường top 1 của Anh như Ofxord, Cambridge hay London Business School nhận. Tuy nhiên, Bayes của ĐH London cũng thuộc top 2 rồi", Tiến tỏ ra hơi tiếc nhưng cũng tự nhủ việc mình học như thế nào có khi còn quan trọng hơn học trường nào.
Vào lớp tài chính ở Bayes, Tiến gặp thêm 3 sinh viên nữa từ Việt Nam. Trong tổng số khoảng 100 sinh viên của khoa, cậu là người nhỏ tuổi nhất.
Chương trình cử nhân của Anh thường kéo dài 3 năm. Một số chương trình cho phép sinh viên học 4 năm, trong đó năm thứ ba tự đi thực tập ở doanh nghiệp mà trường không quản lý.
Thay vì có thể hoàn thành chương trình trong 3 năm, Tiến quyết tâm tận dụng năm thực tập để làm việc, trau dồi kiến thức và kỹ năng thực tế, mở rộng quan hệ và xây dựng tương lai nghề nghiệp vững chắc trước khi tốt nghiệp.
Vì vậy, bắt đầu vào năm hai, Tiến rải đơn xin việc theo chương trình thực tập có lương 12 tháng (Student Placement Program) ở nhiều công ty.
Hơn 8 tháng trời vừa học, vừa đi làm thêm, vừa lo xin việc, không biết bao nhiêu hồ sơ đã gửi đi, bao nhiêu cuộc phỏng vấn đã diễn ra, nhưng đều thất bại, Tiến gần kiệt sức, có lúc tưởng phải bỏ cuộc.
Nhưng vào cuối tháng 6.2024, sau khi được một chị người Việt ở London hướng dẫn về kỹ năng trả lời phỏng vấn, Tiến đã được tập đoàn dịch vụ tài chính PRGX Global Inc. của Mỹ, chi nhánh Anh quốc, nhận. Ngày nhận thông báo được việc, Tiến đã bật khóc. Niềm vui vỡ òa!
Một khi được nhận vào chương trình thực tập này, thực tế là một dạng thử việc, coi như sinh viên đã có một chỗ làm chắc chắn trong tương lai, sẵn sàng cho việc trở lại làm việc chính thức sau khi tốt nghiệp.
Đầu tháng 7.2024, Tiến chuyển từ London sang Manchester để làm việc cho PRGX. Công việc của Tiến ở đây là dùng các kỹ thuật công nghệ tài chính để phân tích, tìm ra những sai sót trong hàng triệu hóa đơn của các tập đoàn kinh doanh, giúp họ truy thu hoặc trả lại tiền thu dư của khách hàng.
Trong số 30 sinh viên được PRGX nhận vào đợt này mà đa số là công dân Anh, Tiến vẫn là người nhỏ tuổi nhất.
Mức lương hơn 20.000 bảng Anh cho năm thực tập
Sinh ra tại Hà Nội trong một gia đình "chuẩn mực" có "bố bộ đội, mẹ giáo viên", Tiến rất ngoan và học giỏi từ bé.
Dù gia đình khá giả, cậu học sinh ở Trường THCS Cầu Giấy đã mày mò tìm cách kiếm tiền. Giỏi toán nên Tiến đi dạy kèm, tập giao dịch chứng khoán. Có đoạn, cậu còn đi làm kế toán cho một công ty sản xuất tại thủ đô.
Khi đi du học ở Anh, Tiến "phân công" rõ ràng với bố mẹ: Trong năm đầu tiên, bố mẹ sẽ lo toàn bộ học phí, tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt, để cậu tập trung toàn thời gian cho việc học và đi giao lưu, tìm hiểu bên ngoài nhằm xây dựng các mối quan hệ, làm quen với đời sống văn hóa, kinh tế của nước Anh, cách suy nghĩ của người bản địa, cách hội nhập của người nhập cư... Rồi từ năm hai trở đi, cậu sẽ tự lo chi phí cá nhân.
Tuy nhiên, chỉ sau nửa năm ở Anh, Tiến đã đi làm thêm và tự lo được sinh hoạt phí. Cậu làm việc cho một công ty chuyên tư vấn và hỗ trợ những người cần xin visa đến Anh hoặc muốn đi định cư tại Anh. "Thường thì sinh viên làm thêm ở Anh có 2 dạng. Nếu muốn kiếm nhiều tiền, mình có thể làm những việc tương đối tay chân như phục vụ nhà hàng. Còn muốn làm để học, để lấy kinh nghiệm thì làm việc văn phòng cho các công ty. Em chọn làm công ty, dù thu nhập ít hơn", Tiến chia sẻ.
Việc đi làm thêm giúp Tiến trở nên tự tin hẳn khi đi gặp gỡ, nói chuyện với những người lớn tuổi hơn: "Khi mình đã kiếm được tiền và tự lo được chi phí cá nhân, tự dưng nói chuyện với người lớn mình cảm thấy tự tin bởi có vẻ trưởng thành, chứ không phải như kiểu còn bé, phụ thuộc bố mẹ", Tiến thành thật.
Giờ đây, với mức lương hơn 20.000 bảng Anh (tương đương 646.140.540 đồng) cho năm thực tập tại PRGX, lại không đóng học phí, Tiến hoàn toàn không cần bố mẹ chu cấp, thậm chí có dư chút ít để dành cho năm học cuối.
"Cuộc chiến giữa các siêu sao"
Việc Tiến chọn đi học ở Anh với mức học phí năm đầu 22.000 bảng Anh (gần 750 triệu đồng)/năm là một "bất ngờ choáng váng" đối với gia đình cậu.
Trước đó, chọn lựa gần như đã được mặc định từ lâu là Tiến sẽ đi học ở ĐH Quốc gia Singapore (NUS) với mức học phí được Bộ Giáo dục sở tại trợ cấp (MOE Tuition Grant) chỉ bằng khoảng ½ học phí ở Anh, chưa kể là gần nhà và các chi phí khác cũng "mềm" hơn.
Điều đã khiến Tiến "quay ngoắt" từ Singapore sang Anh quốc là một câu chuyện cân não thú vị ở cậu học sinh chưa đủ tuổi thành niên.
"Ban đầu em cứ nghĩ NUS là nơi tốt nhất để học kinh tế rồi. Nhưng sau khi nói chuyện với những anh chị từng học ở Anh và Singapore thì em mới biết NUS không hợp với mình. Người ưa học và làm việc chuyên sâu về kỹ thuật như bác sĩ, kỹ sư thì có lẽ NUS là nơi rất tốt. Nhưng học kinh tế, đặc biệt là mảng tài chính như em thích, cần phải giao lưu với bên ngoài, tiếp cận với thị trường hàng ngày hàng giờ, thì London mới là nơi phù hợp", Tiến phân tích.
Tiến cho biết bản thân đã mất đến 2 tháng tự tìm hiểu về các trường trên thế giới thông qua website và trao đổi từ xa với sinh viên, cựu sinh viên của họ trong thư mục "Con người" (People), nhưng không biết được trường nào thực sự phù hợp với mình.
"Chỉ sau khi em hẹn uống nước và trao đổi trực tiếp được với một anh từng học ở Anh và một chị từng học ở NUS trong dịp họ về Việt Nam thì em mới biết NUS không phải là nơi em mong muốn", Tiến chia sẻ và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giao lưu, nói chuyện trực tiếp, thay vì chỉ đọc trên internet.
Nhờ sự xác quyết trực diện đó, Tiến đã thuyết phục được bố mẹ đồng ý cho "cú quay xe" bất ngờ và vô cùng tốn kém của mình.
Đến thời điểm này, hẳn bố mẹ Tiến hẳn đã hoàn toàn bị thuyết phục và tự hào về cậu con trai út của họ.
Trên trang lý lịch cá nhân ở mạng xã hội LinkedIn, Tiến vừa "khoe" trong gần 1 tháng làm việc cho PRGX, cậu và các bạn trong nhóm đã lùng ra và giúp tập đoàn siêu thị Sainsbury lớn thứ hai ở Anh quốc truy thu 135.000 bảng Anh chi phí bị thất thoát.
Bình luận (0)