Tự nguyện tháo dỡ công trình xây dựng trái phép

Hải Phong
Hải Phong
28/06/2023 08:23 GMT+7

Sau khi được tuyên truyền, vận động, khoảng 20 hộ dân ở H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã tự nguyện tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Theo ông Ung Đình Hiền, Phó chủ tịch UBND H.Bình Sơn, từ năm 2022 đến đầu năm 2023, trên địa bàn huyện có khoảng 20 hộ dân xây dựng công trình, nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp. Đa số tập trung ở xã Bình Thuận (H.Bình Sơn), vì ở đây là trung tâm Khu kinh tế Dung Quất.

Gia đình bà Trần Thị Hạnh (ngụ thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận) đầu tư gần 300 triệu đồng xây dựng quán karaoke trên đất nông nghiệp. Chính quyền địa phương phát hiện, xử lý vi phạm hành chính và yêu cầu gia đình bà Hạnh tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, trả lại nguyên trạng ban đầu.

Tự nguyện tháo dỡ công trình xây dựng trái phép - Ảnh 1.

Một công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp được người dân tự nguyện tháo dỡ

HẢI PHONG

Với phương châm "mưa dầm thấm lâu", chính quyền địa phương đã thành lập tổ công tác đến gia đình bà Hạnh để tuyên truyền, vận động. Đến nay, gia đình bà đã hoàn tất việc tự tháo dỡ, trả lại nguyên trạng khu đất.

Còn gia đình ông Trương Quang Phúc (ngụ xã Bình Thuận) xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp với diện tích 75 m2. Chính quyền địa phương phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính, buộc gia đình ông Phúc phải khôi phục tình trạng ban đầu của đất. Gia đình ông chấp hành nộp phạt hành chính nhưng vẫn chưa khắc phục hậu quả vi phạm. UBND H.Bình Sơn đã tổ chức đối thoại, giải thích vận động nên ông Phúc đã tự tháo dỡ công trình nói trên.

Ông Đỗ Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, cho biết từ năm 2022 đến đầu năm 2023, trên địa bàn xã có 8 hộ dân xây dựng công trình, nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp khi chưa chuyển mục đích sử dụng. Khi bị buộc tháo dỡ những công trình này, một số hộ bức xúc, không đồng tình. UBND xã đã cùng lãnh đạo mặt trận, hội đoàn thể tuyên truyền, vận động về ý thức chấp hành pháp luật, sử dụng đất đúng quy định của pháp luật.

"Trên cơ sở chỉ đạo và thực hiện tốt công tác vận động, tuyên truyền, cả 8 trường hợp thuộc diện phải tổ chức cưỡng chế đã tự nguyện tháo dỡ, trả lại nguyên trạng ban đầu của đất. Đây là kết quả tích cực từ sự quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tuân theo quy định của pháp luật", ông Huấn nói.

Theo ông Ung Đình Hiền, chính quyền địa phương mong muốn người dân trong Khu kinh tế Dung Quất nói chung và đặc biệt ở các xã: Bình Thuận, Bình Thạnh, Bình Đông và Bình Trị cần tuân thủ quy định của pháp luật, không thực hiện hành vi vi phạm luật Đất đai dẫn đến gây khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Việc xây dựng trái phép sẽ gây thiệt hại cho người dân về sau này khi cơ quan chức năng tổ chức cưỡng chế. 

Yêu cầu xử lý dứt điểm tình trạng xây dựng trái phép

Đầu năm 2023, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi tích cực, chủ động phối hợp với UBND H.Bình Sơn rà soát toàn bộ các trường hợp xây dựng nhà trái phép, vi phạm về quản lý đất đai để báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý nhằm phục vụ công tác triển khai thực hiện quy hoạch và thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu Chủ tịch UBND H.Bình Sơn có giải pháp quyết liệt chấn chỉnh và xử lý dứt điểm tình trạng này. "Nếu địa phương nào để người dân xây dựng trái phép thì xử lý kỷ luật Chủ tịch UBND cấp xã đó", ông Minh nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.