Run run ngọc vỡ con tim này
Ai thêu gấm lên đồi hoang vu
Đào phai mấy kiếp thân em đọa đày.
Ai thêu gấm lên đồi hoang vu
Đào phai mấy kiếp thân em đọa đày.
Đó là những lời trong bài hát của MV Tứ phủ do nhà văn Nguyễn Khắc Ngân Vi viết, Hồ Hoài Anh phổ nhạc. Khoan nhắc đến những hình ảnh mang đậm tính văn hóa tâm linh hay hiệu ứng âm thanh cùng nhưng yếu tố khác làm nên Tứ phủ thì lời bài hát nghe qua có một chút mê hoặc, khiến người ta nổi da gà… Bởi một câu chuyện tình duyên lận đận thoáng mơ hồ, trăn trở, xót xa và đầy mộng mị.
|
Chia sẻ về cảm hứng viết lời cho Tứ phủ, Nguyễn Khắc Ngân Vi cho biết: “Lúc viết lời tôi đọc nhiều tư liệu về tín ngưỡng Mẫu. Câu chuyện của những người phụ nữ trong tín ngưỡng Mẫu cho tôi nhiều cảm hứng. Nhưng chung quy đây là một tác phẩm âm nhạc thì mình cũng nên gieo cái riêng tư của mình vào đó. Vì cảm hứng chỉ nên là cảm hứng”.
Trên các diễn đàn mạng, nhiều người nghe xem qua Tứ phủ đều cảm nhận những giai điệu lạ, ma mị được kết hợp trên nền nhạc điện tử và âm hưởng dân gian. Phần hình ảnh được Hoàng Thùy Linh kết hợp với nhà thiết kế Công Trí, Stylist Hoàng Ku đầu tư công phu, tạo nên hình tượng một Thánh cô lấy cảm hứng từ hình tượng cô Bơ trong đạo Mẫu mà theo nữ ca sĩ cho biết: “Tôi cảm thấy nghẹt thở vì câu chuyện ấy, vì nét đẹp vĩ đại của người phụ nữ vượt ra khỏi những khuôn mẫu thông thường. Phụ nữ Việt dù ở thời đại nào vẫn giữ tấm lòng son. Tôi không tự cho mình có sứ mệnh gì cao đẹp nhưng mong muốn đưa câu chuyện từ huyền tích trên vào một bài hát đương đại".
Sau khi ra mắt, Tứ phủ cũng vướng nhiều tranh cãi khi một số người cho rằng Hoàng Thùy Linh và ê-kíp không hiểu đúng về đạo Mẫu từ hình ảnh lẫn ca từ. Cũng như cách phục sức, thần thái của nữ ca sĩ không giống với hình ảnh cô Bơ trong đạo Mẫu. Bên cạnh đó, một số người cũng chỉ trích việc đưa văn hóa tâm linh có ý nghĩa thiêng liêng vào âm nhạc giải trí là không phù hợp. Nhưng theo cách lý giải của Hoàng Thùy Linh thì cô được truyền cảm hứng từ một huyền tích của đạo Mẫu về một vị Thánh cô giúp vua Lê chống giặc ngoại xâm. Vị Thánh cô đã đợi chờ người quân tử nhưng duyên phận bẽ bàng, tình duyên lận đận nên cho đến khi chết đi vẫn một lòng trung trinh, son sắt. Dân gian truyền rằng vị Thánh cô vốn là người nhà trời, giáng thế để giúp vua giữ nước nên phải trở về sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
|
Và theo chia sẻ của nhà văn Nguyễn Khắc Ngân Vi thì cô viết lời nhạc không mô phỏng lại Mẫu mà lồng ghép vào đó câu chuyện tình yêu của người phụ nữ. “Nếu chỉ viết thơ mô phỏng lại tín ngưỡng thì tẻ nhạt quá. Vì vậy tôi đã viết một câu chuyện tình yêu”, Ngân Vi cho biết.
Dù tên của MV là Tứ phủ đại diện cho Thiên - Địa - Thoải - Nhạc trong tín ngưỡng thờ Mẫu và hình ảnh cô Bơ chỉ đại diện cho một vị Thánh cô của Thoải phủ nhưng theo chia sẻ về tứ sâu xa và cơ bản của người viết lời nhạc thì đó đơn thuần là hình ảnh một người phụ nữ mang số phận tình duyên không như mong muốn. Và cô Bơ chỉ là hình ảnh truyền cảm hứng, ý tưởng khởi nguồn cho một câu chuyện tình yêu đầy mộng mị được đưa vào âm nhạc.
Sự trở lại lần này của Hoàng Thùy Linh sau Bánh trôi nước, Để mị nói cho mà nghe, cô vẫn giữ được sự táo bạo, phóng khoáng trong các sản phẩm của mình. Đến Tứ phủ dù lấy cảm hứng từ hình tượng văn hóa tâm linh đưa vào âm nhạc gây nhiều tranh cãi và có chút mạo hiểm nhưng không thể phủ nhận sự sáng tạo mới lạ, độc đáo, kết hợp giữa dân gian và đương đại tạo nên một sản phẩm hấp dẫn, có đầu tư. Chất giọng của Hoàng Thùy Linh cũng hoàn toàn phù hợp với ca từ và giai điệu trong Tứ phủ.
Người phụ người bạc tình phận này chua cay,
Này trời kia người có ai hay, hỡi khắp thế gian.
Em khóc cúi mặt Cửu Trùng Thiên
Nơi đây đại ngàn em chờ thiên thu
Trách phận vô duyên.
Mênh mênh mây nước không trôi về nguồn
Như anh không đến bên đời hoang vu
Và em đã biết kêu tên nỗi buồn.
Này trời kia người có ai hay, hỡi khắp thế gian.
Em khóc cúi mặt Cửu Trùng Thiên
Nơi đây đại ngàn em chờ thiên thu
Trách phận vô duyên.
Mênh mênh mây nước không trôi về nguồn
Như anh không đến bên đời hoang vu
Và em đã biết kêu tên nỗi buồn.
Nếu nghe những ca từ trên trong Tứ phủ, người ta sẽ đơn giản hình dung về một sự khoắc khoải nào đấy, sự cô đơn và đợi chờ của một tình yêu mang nhiều nỗi buồn rất đỗi đàn bà… Hơn nữa âm nhạc vốn vô chừng và cảm hứng. Để làm nên âm nhạc đôi khi chỉ là “mượn” một ý tưởng, hình ảnh, câu chuyện nào đó trong đời sống, văn hóa, lịch sử... Nên khi được biến hóa, kết hợp với nhiều yếu tố khác để làm nên một sản phẩm có đôi khi không “khớp” hoàn toàn cũng là điều nên thông cảm.
Nhà văn Ngân Vi: Câu chuyện của những phụ nữ trong tín ngưỡng Mẫu cho tôi nhiều cảm hứng
Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện ngắn với nhà văn Nguyễn Khắc Ngân Vi xung quanh việc viết lời cho ca khúc Tứ phủ.
* Cơ duyên nào để bạn và Hoàng Thùy Linh hợp tác trong MV Tứ phủ?
- Nhà văn Nguyễn Khắc Ngân Vi: Tôi và Linh có bạn chung là đạo diễn Quang Huy. Trong một lần đi ăn uống, hai người đó mới nói về cái ý tưởng MV Tứ phủ này. Tôi vốn chỉ muốn chuyên tâm viết tiểu thuyết và tham gia một số hoạt động điện ảnh mà tiêu biểu nhất là Gặp gỡ mùa thu của đạo diễn Phan Đăng Di sáng lập, nên không thường nhận làm những dự án khác. Vì đã có bài học để đời. Có lần nhận viết cuốn sách cho người bạn ca sĩ, nhưng phút cuối đành phải từ chối vì bận bịu viết sách của mình. Cũng may không bị giận lâu, vẫn có thể làm bạn nhau. Trường hợp MV Tứ phủ này thì chỉ có thể nói là bữa đó uống say kiểu gì, thấy Linh chơi vui quá, lại không biết nhìn thế nào mà thấy cô ấy rất… đẹp gái nên nhận làm luôn. * Được biết lần đầu tiên bạn “thai nghén” cho lời một bài hát, lại kết hợp với ê-kíp chuyên nghiệp, một Hoàng Thùy Linh được biết khá khó tính trong đầu tư sản phẩm, Vi có gặp áp lực hay khó khăn gì không? - Không có áp lực gì cả. Vì khi Linh nói về ý tưởng lấy cảm hứng từ tín ngưỡng Mẫu, thì mình bỏ thời gian ra tìm hiểu về tín ngưỡng này. Nhưng cũng chỉ là lấy cảm hứng chứ không phải mô phỏng gì. Mỗi người làm việc của mình, người viết lời, người phổ nhạc, người hòa âm phối khí… Tôi làm xong phần việc của mình là thôi. * Vai trò của bạn là viết toàn bộ lời bài hát để nhạc sĩ Hồ Hoài Anh phổ nhạc? - Sau hôm nói chuyện với nhau về thì tôi tập trung làm một bài thơ gửi cho Linh. Một thời gian sau Linh gửi cho tôi nghe bản demo. Anh Hồ Hoài Anh chỉnh sửa đôi chút cho phù hợp với âm nhạc. Tôi nghe xong demo thì hiểu nhạc sẽ như thế nào rồi, nên đoạn hai tôi viết dựa trên nền nhạc luôn. Còn bài rap thì tôi viết riêng một bài thơ khác cho phù hợp. Tôi rất thích cách ê-kíp xử lý đoạn rap ấy. * Thật ra khi nghe MV, lời bài hát đơn giản nói về một câu chuyện buồn của một phụ nữ (Thánh cô - cô Bơ), một chút cô đơn khi tình duyên lận đận, một chút xót xa nghe hơi ma mị nhưng nó chưa phải bị đẩy lên thành một bài hát mang yếu tố tâm linh - Đạo mẫu. Vậy khi bạn viết lời ca khúc này có chủ ý này không? - Lúc viết lời, tôi đọc nhiều tư liệu về tín ngưỡng Mẫu. Câu chuyện của những người phụ nữ trong tín ngưỡng Mẫu cho tôi cảm hứng nhiều. Nhưng chung quy đây là một tác phẩm âm nhạc, thì mình cũng nên gieo cái riêng tư của mình vào đó. Vì cảm hứng cũng chỉ nên là cảm hứng. * Để có ý tưởng viết lời cho Tứ phủ, bản thân Vi đã có những trăn trở hay tìm hiểu thế nào. Bởi khi đã ra một sản phẩm MV như Tứ phủ kết hợp cùng hình ảnh, trang phục… mang sắc màu tâm linh, tôn giáo nếu không kỹ lưỡng sẽ bị “soi” rất nhiều và tạo sự tranh cãi? - Đúng như chị nói, cái gì liên quan đến tôn giáo, tâm linh, văn hóa đều cần sự cẩn trọng. Vì thế tôi phải đọc và tìm xem nhiều trước khi viết. Nhưng thú thật, tôi không có trăn trở gì luôn. Mình cứ tìm hiểu rồi viết thôi. Vả lại, đây là dự án của một ê-kíp, mà Linh mới là nhân vật chính, mình cũng chỉ đóng một vai trò như bao người khác. Nếu có gì không ổn thì chắc chắc mọi người sẽ trao đổi với nhau để hoàn thiện. Đây không phải dự án của cá nhân tôi, như viết một cuốn tiểu thuyết chẳng hạn thì mình cần phải quyết định mọi thứ còn ở đây nhẹ nhàng hơn rất nhiều. * Nghe nói bạn mất 4 tháng để hoàn thành lời bài hát cho MV này? - Tôi cũng không nhớ nữa. Hình như mọi thứ diễn ra vào mùa hè năm ngoái, rồi sau đó tôi xách bao lô lên đường đi du học rồi. * Lời bài hát lạ, ý tứ sâu xa, ma mị… Với bạn điều đặc biệt nhất mà bạn muốn chuyển tải trong đó là gì? - Có một vài bạn đọc tiểu thuyết của tôi cũng nghe bài hát này, đã nhắn tin cho Tao Đàn (công ty phát hành sách - PV) cho tôi rằng: “Nghe phát biết ngay cô Vi hư ảo viết lời luôn, kiểu rất… đàn bà”. Tôi không cố ý truyền tải gì, nhưng cái gì có trong mình, là chính mình thì người ta sẽ tự động nhận ra. * Cảm ơn bạn về những chia sẻ thú vị! |
Bình luận (0)