|
>> Kỳ 21: Thuê đất nuôi tôm thành tỉ phú
>> Kỳ 20: Biến quýt hồng thành quýt kiểng
>> Kỳ 19: Thế chấp nhà để trồng nấm
Đến xã Long An hỏi nhà ông Phạm Văn Long (Ba Long) ai cũng biết. Bởi ông không chỉ là một nông dân sản xuất giỏi mà còn là người có những sáng chế làm nhiều người thán phục. Hôm chúng tôi đến, mặc dù còn rất sớm nhưng ông đã ra đồng. Cầm bông lúa sáng bóng, oằn ngả màu vàng óng trên tay, ông Ba Long nói: “Vụ này chắc chắn 10 tấn/ha. Đây là loại giống mà vợ chồng tôi đã bỏ công hơn 10 năm lai tạo có tên là LH8”.
Theo ông Ba Long, đặc điểm của giống LH8 là cứng cây, nhiều bông, tỷ lệ chắc hạt cao, hạt to, gạo xốp, cơm mềm ngon và đặc biệt là chống bệnh đạo ôn. Hiện giống lúa này đã được nông dân ở 3 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và Long An canh tác trên 5.000 ha và đang tiếp tục lai tạo tiếp giống lúa LH9 và LH10 để chống sâu bệnh, hy vọng sẽ thành công trong một vài vụ tới.
Ông Ba Long kể ông từng tốt nghiệp Trường trung học Kỹ thuật Vĩnh Long năm 1980 và công việc đầu tay là đi lắp đặt máy xay lúa. Sau đó, ông tự mày mò lắp ráp máy xay lúa, lò sấy, máy rê lúa đến nay cũng trên 300 cái ở các tỉnh ĐBSCL... Từ năm 1993, vợ chồng ông bắt tay vào nghiên cứu lai tạo giống.
Những năm qua, người dân địa phương thường xuyên thấy ruộng của ông Ba Long chia thành từng ô nhỏ, mỗi ô có màu sắc khác nhau, lúa ở các ô khác nhau cũng cây cao, thấp, lá xanh đậm, nhạt, hạt tròn, dài. Trong mỗi ô vuông đều có gắn biển với các chữ viết tắt LH8, LH9… xen giữa những tấm biển khác như “Ruộng SX giống”, “Điểm trình diễn”. Ai đặt chân đến ruộng của ông như lạc vào một trung tâm nghiên cứu giống lúa chứ không phải là thửa ruộng đơn thuần của nhà nông. Lý giải cho điều này, ông Ba Long bảo nghề lai tạo giống lúa rất vất vả, gian nan vì phải nắm vững kỹ thuật, theo dõi sát từng giai đoạn và làm khảo nghiệm trên đồng ruộng nhiều lần, tới 2 - 3 năm mới có được 1 giống mới thuần chủng.
Cho đến nay, vợ chồng ông đã lai tạo được 10 giống thuần chủng cho năng suất cao, gạo dẻo với tên đăng ký từ LH1 đến LH10 - viết tắt của chữ Long Hồ như một niềm tự hào về vùng đất đã sản sinh ra các giống lúa này. Các giống đều được khảo nghiệm tại địa phương để khẳng định phẩm chất và năng suất, với sự hỗ trợ của Trung tâm khuyến nông, Trung tâm giống cây trồng tỉnh Vĩnh Long và Trường ĐH Cần Thơ, riêng giống LH8 đã được gửi đi khảo nghiệm cấp quốc gia.
Mỗi giống lúa “ra lò” đều gửi gắm mong muốn của vợ chồng ông Ba Long là giúp bà con nông dân đạt năng suất cao, chất lượng tốt và sống được trên mảnh ruộng của mình.
Thanh Đức
>> Máy sấy lúa tự động
>> Học trò trường làng chế máy sấy lúa
>> Xây dựng nhà máy sấy lúa theo công nghệ hiện đại
Bình luận (0)