Từ tay vợt có tiếng đến chốn lề đường vé số Thanh Đa: Ấm lòng cùng hậu bối tên tuổi

24/04/2022 12:37 GMT+7

Ở thập niên 1960, ông Đinh Ngọc Nga là một vận động viên bóng bàn có thành tích tốt ở miền Nam Việt Nam. Ở tuổi U.80, ba năm qua ông vẫn vất vả mưu sinh bằng việc bán vé số trên cầu Kinh (quận Bình Thạnh, TP.HCM).

Cả đời gắn với bóng bàn

Sinh năm 1946, Đinh Ngọc Nga lúc 15 tuổi đang học lớp đệ tam (lớp 10 hiện nay) ở Trường trung học Võ Tánh Nha Trang thì được chọn vào Sài Gòn tham dự vòng chung kết “Giải bóng bàn sinh viên học sinh VN” tranh Cúp của báo Tiếng Chuông. Đây là giải đấu có khoảng 500 SV-HS các tỉnh miền Nam VN tranh vòng loại để chọn 100 tay vợt về Sài Gòn dự vòng chung kết.

Lần đầu dự giải lớn, Đinh Ngọc Nga bất ngờ thi đấu xuất thần để vinh dự có mặt trong trận chung kết. Đêm 24.12.1961, ở trận cuối cùng kéo dài quá nửa đêm qua lễ Giáng sinh này, Ngọc Nga chỉ chịu thua sát nút 2-3 trước đại diện nặng ký của Sài Gòn là Cao Lê Hùng (sau này là vô địch miền Nam VN năm 1969).

Không đoạt cúp nhưng tay vợt miền Trung được báo giới Sài Gòn ca ngợi có những quả “tiu” mạnh như vũ bão làm dậy sóng nhà thi đấu Tinh Võ ở Chợ Lớn. Từ đó, Đinh Ngọc Nga được mạnh thường quân Võ Văn Ứng (Giám đốc nhà thuốc Võ Văn Vân nổi tiếng thời đó) lo toàn bộ chi phí ăn ở để mời trụ lại Sài Gòn, được các danh thủ Sài Gòn huấn luyện thêm nên tiến bộ nhanh.

Cậu học trò quê gốc Quảng Bình này còn được học văn hóa ở trường Pétrus Ký (Trường chuyên Lê Hồng Phong hiện nay), sau hai năm thì lấy được bằng Tú tài nhưng do hoàn cảnh gia đình nên phải trở lại Nha Trang.

Có chút tiếng tăm về bóng bàn, ông được Quân y viện Nha Trang đặc cách cho vào làm “lính kiểng” với công việc văn thư nhẹ nhàng; chiều tối còn được cầm vợt để tiếp tục đùa vui với quả banh nhựa. Ông Nga kể lại: “Nhờ vậy tôi vẫn giữ được phong độ tốt và đến năm 1968 được vào Đoàn Lực sĩ môn bóng bàn, xếp vào nhóm VĐV có mức nhận trợ cấp cao nhất là 8.000 đồng mỗi tháng, số tiền này có thể mua được khoảng nửa lượng vàng lúc đó”.

Ông Đinh Ngọc Nga ở cầu Kinh tối 17.4.2022

Đình Phong

Không suôn sẻ

Đánh bóng bàn giỏi, ông còn hưởng nhiều ưu đãi khác đến với mình. Thế nhưng, có vẻ như đoạn cuối đời của ông không còn trơn tru như lúc trẻ. Ông buồn bã kể, khoảng gần 15 năm trước “do không còn hợp nhau nữa” ông chia tay với người vợ và hai người con trở lại Sài Gòn sinh sống.

Ban đầu ông đạp xích lô chở khách rồi chạy xe ôm gần chục năm, sau đó cộng tác với một số Câu lạc bộ (CLB) bóng bàn – trong đó có CLB Nhà văn hóa khu phố 6 thuộc phường 26, quận Bình Thạnh - để vừa tập luyện vừa khỏi bị lạc hậu với các lối đánh và kỹ thuật mới.

Ở đây, ông còn có dịp giao lưu với các người lớn tuổi và kết hợp tập cơ bản cho một số bạn trẻ để có thu nhập tạm đủ sống.

PV báo Thanh Niên (bìa trái) và SV khoa Báo chí phỏng vấn ông Đinh Ngọc Nga tối 20.4.2022

Vi Trang

Cuối năm 2018, ông được mời về trông coi một CLB bóng bàn khác ở Bình Quới (P.27, Q.Bình Thạnh) tại Thanh Đa. Nhưng làm chưa đầy 3 tháng, ông lại phải tự xin nghỉ việc vì không còn ưng ý. Ngay đêm mùng 5 Tết Kỷ Hợi (2019), cùng với chiếc xe đạp cũ và ít vật dụng cá nhân, ông đạp xe đến gần giữa cầu Kinh lúc 10 giờ tối. Một tấm nhựa cũ được trải ra trên phần đường dành cho người đi bộ, tay chân ông ôm hờ khung xe đạp và giỏ xách rồi ngủ vùi ngay giữa trời.

Vợt bóng bàn, áo khoác và giày của ông Nga đã được thay mới

NHỰT QUANG

Bước ngoặt mới

Ông Nga chợp mắt được khoảng 4 tiếng thì có một thanh niên tên Bờm trên đường về nhà ở cư xá Thanh Đa dừng lại trên cầu Kinh có lời mời ông về nhà mình ngủ qua đêm. Khi ông thức dậy, anh Bờm có nhã ý tìm công việc mới cho ông nhưng cụ già “tuổi mụ” 77 buột miệng: “Tôi đang yếu lắm, chẳng biết làm gì, chắc tìm đường bán vé số để sống qua ngày thôi”.

Anh Bờm liền biếu ông một triệu đồng để làm vốn ban đầu và định bỏ tiền thuê nhà cho ông ở tạm một thời gian. Ông Nga rất mừng nhưng từ chối nhà thuê tạm mà chỉ nhận tiền hỗ trợ để gắn liền với bước ngoặt mới từ đó đến nay.

Khách qua đường tặng cơm hộp mời ông Nga ăn tối

NHỰT QUANG

Mỗi ngày ông Nga nộp cho đại lý vé số 880 nghìn đồng để nhận 100 vé số (bán ra 10 nghìn/vé), bán hết sẽ hưởng được 120 nghìn. Ban đầu mới ra bán, chưa có khách quen nên có nhiều ngày ông bán không hết. Có người nhìn ông khổ sở, áo quần lem luốc còn có vẻ coi thường ông; có khi còn gặp người xấu giật vé số trên đôi tay yếu ớt của cụ già này.

Nhưng rồi dần dần cũng có người hiểu ông. Có thể đó là những người cùng yêu thích môn bóng bàn như ông, hay chính cư dân sống ở Thanh Đa hàng ngày qua lại trên cầu Kinh. Lâu lâu, ông còn nhận được tiền lì xì từ những người bạn mới biết này.

Có lần một người mua vé số của ông trúng 3 giải an ủi số đặc biệt (150 triệu đồng) lì xì cho ông 3 triệu. Nhiều người đi từ hướng đường Ung Văn Khiêm vừa đi qua khỏi giữa cầu Kinh (chỗ ông ngồi bán vé số suốt hơn 3 năm qua) đã trao cho ông hộp cơm hay bịch nước sinh tố với ánh mắt cảm thông.

Tất cả vật dụng chất đầy trên xe máy

NHỰT QUANG

Hạnh phúc và ấm lòng

Được nhiều người hiểu mình hơn, ông cảm thấy có an tâm phần nào nhưng cuộc đời ông vẫn khó thoát kiếp lận đận khi gần hai năm phải sống trong đại dịch Covid-19 với nhiều hạn chế khi ra đường. May mà nhân đợt lễ 30.4 năm ngoái, ông được doanh nhân trẻ Trúc Phương vận động cộng đồng quyên góp tặng ông số tiền khá lớn để mua chiếc xe máy 50 phân khối hiệu DAELIMRC của Hàn Quốc và sắm sửa một số vật dụng cần thiết.

Hai sinh viên khoa báo chí trao đổi với ông Nga

NHỰT QUANG

Gần đây, trên trang Facebook “Chuyện của Sài Gòn” tối 17.4, anh Võ Đình Phong có đưa ảnh của ông Nga và giới thiệu cuộc gặp nhanh của anh với cụ già này với mong ước “Hãy giúp cho ông cụ 1 tờ vé số nhé” được lan tỏa trong cộng đồng. Có một số chi tiết trong tin ban đầu này chưa thật chính xác lắm nhưng hầu hết người đọc đều đồng tình là điều đó không quan trọng. Điều tác động nhất là anh Phong đã tìm ra và đưa ảnh của nhân vật lên mạng để mọi người có thể có những liên hệ hữu ích cho nhân vật và xã hội sẽ được sống tốt hơn.

Từ đó nhiều người đã nhận ra người mình từng quen biết. Đông đảo nhất là vẫn là “những người cũ” của bóng bàn muốn chung tay góp phần để tiền bối của mình bớt khó khăn trong việc mưu sinh. Nhanh chóng nhất là anh Đặng Trần Phú (từng đứng đôi với tay vợt Lê Đình Duy giúp đoàn TP.HCM đoạt chức vô địch đôi nam giải đội mạnh toàn quốc năm 2017) liên hệ rất nhanh với ông Nga. Thế là ngay sáng hôm sau 18.4 ông Nga đã có mặt tại shop Phú Sóc để nhận quà tặng gồm cây vợt mới với 2 mặt mút tốt của Đức, áo khoác da tốt và một số áo quần. Anh Phú còn làm trung gian để chuyển cho ông Nga đôi giày xịn hiệu ASICS là phần quà biếu của tay vợt từng 5 lần vô địch đơn nam quốc gia Đinh Quang Linh (nay là HLV đội tuyển quốc gia sắp tham dự SEA Games 31).

Từ Mỹ, cựu tuyển thủ quốc gia Trần Lê Mỹ Linh cũng góp vào 100 USD. Có bạn gởi đến ông một áo mưa với chất lượng rất tốt với lời nhắn thân thương: “Dạo này hay mưa, em gởi anh để anh có thêm điều kiện giữ ấm và bảo quản tốt các vật dụng cần thiết trong người”

Xòe vé số mời khách

NHỰT QUANG

Tối 20.4 tại dốc cầu Kinh hướng gần phía Thanh Đa, PV Thanh Niên đã thấy ông Nga tươi tỉnh hẳn lên so với những ngày trước. Đêm ấy, trên chiếc ghế xếp nhỏ xíu cùng với tờ giấy ghi kết quả xổ số các ngày gần đây, ông để thêm cây vợt mới được tặng, choàng áo khoác mới và đi đôi giày mới mà ông cho rằng “Đây là đôi giày tôi ao ước từ lâu, không ngờ đi êm dễ sợ. Vợt tôi cũng mới thử thì đã thấy ngon, đánh lên 3 bóng luôn đó. Tôi hạnh phúc và ấm lòng lắm”. Sau đó ông còn tất bật tiếp chuyện với hai 2 sinh viên năm thứ 3 khoa báo chí trường ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn TP.HCM, lâu lâu vẫn xòe các tấm vé số ra đường để mời khách mua ủng hộ.

Qua đó mới thấy ông cực kỳ mê bóng bàn. Ông còn tâm sự với tôi: “Thậm chí một trong những lý do tôi từ chối nhận nhà thuê tạm của anh Bờm vì tôi sợ nhà thuê ở xa CLB bóng bàn Yên Vượng (ở P.27. Q.Bình Thạnh) mà ông vẫn để dành mỗi buổi chiều cho hoạt động bóng bàn”.

Ông nhấn mạnh thêm “Những lúc được nghe tiếng ping-pong trên mặt bàn bóng chính là những giây phút làm cho tôi cảm thấy sảng khoái nhất trong đời mình, không thể bỏ được!”

Kiểm tra vật dụng trên xe máy

NHỰT QUANG

Ở tuổi già, gần như lúc nào cũng chỉ một mình ông lo toan mọi chuyện từ ăn, ở, sức khỏe đến công việc mưu sinh nhưng đến nay ông Nga có vẻ cảm nhận được mình không còn cô độc nữa. Ông đã nhận được sự chia sẻ từ những người cùng nghiệp bóng, bạn bè, người thân xa gần. Ông cảm thấy cuộc sống như được tiếp thêm sinh khí khiến cho những ngày qua ông vui hơn để bước tiếp đường đời và đường bóng bàn của mình. Chúc ông mạnh khỏe và thêm tin yêu cuộc sống.

CLB bóng bàn Yên Vượng

NHỰT QUANG

Những giây phút sảng khoái nhất trong đời

NHỰT QUANG

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.