Từ thiện thì phân biệt làm chi!

17/10/2017 07:00 GMT+7

Những ngày gần đây, nhiều báo phản ánh về hình ảnh sinh viên xếp hàng ăn cơm từ thiện 2.000 đồng/suất tại TP.HCM.

Trong đó có rất nhiều ý kiến trái chiều của các bạn sinh viên, người lao động và cả chủ quán cơm. Giữa những luồng thông tin đó, tôi thấy nổi lên một vấn đề là: Từ thiện thì phân biệt làm chi!
Câu chuyện bắt đầu khi anh V.T.A, một chuyên gia về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại TP.HCM, đăng tải bức ảnh các sinh viên đang xếp hàng chờ mua cơm từ thiện tại một quán cơm 2.000 đồng/suất trên đường Cống Quỳnh (quận 1, TP.HCM) lên facebook với dòng trạng thái tỏ vẻ bức xúc: “Hôm nay tôi sững sờ khi thấy hàng chục sinh viên xếp hàng để ăn cơm từ thiện. Sinh viên sức dài vai rộng cần phải biết tự trọng để không ăn cơm từ thiện của người nghèo hoặc cùng lắm thì thỉnh thoảng. Tôi cẩn thận hỏi các anh bên cạnh - các anh nói sinh viên hôm nào cũng tới đông lắm. Trong lòng xót xa!...”.
Đọc tới đây, tôi tự đặt câu hỏi là sao anh T.A biết chắc các bạn sinh viên đến đây thường xuyên khi chỉ hỏi qua loa vài người, mà dù các bạn sinh viên có đến ăn cơm 2.000 đồng/suất thường xuyên cũng là chuyện thường ngày ở huyện. Tại sao tôi nói vậy?
Thứ nhất: Sinh viên thì đa số nghèo kinh tế. Phần lớn sinh viên tại TP.HCM sống xa nhà, kinh tế chủ yếu do gia đình chu cấp. Theo tâm lý chung của các bậc phụ huynh, dù gia đình có khá giả đi nữa thì họ cũng chỉ gửi cho con khoản tiền đóng học phí, tiền thuê phòng trọ, một ít tiền tiêu vặt hằng tháng... Không phải là họ không muốn cho con ăn sung mặc sướng mà là vì họ lo con không biết giữ tiền, tiêu xài phung phí, sinh tật… mà thôi. Vì thế các bạn sinh viên cũng thường rơi vào cảnh "thiếu trước hụt sau".
Thứ hai: Sinh viên có quyền ăn. Trong bức ảnh do anh T.A đăng lên mạng, tôi thấy tại quán cơm có dòng chữ phục vụ sinh viên nghèo và người nghèo. Như vậy sinh viên cũng là đối tượng phục vụ của quán cơm này vì như tôi vừa phân tích ở trên, các bạn đa số nghèo kinh tế.
Thứ ba: Từ thiện đâu phân biệt. Đã là quán cơm từ thiện thì thường không phân biệt đối tượng phục vụ, không phân biệt sang hèn. Vậy sinh viên vào ăn quán cơm 2.000 đồng/suất có đáng phải lên án, trách móc... không? 
Cuối cùng, việc các bữa cơm từ thiện dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn không còn xa lạ gì với người dân TP.HCM. Và có thể chúng ta đã quen với hình ảnh người lớn tuổi xếp hàng ăn những bữa cơm 2.000 đồng, mà chưa quen với hình ảnh đó là các bạn trẻ, sinh viên. Chúng ta không nên vội phán xét khi chỉ là “người khách qua đường”, chưa biết rõ hoàn cảnh cụ thể của từng người. Một điều quan trọng hơn mà tôi tin là từ sự cởi mở, tấm lòng tử tế của những người làm quán cơm từ thiện sẽ ươm được những hạt mầm tốt cho tương lai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.