Tự tin gọi vốn mở doanh nghiệp

Mai Phương
Mai Phương
05/02/2019 09:27 GMT+7

Hàng loạt công ty khởi nghiệp (start-up) tại Việt Nam đã nhận rót vốn từ các doanh nghiệp, quỹ đầu tư trong và ngoài nước trong năm vừa qua.

Kỷ lục gọi được tiền chỉ sau 30 phút 

Chỉ mới chính thức hoạt động từ tháng 2.2018 nhưng Công ty TNHH Công nghệ Vận tải LGV (Logivan), công ty cung cấp ứng dụng kết nối trực tiếp chủ hàng và chủ xe đã được nhiều công ty rót vốn. Đây được xem là mô hình “Uber xe tải” của Việt Nam. Linh Phạm - người sáng lập, Giám đốc điều hành Logivan đã nảy ra ý tưởng hoạt động này khi quan sát thấy trên 70% lượng xe tải trở về công ty là rỗng.
Ứng dụng kết nối hoạt động vận tải hàng hóa được xem là "Uber xe tải Việt Nam" Logivan
Đầu năm 2018, Logivan chính thức được ra đời. Trong khi các ứng dụng giao hàng, vận tải trên thị trường hiện nay chủ yếu tập trung ở bước cuối cùng, đưa hàng đến tay người tiêu dùng thì Logivan chỉ tập trung vào phân khúc luân chuyển hàng hóa, giao nhận giữa các doanh nghiệp. Đánh giá về thị trường vận tải hàng hóa đường bộ Việt Nam, Logivan cho rằng, quy mô năm 2017 đạt khoảng 9 tỉ USD với một tỉ tấn hàng hóa, trong đó phương tiện xe tải chiếm hơn một triệu xe và tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường đạt 9,5%. Do đó, đây là mảnh đất màu mỡ để các công ty khởi nghiệp có thể tìm thấy cơ hội.
Với những cơ sở đó, và dù chỉ mới bắt đầu nhưng chỉ sau 2 tháng ra mắt, Logivan đã nhận được 600.000 USD vốn đầu tư từ quỹ Insignia Ventures Partners đến từ Singapore. Kể lại việc gọi vốn này, Linh Phạm còn cho biết  bản thân mình “đã bị sốc” vì tốc độ thành công ngoài tưởng tượng. “Đại diện quỹ đầu tư bay sang Việt Nam. Linh gặp chỉ trao đổi vỏn vẹn khoảng 30 phút và đã nhận được ngay cái gật đầu đồng ý từ phía quỹ đầu tư. 
Sau bước đầu thành công, việc gọi vốn của Logivan đã trở nên dễ dàng hơn. Đến tháng 9.2018, "Uber xe tải" của Việt Nam đã được 3 quỹ đầu tư Ethos Partners, Insignia Venture Partners và VinaCapital Ventures cùng rót thêm 1,75 triệu USD để tiếp tục mở rộng hoạt động, nâng cấp dịch vụ. Hiện Logivan đã kết nối được hơn 17.000 đầu xe tải, có nhiều khách hàng khác nhau và văn phòng ở cả TP.HCM và Hà Nội. Thời gian tới Logivan cũng sẽ đặt chân đến nhiều tỉnh thành khác trên cả nước.
Linh Phạm - nhà sáng lập Logivan từng bị "sốc" với kỷ lục gọi vốn trong vòng 30 phút Logivan

Không chỉ là ý tưởng 

Cooky.vn - nền tảng chia sẻ công thức và các khóa học nấu ăn ở Việt Nam - trong tháng 8.2018 nhận được khoản đầu tư 500.000 USD. Đây là số vốn đầu tư vòng 2 từ các quỹ như ASP Capital, Global Founder Capital và một số nhà đầu tư thiên thần. Trước đó, tháng 7.2017, Cooky lần đầu tiên nhận được vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm ESP Capital và bắt đầu thành lập công ty. Ngoài việc cung cấp các công thức nấu ăn, kết nối những người có cùng đam mê vào bếp thì Cooky tập trung hướng đến sự trải nghiệm cho nhiều người thông qua những lớp dạy nấu ăn, dạy làm bánh, pha chế thức uống... Lớp học thực tế được tổ chức bởi những đầu bếp nổi tiếng, hoặc từ chính những thành viên uy tín trong cộng đồng Cooky.
Không chỉ dừng lại ở đó, đội ngũ của Cooky đặt mục tiêu sẽ xây dựng nhiều dịch vụ khác, tạo ra một hệ sinh thái riêng phục vụ cho nhu cầu của những người đam mê tự tay chế biến món ăn cho gia đình như sẵn sàng cung cấp các dụng cụ, nguyên liệu chế biến. Khi nói về việc làm thế nào để gọi vốn thành công, khi công ty chưa hề có doanh thu, tương lai vẫn còn “mịt mù”, ông Nguyễn Lương Minh Vương - nhà sáng lập và điều hành Công ty cổ phần Cooky (vận hành trang Cooky.vn) luôn nhấn mạnh đến chữ “chọn đúng người” và “hợp nhau”.
“Khó nhất là làm sao để giải thích được mô hình vận hành của một ý tưởng khởi nghiệp. Nếu nhà đầu tư hiểu và thích thú với ý tưởng đó thì chắc chắn sẽ có tiếng nói chung. Vì vậy tôi cho rằng ý tưởng là điều kiện đầu tiên nhưng quan trọng nhất là mình gặp được đúng người. Các nhà đầu tư cho các dự án khởi nghiệp cũng như đồng đội trong cùng một tập thể sẽ sát cánh bên nhau để cùng phát triển, biến ý tưởng thành hiện thực chứ không phải chỉ rót tiền là xong”, Nguyễn Lương Minh Vương nhấn mạnh.
Không phải ai cũng hiểu được ngay mô hình vận hành của những start-up như Cooky Ngọc Dương
Cũng hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ như Uber, Grab, Airbnb…, Luxstay - nền tảng kết nối những chủ nhà cho thuê căn hộ, biệt thự dịch vụ đầu tiên tại Việt Nam ra đời từ cuối năm 2016. Công ty này đã có 2 đợt gọi vốn thành công. Đợt mới nhất là tháng 2.2018, Luxstay đã nhận được 2,5 triệu USD từ các quỹ đầu tư như Genesia Ventures, Founders Capital, Y1 Ventures… Luxstay có mạng lưới hơn 5.000 căn hộ, biệt thự, villa trải dài khắp các tình thành và trung tâm du lịch nổi tiếng tại Việt Nam.
Chia sẻ về lý do thuyết phục được các nhà đầu tư bỏ vốn vào Luxstay, ông Hà Duy Tùng - Giám đốc tài chính công ty - cho biết: có thể các nhà đầu tư nhìn thấy được tiềm năng của nền kinh tế chia sẻ nói chung và home-sharing tại Việt Nam nói riêng. Trong đó Luxstay là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này do đó có nhiều cơ hội để phát triển hơn. Thế nhưng, để gọi vốn thành công thì công ty cần có kế hoạch, quyết tâm và tham vọng của đội ngũ thực hiện. Bản chất ý tưởng đột phá không nhiều nhưng thực hiện được ý tưởng còn quyết định vào ai là người triển khai và đội ngũ thực hiện có năng lực thật sự. Từ đó, cá nhân ông Hà Duy Tùng cho rằng đội ngũ thực hiện là một trong những yêu tố quan trọng nhất để các start-up có thể thuyết phục được nhà đầu tư.
Thống kê của tạp chí Echelon (Singapore), một tạp chí online lớn về khởi nghiệp ở Đông Nam Á, Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (start-up). Năm 2017, Việt Nam tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo với tổng số vốn hơn 291 triệu USD, tăng gần gấp đôi về số lượng thương vụ và gần 50% về tổng số vốn so với năm 2016. Hiện có khoảng 40 quỹ đầu tư có hoạt động tại Việt Nam nhưng phần lớn là quỹ của nước ngoài.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.