Tư vấn mùa thi: Cơ hội lớn từ xét học bạ...

Bích Thanh
Bích Thanh
09/06/2020 08:39 GMT+7

Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, năm nay, nhiều trường giảm chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT để xét thêm các phương thức khác, trong đó phần lớn tập trung vào phương thức xét học bạ.

Trong phần giải đáp băn khoăn về lựa chọn ngành nghề, đại diện các trường tham dự chương trình Tư vấn mùa thi đã định hướng cho học sinh tùy theo năng lực, sức học để chọn vào ngành và phương thức xét tuyển có cơ hội trúng tuyển cao nhất.
Chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên được phát sóng trên Đài phát thanh - truyền hình Tây Ninh, đồng thời trực tuyến trên thanhnien.vn, facebook.com/thanhnien và kênh YouTube Báo Thanh Niên.

Tăng cơ hội

Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, hiện nay có 100% các trường đều xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên trong năm nay, đa số trường giảm chỉ tiêu cho phương thức này để xét thêm các phương thức khác, trong đó phần lớn tập trung vào phương thức xét học bạ.
Chia sẻ về điểm mới trong phương thức xét tuyển, ông Vũ Quang Huy, Phó ban Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, thông tin thời gian này trường đang nhận hồ sơ xét học bạ đến ngày 30.6. Theo ông Huy, hình thức mới sử dụng trong năm nay để tăng cơ hội cho thí sinh là dựa trên kết quả của 3 học kỳ (2 học kỳ của lớp 11 và học kỳ 1 của lớp 12) có điểm trung bình đạt từ 18 trở lên.
Còn đại diện Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU) - ông Trần Văn Trắng cho biết trong các phương thức xét tuyển thì chỉ tiêu của xét học bạ vẫn chiếm tỷ trọng lớn với 70%, 20% dành cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT và 10% còn lại là kỳ thi xét điểm thi đánh giá năng lực.
Ở khối các trường CĐ cũng có những thay đổi về xét tuyển cũng như chương trình đào tạo theo nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội.
Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, cho biết học sinh tốt nghiệp THPT hoặc tương đương là có thể tham gia vào xét tuyển các trường CĐ. Chẳng hạn, Trường CĐ Bách Việt xét học bạ năm lớp 12 theo các tổ hợp phù hợp với ngành nghề đào tạo và những thí sinh sử dụng kết quả thi THPT của năm trước.
Thạc sĩ Phạm Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm hợp tác doanh nghiệp và giới thiệu việc làm Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, cho biết trường tuyển 2.500 chỉ tiêu với 4 phương thức xét tuyển.

Đào tạo theo nhu cầu nhân lực

Trước câu hỏi: “Ngành nào ra trường dễ có việc làm, thu nhập cao?” của thí sinh Thanh Hùng (Tây Ninh) gửi đến chương trình, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân cho rằng hiện nay có một số ngành nhận nhiều quan tâm của thí sinh là các nhóm ngành khối kinh tế, quản trị kinh doanh, du lịch lữ hành, ô tô, công nghệ thông tin… Thông thường, nếu đạt từ 25 điểm trở lên cho tổ hợp 3 môn xét tuyển thì cơ hội trúng tuyển cao. Tuy nhiên, thí sinh nên chọn lựa một vài nguyện vọng khác để tăng cơ hội trúng tuyển.
Trả lời thắc mắc của học sinh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tây Ninh, về ngành công nghệ kỹ thuật ô tô, tiến sĩ Trần Mạnh Thành cho biết đây là ngành thu hút nhiều sinh viên do nền công nghiệp này đang phát triển, đặc biệt với sự xuất hiện thương hiệu xe VinFast của người Việt. Để đáp ứng nhu cầu, trường tập trung đào tạo sao cho sinh viên có thể tham gia vào dây chuyền lắp ráp, bảo dưỡng, bảo trì, vận hành xe... Trường có 20 ngành đào tạo và tuyển sinh nhiều đợt trong năm, cứ đủ 35 sinh viên cho một ngành đào tạo là mở lớp bởi có những ghi nhớ với các doanh nghiệp để cung cấp nguồn nhân lực.
Cũng nói về công nghệ kỹ thuật ô tô, thạc sĩ Phạm Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm hợp tác doanh nghiệp và giới thiệu việc làm Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, cho rằng những sinh viên nữ theo học ngành này sẽ làm mảng kinh doanh, khối văn phòng của các nhà máy sản xuất gia công linh kiện... Sinh viên không chỉ học, thực hành tại xưởng thực hành của trường mà còn tham gia một học kỳ doanh nghiệp kéo dài 6 tháng tại doanh nghiệp hoạt động đúng chuyên ngành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.